21/12/2019 07:50 GMT+7

Vì sao phụ nữ trẻ thống lĩnh chính trường Phần Lan?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Không chỉ vừa có một nữ thủ tướng tại nhiệm trẻ nhất thế giới, Phần Lan còn là nước đang có 5 phụ nữ giữ cương vị cao nhất, và có tới 4 người trong đó dưới 35 tuổi.

Vì sao phụ nữ trẻ thống lĩnh chính trường Phần Lan? - Ảnh 1.

5 phụ nữ là lãnh đạo của 5 đảng thuộc Chính phủ liên minh Phần Lan: Thủ tướng Sanna Marin, Li Andersson, Katri Kulmuni, Maria Ohisalo và Anna-Maja Henriksson - Ảnh: 4chan.org

Có lẽ những phụ nữ xuất sắc khác của Phần Lan đều sẽ có chung suy nghĩ giống như bà Sanna Marin, tân thủ tướng 34 tuổi vừa tuyên thệ tuần này của Phần Lan, khi bà trả lời truyền thông trong nước gần đây: "Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ về tuổi tác cũng như giới tính của mình". 

Thay vì nghĩ về những điều đó, bà Marin nói bà quan tâm hơn tới "những lý do đã khiến bà bước vào chính trường và những điều đã giúp bà giành được sự tín nhiệm của cử tri".

Trong nhóm dẫn đầu thế giới về bình đẳng giới

Cả thế giới thực sự hướng về Phần Lan những ngày qua, khi chiếc ghế quyền lực nhất, vị trí chịu trách nhiệm điều hành đất nước, được dành cho một phụ nữ chỉ mới 34 tuổi.

Sự thực Phần Lan không phải "bây giờ mới thế". Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, quốc gia Bắc Âu này thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về các tiêu chí đánh giá thực hiện bình đẳng giới. Phần Lan bầu nữ thủ tướng đầu tiên của họ năm 2003, và phụ nữ chiếm 47% số nghị sĩ trong quốc hội sau các đợt bầu cử năm nay.

Hiện tại, dưới quyền lãnh đạo của bà Marin, chính phủ liên minh của Phần Lan được thành lập từ 5 đảng, cả 5 đảng này đều do những người phụ nữ lãnh đạo. Bốn người trong họ là phụ nữ dưới 35 tuổi. Ngoài bà Marin 34 tuổi là các bà Katri Kulmuni (32 tuổi) của Đảng Trung tâm, bà Maria Ohisalo (34 tuổi) của Đảng Xanh, bà Li Andersson (32 tuổi) của Đảng Liên minh cánh tả. Người phụ nữ lớn tuổi nhất cũng chỉ 55 tuổi là bà Anna-Maja Henriksson, chủ tịch Đảng Nhân dân Thụy Điển.

Cựu thủ tướng Phần Lan, ông Alexander Stubb, bày tỏ niềm hân hoan trước bộ máy lãnh đạo chính quyền với toàn những người phụ nữ năng động, trẻ trung trên tài khoản Twitter: "Đảng của tôi không có trong chính phủ, nhưng tôi rất vui khi các lãnh đạo của 5 đảng trong chính phủ đều là phụ nữ. Điều này chứng tỏ Phần Lan là một đất nước hiện đại, tiến bộ. 

Phần lớn chính phủ của tôi cũng đã là phụ nữ. Một ngày nào đó, giới tính sẽ không còn là vấn đề trong chính phủ nữa. Chỉ có những người tiên phong thôi".

Phần Lan và các quốc gia Bắc Âu khác như Iceland, Na Uy và Thụy Điển thường xuyên nằm trong nhóm các nước dẫn đầu thế giới về thực hiện bình đẳng giới theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới căn cứ theo những tiêu chí đánh giá về mức độ đối xử bình đẳng về kinh tế, sức khỏe, giáo dục và chính trị.

Tuổi quan trọng hơn giới tính

Thực tế cho thấy ở Phần Lan, tuổi của các nhà lãnh đạo mới thực sự quan trọng hơn giới tính của họ. Bởi lẽ nước này từ lâu đã có tỉ lệ phụ nữ tham gia chính trường rất đông. 

Phần Lan bầu tổng thống nữ đầu tiên của họ (là nguyên thủ quốc gia, không phải thủ tướng) - bà Tarja Halonen - từ năm 2000. Ba năm sau, 2003, họ có nữ thủ tướng đầu tiên, bà Anneli Jäätteenmäki. 

Đầu năm nay, phụ nữ giành được số ghế kỷ lục, 93 ghế, trong quốc hội có 200 ghế, đạt 47% nữ tại cơ quan lập pháp. Kỷ lục trước đó, 85 ghế, đã được "xác lập" năm 2011.

Trong khi đó, người trẻ đã và đang ngày càng hiện diện nhiều hơn trong Quốc hội Phần Lan những năm gần đây. Mới nhất là năm nay, 48% ghế quốc hội do những nghị sĩ dưới 45 tuổi nắm, trong đó có 8 nghị sĩ dưới 30 tuổi. Nhìn trên bình diện thế giới, bà Marin - thủ tướng tại nhiệm trẻ nhất - đang vượt qua các gương mặt trẻ trung không kém là Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honcharuk (35 tuổi) và Thủ tướng New Zealand - bà Jacinda Arden (39 tuổi).

Nền tảng để phụ nữ đi lên

Theo tạp chí Vox (Mỹ), có một số lý do khiến các nước Bắc Âu đạt được thành công này. Trước hết, theo quan điểm từng chia sẻ năm 2013 trên tờ Huffington Post, bà Saadia Zahidi - hiện là giám đốc điều hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới - cho biết các nước này đã trao quyền bỏ phiếu cho phụ nữ trước tất cả các nước khác trên thế giới. Phụ nữ Phần Lan được quyền bỏ phiếu từ năm 1906.

Bên cạnh đó, phụ nữ ở các nước này cũng được hưởng lợi từ những chính sách nhằm giúp phụ nữ vừa có thể duy trì sự nghiệp, vừa chăm lo được cho gia đình. Những lợi ích đó bao gồm quyền được hưởng lương hậu hĩnh khi nghỉ việc sinh con, và khi họ sinh con, chồng họ cũng được nghỉ làm.

Cựu tổng thống Obama: Phụ nữ giỏi hơn đàn ông! Cựu tổng thống Obama: Phụ nữ giỏi hơn đàn ông!

TTO - Cựu tổng thống Mỹ Obama cho rằng phụ nữ giỏi hơn đàn ông và nếu phụ nữ lãnh đạo quốc gia thì người dân sẽ có mức sống tốt hơn.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp