Hơn 14.100 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang kinh doanh thua lỗ - Ảnh: Đ.T
Đó là những thông tin được Bộ Tài chính đưa ra trong báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), vừa gửi tới Thủ tướng.
Shopee và nghịch lý doanh thu tăng vẫn lỗ
Theo Bộ Tài chính, trong tổng số 25.171 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, chỉ có 10.125 doanh nghiệp FDI sản xuất kinh doanh lãi, đạt 40,2% tổng số doanh nghiệp FDI.
Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp FDI có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 báo lỗ lên tới 14.108 doanh nghiệp, tương đương với 56% tổng số doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Số thua lỗ năm 2020 của các doanh nghiệp FDI ghi nhận lên tới khoảng 151.064 tỉ đồng.
Theo phân tích của Bộ Tài chính thì một số doanh nghiệp FDI kinh doanh trong mảng viễn thông, phần mềm, được cho là hưởng lợi từ bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng báo lỗ nặng.
Năm 2020, doanh thu nhóm doanh nghiệp FDI ngành viễn thông, phần mềm đạt 43.985 tỉ đồng, trong đó hai dự án FDI có doanh thu chiếm tỉ trọng lớn nhất nhóm ngành này là Công ty Airpay đạt 4.555 tỉ đồng (chiếm 10,35%) và Công ty Shopee 2.329 tỉ đồng, chiếm 5,25% tổng doanh thu nhóm ngành này.
Công ty Airpay và Công ty Shopee là hai doanh nghiệp FDI có doanh thu tăng mạnh trong năm 2020, mức tăng doanh thu của cả hai doanh nghiệp này là 2.964 tỉ đồng, đóng góp 58% tăng trưởng doanh thu của ngành.
Tuy doanh thu tăng cao, quy mô vốn đầu tư lớn (Công ty Shopee) và có sự mở rộng về quy mô (Công ty Airpay), nhưng hai doanh nghiệp FDI này vẫn báo lỗ, trong đó Công ty Shopee bị lỗ mất vốn, mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước hạn chế.
Số nộp ngân sách nhà nước của hai doanh nghiệp này lần lượt đạt khoảng 67 tỉ đồng và 48 tỉ đồng.
Từ thực tế này, Bộ Tài chính đánh giá: "Việc thu hút doanh nghiệp FDI có quy mô vốn lớn chưa hẳn là đã có đóng góp tích cực hơn vào nguồn thu ngân sách nhà nước, cũng như tác động tích cực đối với các chỉ tiêu tài chính của ngành".
Trường hợp Shopee, Bộ Tài chính cho biết vốn chủ sở hữu Shopee năm tài chính 2020 âm 1.463 tỉ đồng. Công ty này rơi vào tình trạng lỗ mất vốn do lỗ lũy kế của công ty vẫn tiếp tục tăng 31% so với năm 2019.
Theo Bộ Tài chính, Shopee có thể gặp rủi ro tài chính khi thanh toán các khoản nợ đến hạn do tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn.
Số doanh nghiệp FDI lỗ nhiều hơn lãi
Lũy kế đến hết năm 2020, có 16.164 doanh nghiệp FDI báo lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, chiếm 64% tổng số doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có báo cáo.
Tổng lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp FDI tính đến hết năm 2020 ghi nhận lên tới 623.337 tỉ đồng, bằng 44% vốn đầu tư của chủ sở hữu. Con số này của năm 2020 tăng 12% số lượng doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế và tăng 20,1% về tổng số lỗ lũy kế so với năm 2019.
Nghịch lý là dù thua lỗ nhưng tổng tài sản của các doanh nghiệp FDI ghi nhận lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính năm 2020 vẫn đạt khoảng 2,91 triệu tỉ đồng, tăng 8,1% so với năm 2019.
Số lượng doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn cùng kỳ theo Bộ Tài chính là 4.250 doanh nghiệp, chiếm 16,88% tổng số doanh nghiệp FDI có báo cáo, và tăng 22,7% về số lượng doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn so với năm 2019.
Cũng theo số liệu của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), số thu nội địa (không kể dầu thô) của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2020 là 206.088 tỉ đồng, giảm 6.111 tỉ đồng so với năm 2019. Đây là năm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020 ghi nhận số thu nộp ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp FDI giảm so với những năm trước đó.
Tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp FDI trong năm 2020 đạt khoảng 406.580 tỉ đồng, tăng khoảng 37.240 tỉ đồng, tương tự tổng lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 341.780 tỉ đồng, tăng khoảng 35.650 tỉ đồng, nhưng vẫn có khoảng 56% tổng số doanh nghiệp FDI tiếp tục báo lỗ trong năm tài chính 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận