27/06/2013 13:27 GMT+7

Vì sao nước Mỹ mất mặt vì vụ Snowden?

HẢI MINH (Theo CNN)
HẢI MINH (Theo CNN)

TTO - Cuộc săn đuổi toàn cầu của nước Mỹ với "người thổi còi" Edward Snowden đang trở thành một câu chuyện lai giữa những bộ phim "The Hunt for Red October - Cuộc truy đuổi dưới đáy trùng khơi" và "The Bonfire of the Vanities hay còn gọi là Đêm hội phù hoa" cũng như khiến nước Mỹ vô cùng mất mặt.

Bởi Snowden là cựu nhân viên của nhà thầu tư nhân làm cho Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) nhưng lại tiết lộ các chương trình do thám của chính NSA.

B50X4oxf.jpgPhóng to
Người Hong Kong biểu tình phản đối Mỹ và ủng hộ Edward Snowden - Ảnh: Reuters

Theo CNN ngày 26-6, cách đây mấy ngày, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry đã cảnh báo Nga và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “những hậu quả” nếu họ tìm cách giúp Snowden lẩn trốn pháp luật Mỹ. Giống như quá nhiều chính trị gia Hoa Kỳ, Kerry có vẻ tin rằng “pháp luật” là những gì mà Nhà Trắng và Bộ Tư pháp Mỹ cho là đúng trong bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ ngóc ngách nào trên thế giới.

Nhưng ông đã sai. Sai lầm này cũng giống như đưa quân vào một quốc gia mà chưa có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hay xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Đừng làm thế, trừ khi bạn định gây hấn. “Những hậu quả” mà ông Kerry cảnh báo không rõ cụ thể là gì, nhưng giọng điệu rõ ràng là quá khiêu khích với những cường quốc khác trên thế giới.

Trong mắt nhiều nước phương Đông, Snowden là một kiểu người Mỹ trầm lặng mới, hữu ích hơn. Đã nhặt nhạnh mọi thứ có thể từ Snowden, Hong Kong vui vẻ để anh ra đi. Nga thì thông báo họ cảm thấy “bị đe dọa” bởi giọng điệu của giới quan chức Mỹ liên quan đến vụ việc. Nếu như Matxcơva không ngần ngại đối đầu với Mỹ về Syria, họ sá gì việc chứa chấp một điệp viên phản thùng?

Ngay cả Ecuador và Iceland cũng không bác bỏ khả năng họ sẽ chào đón Snowden và nếu như những quốc gia khác có thể đứng lên thách thức đế chế Mỹ siêu cường, thì tại sao Trung Quốc và Nga không thể? Có lẽ đã tới lúc chính quyền Obama phải nhận ra rằng họ đang đóng vai chính trong bộ phim “Hoàng đế cởi truồng”, với gã thợ may láu cá mang tên Edward Snowden.

Vụ áp phe Snowden không phải là lần đầu nước Mỹ mất mặt trong thời hiện đại.

Đó có thể là nhà tù Guantanamo Bay. Đúng là nhiều nước cũng giam giữ tù nhân không xét xử vô thời hạn, nhưng điều đó khó chấp nhận với Washington vì nước Mỹ luôn lên tiếng rao giảng và đôi khi áp đặt người khác về thế nào là vi phạm nhân quyền và sự độc lập của hệ thống tư pháp.

Đó có thể là vụ Bradley Manning. Sự chia sẻ và cảm thông dành cho binh nhì nhỏ nhoi này lớn ngang với lượng tài liệu mà anh ta đã cung cấp cho WikiLeaks bởi vì Manning bị đối xử còn tệ hơn một kẻ giết người hàng loạt.

Về mặt địa chính trị, Washington đảm nhận vai trò mà London để lại sau 1945, nhưng vấn đề là họ đã áp đặt những giá trị của mình quá lâu, quá thường xuyên đến mức thành nếp nghĩ. Cả thế giới phải chứng kiến thái độ đó tại Afghanistan và Iraq (can thiệp quân sự ở đó giúp những đường phố Mỹ được bình yên) và giờ ở Syria (sự không can thiệp ở đó giúp các đường phố Mỹ bình yên)!

Nhiều thay đổi đã diễn ra theo chiều hướng tệ hơn ở nước Mỹ tự do từ sau những vụ tấn công 11-9-2001. Ám sát không xét xử Osama bin Laden trên lãnh thổ một nước khác, những máy bay không kích không người lái, những vụ do thám và thu thập thông tin bí mật… Thế giới đã mệt mỏi với kiểu cách tự tung tự tác của Mỹ.

Nhà Trắng đang nổi giận vì Bắc Kinh và Matxcơva không hợp tác bắt Snowden, nhưng không chỉ có thế, ngay cả những nước châu Âu mềm mỏng, tự do và hầu hết các quốc gia trung lập đều không thích bị do thám bởi một tổ chức liên quốc gia không hề được kiểm soát như NSA, một tổ chức ở ngoài tầm với của pháp luật, bất kỳ pháp luật nào, ở bất kỳ đâu.

Obama và Kerry có thể cứ nói mãi về an ninh quốc gia, nhưng ngay lúc này, phần còn lại của thế giới đang nói về chủ quyền quốc gia, quyền riêng tư và các quyền cá nhân khác, và tận hưởng khoảnh khắc khi gã khổng lồ vấp ngã.

10 điểm trú ẩn khả dĩ của Snowden

1. Iceland

Iceland quyết liệt bảo vệ tự do Internet và từng “chiếu hết” những nỗ lực dẫn độ khi đề nghị nhập quốc tịch cho vua cờ bị buộc tội trốn thuế người Mỹ Bobby Fischer.

2. Ecuador

Đó là một thỏa thuận có đi có lại: những người tị nạn được một chỗ trú ẩn còn Tổng thống Ecuador Rafael Correa củng cố uy tín chống Mỹ cũng như bảo vệ tự do ngôn luận của mình, sau khi ông đã quyết định chứa chấp Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, trong Đại sứ quán Ecuador ở London.

3. Anh

Một lựa chọn rất mạo hiểm, nhưng Anh cũng là nơi hay chứa chấp dân tị nạn, bao gồm nhiều nhà tài phiệt Nga lẩn trốn sự truy lùng của Matxcơva. Ngoài ra, ở London còn có Đại sứ quán Ecuador. Assange ngủ trên giường, Snowden nằm ngoài sôpha, thật là viễn cảnh lý tưởng.

4. Philippines

Với hơn 7.000 hòn đảo, sẽ khó tìm ra một người bị truy nã ở Philippines.

5. Tây Ban Nha

Miền nam Tây Ban Nha từng là nơi trốn chạy của nhiều kẻ truy nã khắp châu Âu, vì từ đó dễ tìm được đường vượt biển sang châu Phi.

6. Pháp

Pháp từng phớt lờ hiệp ước dẫn độ trong quá khứ, từ chối trao cho Mỹ một số tội phạm truy nã vào những năm 1960 và 1970.

7. Cuba

Không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ và sẵn sàng để Snowden sang Venezuela nếu cần thiết.

8. CHDCND Triều Tiên

Hơi điên rồ, nhưng cũng không phải là không thực tế nếu Snowden đến đây.

9. Các sân bay quá cảnh

Snowden có thể đã trú ẩn mấy ngày qua tại nhà chờ sân bay quốc tế Sheremetyevo, Matxcơva, vùng lãnh thổ mà Kremlin nói không thuộc phần cai quản của họ. Anh có thể ở lại đó, theo bước nhân vật lưu vong người Iran Mehran Karimi Nasseri, người đã sống tám năm ở sân bay Charles de Gaulle và trở thành cảm hứng cho bộ phim "The Terminal".

10. Mỹ

Nơi nguy hiểm là nơi an toàn? Đó là một đất nước rộng lớn và có hệ thống tư pháp độc lập, ít ra là cho tới trước khi tòa án thông tin tình báo nước ngoài được thành lập.

HẢI MINH (Theo CNN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp