14/06/2017 16:16 GMT+7

Vì sao quan chức Mỹ phải liên tục điều trần?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Một loạt các vụ điều trần đối với các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ gần đây đã thu hút sự chú ý của dư luận. Điều trần ở Mỹ có tác dụng gì?

Buổi điều trần ngày 9-6 của cựu giám đốc FBI James Coemy - Ảnh: Reuters
Buổi điều trần ngày 9-6 của cựu giám đốc FBI James Comey (ngồi bàn nhỏ ở giữa) - Ảnh: Reuters

Hiểu theo nghĩa đơn giản, điều trần (hearing) là một trong những cách thức chính mà các ủy ban của Quốc hội Mỹ thu thập và phân tích thông tin trong bước đầu hoạch định chính sách. Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn và tìm hiểu kỹ lịch sử hoạt động của ngành lập pháp Mỹ, sẽ thấy điều trần bao gồm cả yếu tố “điều” tra và “trần” tình.

Trong vụ Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ra điều trần trước Ủy ban tình báo Thượng viện ngày 13-6, hai yếu tố nói trên đã được thể hiện rất rõ.

Điều trần để nắm thông tin

Mục đích cuối cùng của các cuộc điều trần Quốc hội Mỹ là nắm được thông tin. Mục tiêu, dù vậy lại khác nhau, do đó dẫn tới việc hình thức điều trần khác nhau.

Cơ bản và lâu đời nhất là điều trần lập pháp (Legislative hearings). Các ủy ban của Quốc hội Mỹ sẽ triệu tập những buổi này để lắng nghe ý kiến từ các bên, xem xét và đánh giá trước khi quyết định trình ra một dự luật nào đó có ảnh hưởng rộng. Dạng này thường kém thu hút trừ khi dự luật mới có quá nhiều điều bàn cãi.

Phổ biến và được chú ý hơn là điều trần phê chuẩn (Confirmation hearings). Theo quy định, nhiều vị trí do tổng thống chỉ định phải nhận được phê chuẩn của Thượng viện Mỹ. Trước khi ra phiên bỏ phiếu toàn Thượng viện, các ứng viên phải nhận được sự chấp thuận của các ủy ban tương ứng tại Thượng viện. Ví dụ như thẩm phán Tòa án Tối cao phải nhận được cái gật đầu của Ủy ban tư pháp Thượng viện Mỹ.

Ông Comey tuyên thệ cam kết nói sự thật trước phiên điều trần - Ảnh: Reuters
Ông Comey tuyên thệ cam kết nói sự thật trước phiên điều trần - Ảnh: Reuters

Hình thức thứ ba và cũng là dạng đang nhận được sự chú ý rộng rãi của dư luận trong thời gian gần đây: điều trần điều tra (Investigative hearings). Quốc hội Mỹ không chỉ nắm quyền lập pháp mà còn có quyền tiến hành các cuộc điều tra độc lập với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Các ủy ban của cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều có quyền này.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ủy ban tình báo Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã tiến hành 2 cuộc điều tra riêng rẽ nhắm vào nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump với người Nga. Các cuộc điều trần gần đây có sự tham gia của cựu giám đốc FBI James Comey, Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia Mỹ Mike Rogers, Bộ trưởng và Thứ trưởng Tư pháp Mỹ đều nằm trong dạng này.

Hiến pháp trao cho Quốc hội Mỹ quyền phê chuẩn các hiệp ước được chính phủ ký với nước ngoài. Trước các cuộc bỏ phiếu, Quốc hội Mỹ cũng tiến hành điều trần. Dạng này cũng được hiểu là một kiểu điều trần phê chuẩn (Ratification hearings). Khi các cuộc điều trần được tổ chức bên ngoài trụ sở Quốc hội ở thủ đô Washington, nó được gọi là các cuộc điều trần địa phương (Field hearings).

Các vụ điều trần nổi tiếng

Theo đánh giá của truyền thông Mỹ, một loạt các cuộc điều trần giữa Thượng nghị sĩ Joseph Raymond McCarthy và Quân đội Mỹ năm 1954 cho tới nay vẫn là một trong những vụ điều trần nổi tiếng trong lịch sử Mỹ. “Chủ nghĩa McCarthy” cũng từ chính vị nghị sĩ này mà ra.

Bằng cách cáo buộc đã có hàng trăm điệp viên Liên Xô xâm nhập vào Bộ Ngoại giao Mỹ, McCarthy đã gieo rắc nỗi sợ hãi trong giai đoạn căng thẳng đầu tiên của Chiến tranh Lạnh những năm đầu 1950. Năm 1954, quân đội Mỹ tố McCarthy và một người bạn của ông ta gây sức ép để quân đội biệt đãi với một người bạn cũ của hai người này.

Các buổi điều trần được truyền hình trực tiếp đã cho thấy ông McCarthy là một kẻ liều lĩnh và quá quắt, người không bao giờ đưa ra được cái tài liệu thích hợp để chứng minh cho bất kỳ lời buộc tội nào của mình. Hình ảnh McCarthy và các buổi điều trần có ông ta thống trị các đài truyền hình Mỹ trong suốt 2 tháng từ tháng 4 đến tháng 6-1954. Đây cũng là một trong những vụ điều trần đầu tiên được truyền hình trực tiếp.

Tháng 12-1954, một tiểu ban điều tra của thượng viện Mỹ kết luận Thượng nghị sĩ McCarthy đã gần như bịa đặt tất cả các cáo buộc. Với 67 phiếu thuận và 22 phiếu chống, Thượng viện Mỹ lên án hành vi sai trái của McCarthy nhưng không tước quyền nghị sĩ của ông. Một tháng sau đó, ông ta mất ghế thượng nghị sĩ trong cuộc bầu cử quốc hội thứ 84 của Mỹ.

Một vụ điều trần khác liên quan tới Việt Nam đã diễn ra vào năm 1968, theo sau sự kiện tết Mậu Thân 1968. Bất ngờ trước quy mô và phạm vi các đòn tấn công của quân giải phóng, Quốc hội Mỹ đã kêu gọi điều trần nhằm đánh giá lại các chính sách của Mỹ ở Việt Nam khi các báo cáo của quân đội Mỹ trước đó đã đánh giá tình hình hết sức lạc quan.

Vụ điều trần được theo dõi rộng rãi trong thời điểm các luồng ý kiến phản đối chiến tranh ở Việt Nam ngày càng tăng ở Mỹ. Kết quả, vụ điều trần là một trong những lý do khiến tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon b. Johnson nhụt chí và tuyên bố không ra tranh cử, theo trang History.

Phiên điều trần trong vụ Watergate nổi tiếng - Ảnh chụp màn hình
Phiên điều trần trong vụ Watergate nổi tiếng - Ảnh chụp màn hình

Tháng 5-1973, Ủy ban Thượng viện về các hoạt động chiến dịch tranh cử Tổng thống (Senate Select Committee on Presidential Campaign Activities) bắt đầu các buổi điều trần được truyền hình trực tiếp về vụ Watergate - bê bối nghe lén đảng Dân chủ của tổng thống Richard Nixon.

Các cuộc điều trần sau đó cho thấy đã có sự chấp thuận và bao che của các quan chức trong chính quyền Nixon về chiến dịch nghe lén. Tổng thống Nixon biết việc bao che nhưng cũng làm ngơ. Bên ngoài Quốc hội, ông Archibald Cox - công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra, đã phát hiện nhiều bằng chứng về các âm mưu gián điệp và nghe lén của Ủy ban tái tranh cử của Nixon.

Tháng 7-1973, sự tồn tại của cái gọi là "băng Watergate", tức các bản ghi âm chính thức của Nhà Trắng về các cuộc đối thoại giữa Nixon với các nhân viên của ông, đã được tiết lộ trong phiên điều trần của Thượng viện.

Tổng thống Nixon đã trì hoãn đến 3 tháng việc giao nộp theo yêu cầu của công tố viên đặc biệt. Tuy nhiên, ngay khi bị ông Cox từ chối nhận các đoạn tóm tắt thay vì băng ghi âm, tổng thống Nixon đã sa thải ông này.

Kết quả sau đó đến giờ cũng đã rõ, tổng thống Nixon, trước áp lực từ dư luận và các bằng chứng mới, đã xin từ chức vào tháng 8-1974 nhằm tránh nguy cơ bị luận tội.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp