07/04/2019 06:32 GMT+7

Vì sao Nhật thu hồi tương ớt Chin-su?

ANH THƯ - TRẦN VŨ NGHI - HOÀNG LỘC
ANH THƯ - TRẦN VŨ NGHI - HOÀNG LỘC

TTO - Hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan (VN) vừa bị chính quyền thành phố Osaka (Nhật) yêu cầu nhà nhập khẩu thu hồi với lý do có chất phụ gia cấm sử dụng, thiếu thông tin về chất phụ gia từ nhà nhập khẩu...

Vì sao Nhật thu hồi tương ớt Chin-su? - Ảnh 1.

Trang web của TP Osaka thông tin Nhật Bản đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam, do có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất tương ớt ở Nhật

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Công ty CP hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) cho biết không trực tiếp xuất các sản phẩm nêu trên vào Nhật, đồng thời khẳng định sản phẩm được sản xuất và phân phối đều tuân thủ về an toàn thực phẩm, kể cả ghi nhãn.

Các chuyên gia an toàn thực phẩm cho biết các chất phụ gia này nằm trong danh mục được phép sử dụng, hàm lượng nằm trong tiêu chuẩn cho phép của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex).

Vi phạm an toàn thực phẩm Nhật Bản

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 6-4, ông Tạ Đức Minh - tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản - xác nhận thông tin trên trang thông tin của thành phố Osaka (đăng tải từ ngày 2-4) về việc thu hồi những chai tương ớt Chin-su của Công ty CP hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic...) chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật, vi phạm điều 11 khoản 2 luật vệ sinh thực phẩm.

Theo trang này, ngày 8-3, cán bộ giám sát an toàn thực phẩm của Cục Y tế và phúc lợi thành phố Tokyo tiến hành kiểm tra sản phẩm tương ớt dán nhãn Chin-su tại một cửa hàng ở khu thương mại sầm uất Shinjuku vì nghi ngờ vi phạm luật vệ sinh thực phẩm và luật nhãn thực phẩm. Chai tương ớt này được Tập đoàn Javis (Nhật) nhập và nhãn dán trên sản phẩm không đề cập đến axit benzoic hay sorbic - các chất cấm dùng như phụ gia tương ớt tại Nhật.

Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka lập tức mở cuộc điều tra tại Javis, đồng thời lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi xác định lô hàng tương ớt nhập khẩu ngày 7-12-2018 từ VN có chứa chất cấm phụ gia axit benzoic. Thông tin này cũng cho biết chính quyền Osaka xác nhận chỉ có một công ty vi phạm là Công ty Javis (trụ sở tại Higashi-ku, Osaka) do đã nhập khẩu lô hàng có chứa chất cấm theo tiêu chuẩn của Nhật.

Trang thông tin này ghi rõ: "Tên sản phẩm: tương ớt Chin-su, xuất xứ: Masan VN, hạn dùng: 10-6-2019, 17-6-2019, 6-7-2019", vi phạm khoản 2 điều 11 luật vệ sinh thực phẩm Nhật do axit benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản, vi phạm luật nhãn thực phẩm do thiếu thông tin về chất phụ gia từ nhà nhập khẩu.

Theo kết quả phân tích của Hiệp hội vệ sinh thực phẩm Tokyo thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10-6-2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17-6-2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6-7-2019. Tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán cho Công ty TNHH công nghiệp ISC từ tháng 10 đến tháng 12-2018.

Nằm trong tiêu chuẩn cho phép của quốc tế?

Chiều cùng ngày, phản hồi với Tuổi Trẻ về thông tin này, đại diện Công ty CP hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) cho biết sau khi kiểm tra thông tin nội bộ, công ty khẳng định "chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-su cho Javis Co., Ltd hoặc ISC Industrial Co., Ltd", đồng thời cho rằng nếu có xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật, "công ty phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản".

Cũng theo vị này, nếu Javis Co., Ltd liên hệ với doanh nghiệp này để nhập khẩu chính thức, "sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra". Khẳng định chưa có mẫu sản phẩm bị phía Nhật thu hồi nên "chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này", nhưng phía Masan cho rằng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường VN, bởi trên sản phẩm ghi rõ "Dành riêng cho thị trường VN. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised"...

Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết ngoài tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Czech, Trung Quốc, Đài Loan, đồng thời khẳng định việc sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật VN và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.

Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - khẳng định axit benzoic, axit sorbic không phải là chất cấm. "Các loại phụ gia này nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, nhưng mỗi quốc gia đều có những quy định riêng về hàm lượng sử dụng" - BS Diệp nói.

Trong khi đó, TS Phan Thế Đồng - chuyên gia về công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM) - cho biết chiếu theo tiêu chuẩn của Codex, hàm lượng axit benzoic được phát hiện trong tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép. "Tiêu chuẩn của Codex được coi như định chế tham khảo chung để các bên buôn bán. Có thể quy định của Nhật khắt khe hơn, họ không muốn có chất bảo quản trong đó" - TS Đồng phân tích.

Sẽ làm rõ nguyên nhân bị thu hồi

Ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết vẫn chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ VN. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đang cho làm rõ vụ việc, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa.

Cục An toàn thực phẩm cho biết axit benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản của Codex, hiện có 186 quốc gia áp dụng tiêu chuẩn này, trong đó VN và Nhật Bản đều là thành viên. "Tiêu chuẩn chung là thế nhưng các thành viên của Codex có nước lại cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm" - lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm cho biết và khẳng định sẽ xác minh vụ việc. (L.ANH)

ANH THƯ - TRẦN VŨ NGHI - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp