Tổng thống Trump phát biểu tại bang Ohio ngày 29-3 - ảnh: REUTERS
Theo báo Washington Post, các quan chức tình báo Mỹ tuy cố gắng thúc đẩy việc phá vỡ mạng lưới tình báo đội lốt ngoại giao của Matxcơva, họ vẫn tin Tổng thống sẽ không đồng ý với việc đóng cửa Lãnh sự quán Nga ở Seattle.
Trong các cuộc trao đổi với giới lãnh đạo châu Âu, ông Trump cũng nói Mỹ không hứng thú với việc "điệp viên Nga" đáp trả vụ cựu đại tá tình báo Nga Sergey Skripal bị đầu độc trên đất Anh nếu các nước khác không có hành động tương tự.
Nhưng khi nhóm cố vấn an ninh quốc gia trình 3 phương án phản ứng hôm thứ Sáu tuần trước (23-3), quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga của ông Trump thậm chí khiến các đồng minh của Mỹ há hốc mồm kinh ngạc vì quá mạnh mẽ.
"Chúng tôi nhận được tín hiệu lệnh trục xuất sắp có, nhưng con số quá bất ngờ. Thật sự là rất nhiều" - một nhà ngoại giao châu Âu ở Washington không giấu giếm sự ngạc nhiên.
Tính bất ổn định trong quyết định của ông Trump phản ánh một hiện tượng khó hiểu đã diễn ra trong gần 1 năm qua: Dù Tổng thống Mỹ luôn dùng lời lẽ dễ nghe khi nói về Matxcơva và không bao giờ chỉ trích tổng thống Vladimir Putin, nhưng rất nhiều lần Nhà Trắng đã có hành động cứng rắn với Nga theo đề xuất của nhóm cố vấn cấp cao.
Hai tổng thống Nga và Mỹ từng trò chuyện bên lề khi dự Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11-2017. Phía Nga công bố rất hài lòng về kết quả cuộc nói chuyện bên lề dù hai bên không gặp song phương chính thức - Ảnh: AFP
Chính quyền mới đã có những động thái mà cựu Tổng thống Obama không dám làm, chẳng hạn cung cấp tên lửa chống tăng cho Ukraine. Tổng thống (Trump) có vẻ không thích chút nào, nhưng vì lý do nào đó ông sẵn sàng nghe theo các cố vấn"
Chuyên gia John Herbst thuộc tổ chức học giả Atlantic Council
Được biết, 3 phương án trình cho ông Trump vụ Skripal được xếp theo thứ tự "nhẹ, trung bình và nặng".
"Nhẹ" là trục xuất 30 người; "trung bình" là trục xuất 48 người ở Washington và 12 người thuộc phái bộ LHQ ở New York, đóng cửa Lãnh sự quán Nga ở Seattle; "nặng" không được tiết lộ!
Một cố vấn đã dùng môn quyền Anh để giải thích cho ông chủ Nhà Trắng: "Nếu ngài chơi nặng ngay và người Nga đáp trả, chúng ta sẽ bị giới hạn trong hành động sau đó. Với phương án "vừa", ngài tung ra cú đấm đủ lực nhưng vẫn giữ lại một đòn".
Rốt cuộc ông Trump cảm thấy thuyết phục với cách làm đó.
Và trong chừng mực nào đó, việc Matxcơva trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ tối 29-3 để đáp trả cũng nằm trong dự đoán. Phía Mỹ chỉ cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng đến công tác cấp và xử lý đơn xin visa của công dân Nga.
Trong vài chục năm qua, một vụ trục xuất nhân viên ngoại giao quy mô như lần này chưa từng xảy ra ở Mỹ. Chỉ có 2 vụ đáng kể là năm 1986, khi đó chính quyền Tổng thống Reagan trục xuất 55 quan chức Nga; và năm 2001, chính quyền George W. Bush trục xuất 50 người.
Hiện vẫn chưa rõ Nga sẽ dừng hành động trả đũa tại đây hay tiếp tục leo thang ăn miếng trả miếng với Mỹ. Đến nay đã có gần 150 nhà ngoại giao Nga tại 28 nước nhận thông báo bị trục xuất về nước do tác động của vụ việc tại Anh.
Trong một tuyên bố ngày 29-3 (giờ địa phương), Nhà Trắng khẳng định "động thái đáp trả của Nga không phải là điều bất ngờ" và Mỹ sẽ "đối phó vấn đề này".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố nhấn mạnh không có lý do gì để biện minh cho hành động của Nga và Washington có thể đáp trả. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bà Heather Nauert cho biết Washington đang cân nhắc các biện pháp, song từ chối thông tin về những biện pháp mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể tiến hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận