Hyundai Santa Fe có tốc độ tối đa vào khoảng 190 km/h nhưng đồng hồ công-tơ-mét lại hiển thị lên đến 260 km/h - Ảnh: Carsome
Hyundai Kona không phải mẫu xe duy nhất. Tốc độ cao nhất được ghi trên đồng hồ của Toyota Yaris là 220 km/h, trong khi thực tế không thể chạy quá 175 km/h. Hay mặt đồng hồ Kia Seltos cao nhất là 240 km/h, nhưng chắc chắn chẳng bao giờ có thể đạt tốc độ đó với động cơ 1.4L của một chiếc SUV hạng B.
Mặc dù xe có động cơ mã lực cao có thể đạt gần tốc độ đồng hồ công-tơ-mét tối đa, hầu hết sẽ bị giới hạn bởi máy tính điều khiển động cơ. Bởi lốp xe có thể quá nóng và bị hỏng khi chạy ở tốc độ quá cao.
Vậy tại sao những chiếc xe trên, cũng như hầu hết các xe khác, có đồng hồ công-tơ-mét hiển thị tốc độ tối đa không thể đạt tới?
Đồng hồ tốc độ được chế tạo để phù hợp với nhiều loại ôtô
Về mặt logic và chi phí, các nhà sản xuất ôtô không thể tạo ra một thước đo mới cho từng mẫu và biến thể ôtô. Vì vậy, nhằm đơn giản hóa quá trình sản xuất, nhiều hãng sử dụng chung đồng hồ đo tốc độ cho cả những mẫu chạy nhanh và bình thường.
Các nhà sản xuất không thể sản xuất từng đồng hồ cho từng thị trường và mẫu xe - Ảnh: Auto Trader
Điều này cũng phản ánh ôtô là thứ hàng hóa quốc tế. Do có thể đi đến nhiều nước với những giới hạn tốc độ khác nhau, các nhà sản xuất cũng không thể làm đồng hồ riêng cho từng thị trường. Họ cần loại đồng hồ có thể mang đến cả những nơi gần như không giới hạn tốc độ như con đường Autobahn nổi tiếng của Đức hay có giới hạn khắt khe (như Bhutan, Singapore), theo AP.
Đồng hồ tốc độ có số "khủng" biến những chiếc xe bình thường có cảm giác thể thao hơn
Ngay cả khi nhà sản xuất chịu khó làm riêng từng loại đồng hồ cho mỗi mẫu xe và thị trường, họ vẫn quan tâm đến việc thu hút khách hàng, mà hầu hết mọi người đều thích một chiếc xe chạy ngang ngửa một tay đua ngay cả khi chỉ dùng để chạy nội đô.
Xe "có số có má" dễ bán hơn - Ảnh: Business Insider
Giám đốc một công ty sản xuất đồng hồ tốc độ nói với AP: "Mọi người đều thích nhìn thấy số to. Đó là dấu hiệu của động cơ mạnh mẽ. Một chiêu quảng bá tiếp thị".
Tất nhiên, việc nâng tốc độ tối đa "ảo" như vậy vấp phải rất nhiều chỉ trích. Một số tỏ ra lo ngại điều đó sẽ kích thích một số người chạy quá tốc độ cho phép, chẳng hạn 130 km/h (tốc độ tối đa ở Việt Nam là 120 km/h).
Larry Dominique, cựu giám đốc sản phẩm Nissan, từng nói: "Đó là một tốc độ lố bịch. Hơn 80% ôtô trên đường không được thiết kế để chạy quá 175 km/h".
Các nhà quản lý cũng từng đưa ra chính sách để hạn chế sự phóng tay của các nhà sản xuất ôtô. Năm 1974, Tổng thống Mỹ Nixon đã tạo ra giới hạn tốc độ quốc gia là 55 dặm/giờ (88 km/h). Ở những chiếc xe rất cũ còn tồn tại đến hôm nay có thể thấy tốc độ tối đa ghi trên đồng hồ là 55 là vì vậy.
Năm 1979, người đứng đầu Cục Quản lý an toàn đường bộ quốc gia đã ban hành quy định cấm đồng hồ đo ghi vượt quá 85 dặm/giờ (137 km/h). Nhưng rồi chỉ hai năm sau, tổng thống Mỹ khi đó là Reagan đã lật ngược chính sách, vậy là các nhà sản xuất ôtô tiếp tục tăng tốc độ cho đồng hồ công-tơ-mét.
Những lý do khác
Ngoài ra, một lý do khác có vẻ dễ chấp nhận hơn để các nhà sản xuất ôtô tiếp tục cuộc chơi với những con số trên đồng hồ công-tơ-mét. Đó là về mặt tâm lý. Trang Business Insider dẫn chứng: Lái xe đến 120 km/h và "kịch kim" có thể dẫn đến tâm trạng khủng hoảng cho tài xế. Nhưng khi thấy kim đồng hồ chỉ đâu đó ở giữa, tài xế sẽ có cảm giác an tâm khi cách khá xa tốc độ lớn nhất của một chiếc xe, họ tự tin, lái đầm tay và chắc chắn hơn, do đó cũng an toàn hơn.
Đồng hồ công-tơ-mét được thiết kế sao cho không để những tài xế bình thường "run tay" trong khi lại không được quá lớn để kích thích những tay có máu liều - Ảnh: AARP
Tất nhiên, nếu tốc độ trên đồng hồ công-tơ-mét cao đến mức có thể gây ảo giác cho những người lái xe rằng họ có thể là Michael Schumacher trong đời thường thì họ có thể liều lĩnh hơn. Đó là lý do các nhà sản xuất ôtô không "phóng tác" tốc độ cao nhất lên hàng trăm km/h, thường nằm trong khoảng 200 km/h đến 300 km/h với những mẫu xe nhỏ kể trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận