Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sau lũ, chuẩn bị kinh phí để hỗ trợ người dân - Ảnh: VGP
Tại cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru) do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 28-9, nhiều ý kiến đã đánh giá, phân tích nguyên nhân cũng như bài học trong việc ứng phó tốt nhất với cơn bão để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Bão số 4 được dự báo là một trong số các cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây, có sự thay đổi nhanh, liên tục về cường độ, với mức gió giật có thể từ cấp 12 lên tới cấp 17 ở ngoài biển và khi vào bờ có thể đạt cấp 12, cấp 14.
Tuy vậy, báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương tại cuộc họp cho hay, thiệt hại ban đầu đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là số người bị thương vong ở mức thấp.
"Không đợi thiên tai xảy ra mới chống"
Miền Trung vốn là nơi hứng chịu nhiều nhất những cơn bão, nên sự chủ động "không đợi thiên tai xảy ra mới chống" là phương châm được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đưa ra. Từ những công điện của Thủ tướng, tỉnh đã phân công từng đồng chí thường vụ để chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó, với phương châm 4 tại chỗ.
Việc sơ tán người dân không nhất thiết phải tập trung tại các điểm công cộng, mà có thể sơ tán tới các hộ dân có nhà cửa kiên cố, lo lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc neo đậu tàu thuyền.
Với các địa phương có nguy cơ cô lập, phải chuẩn bị sẵn sàng nhu yếu phẩm, vật tư thiết yếu. Xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể chính trong phòng chống bão lũ, đảm bảo sự thành công, gắn với thông tin chính xác, kịp thời, thường xuyên.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết chưa có thiệt hại về người, một số nhà cửa, công trình bị tốc mái và đề nghị trung ương hỗ trợ công tác này.
Trong khi đó, lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng bài học lớn nhất là cần quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có khả năng sạt lở, gắn với bảo đảm tài sản. Việc phát huy vai trò của người dân trong công tác phòng chống bão lụt, cũng như sẵn sàng kích hoạt các phương án, kịch bản đã giúp thành phố dù trong tâm bão đã giảm thiểu thiệt hại.
Đà Nẵng đã không có thiệt hại về người; một số ngôi nhà bị tốc mái, gần 2.000 cây xanh bị đổ; không có tàu thuyền nào hư hỏng nặng hoặc chìm. Việc cung cấp nước sinh hoạt và hoạt động giao thông đến thời điểm hiện tại đã trở lại bình thường.
Thiệt hại thấp nhất về người và tài sản
Phó thủ tướng cho rằng sự tin tưởng của người dân giúp cho công tác phòng chống bão lũ hiệu quả hơn - Ảnh: VGP
Đối với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc chỉ đạo ứng phó tập trung, quyết liệt, cùng sự nhận thức và sự đồng tình của nhân dân là nguyên nhân để không có thiệt hại về người, thiệt hại nông nghiệp ở mức thấp, chỉ có 2 tàu bị chìm, 4 tàu trôi và mắc cạn khi neo đậu.
Tỉnh đã chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, cập nhật hằng năm, phù hợp thực tế, diễn tập thường xuyên. Phối hợp với các lực lượng, đơn vị, tuyên truyền cho người dân bằng mọi phương tiện, hình thức, theo dõi chặt chẽ tàu thuyền, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc đi vào vùng an toàn…
Đồng tình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, đến thời điểm này, cơn bão số 4 đã đi qua với thiệt hại thấp nhất về tài sản và về người. Cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, thì sự chủ động của địa phương các cấp, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở cao được triển khai hết sức khẩn trương.
Trực tiếp thị sát công tác phòng, chống bão lũ từ chiều 27-9 tại các tỉnh miền Trung, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh sự tin tưởng của nhân dân vào các cấp đã mang lại hiệu quả. "Đến 17h, không còn bóng người ngoài đường", ông cho hay.
Ông Thành nhắc lại khi trước đây, nhiều vụ tai nạn do đi đường bị cây đổ, ngã xuống sông, nhà tốc mái. Cùng với đó là sự đoàn kết, đùm bọc của người dân, khi ông trực tiếp chứng kiến "người sống trong nhà cấp 4 thì sang ở nhờ nhà hàng xóm kiên cố hơn, có khách sạn dành cho bà con trú tránh".
Bố trí kinh phí, gạo hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại
Biểu dương những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ với những người bị thương, thiệt hại về tài sản của người dân. Yêu cầu hàng đầu lúc này là nhanh chóng khắc phục hậu quả, ứng phó với nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, sớm ổn định đời sống người dân. Tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ.
Thủ tướng yêu cầu sớm thống kê thiệt hại để tổng hợp, báo cáo các cấp nhằm có biện pháp hỗ trợ, khắc phục thiệt hại. Sẵn sàng hỗ trợ gạo, kinh phí cho các địa phương, khắc phục sạt lở tại các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn, khôi phục hệ thống truyền tải điện…
Ông cũng lưu ý tiếp tục theo sát tình hình, dự báo kịp thời các diễn biến thời tiết, thiên tai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với những diễn biến thời tiết sau bão.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận