Hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Tokyo - Ảnh: Reuters |
Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ thị “bắn bất cứ thứ gì hướng tới” Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada hồi tháng 8 đã thất bại.
Bài báo Nihon Keizai ngày 6-9 cũng tiết lộ Tokyo cũng không thể phát hiện công tác chuẩn bị của Bình Nhưỡng trước vụ bắn thử ngày 5-9.
Thay vì sử dụng các bệ phóng cố định, Bình Nhưỡng đã chuyển các tên lửa lên những bệ phóng di dộng và điều này đã đánh lừa được Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Trước đó, quân đội Nhật cũng đã không thể phát hiện tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm của Triều Tiên hôm 3-8. Tên lửa này sau đó đã rơi vào vùng lãnh hải Nhật Bản và dẫn tới chỉ thị cứng rắn của bà Inada.
Theo mệnh lệnh của Bộ trưởng Inada, các tên lửa đánh chặn SM3 và hệ thống Patriot (PAC-3) đã được triển khai. Nhưng trong sự việc ngày 5-9, không một quả tên lửa nào được bắn đi để đánh chặn tên lửa Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Nhật ước tính các tên lửa Triều Tiên đã bay qua quãng đường gần 1.000km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách đảo Hokkaido 200 - 250km.
Tokyo khi đó đã không thể ngay lập tức xác nhận kết quả của vụ bắn thử ngay cả khi Tổng bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc công bố sự việc.
Tờ Sankei Shimbun ngày 6-9 nhận định rằng nhiều khả năng Triều Tiên đang ngầm kiểm tra hệ thống phòng không của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tại khu vực.
Đồng quan điểm, tờ Mainichi Shimbun cùng ngày cho rằng Bình Nhưỡng đã bắn cùng lúc nhiều tên lửa để gây khó khăn cho việc đánh chặn.
Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên ngày 6-9 cũng đưa tin đậm nét về vụ bắn thử ngày 5-9. Tờ Rodong Sinmun của tuyên bố, ba tên lửa Rodong của Triều Tiên đã bay được hơn 900km
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nhấn mạnh vụ bắn thử lần này đã cho thấy sự chính xác và độ an toàn của các tên lửa Triều Tiên.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 6-9 cũng thừa nhận liên tiếp các vụ bắn thử tên lửa gần đây cho thấy Triều Tiên đã "đạt được những bước tiến lớn" trong công nghệ chế tạo tên lửa.
Bà Inada cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản cần phải phản ứng trước các vụ phóng tên lửa lặp đi lặp lại của Triều Tiên và tăng cường hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.
Tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 6-9 đã nhất trí thông qua tuyên bố lên án mạnh mẽ các vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Tuyên bố nêu rõ "những vụ phóng này vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ quốc tế của CHDCND Triều Tiên và các nghị quyết của HĐBA", đồng thời đe dọa sẽ có "những biện pháp đáng kể tiếp theo" đối với Bình Nhưỡng. Tuyên bố nhận định hoạt động thử tên lửa như vậy đóng góp vào quá trình phát triển các hệ thống mang vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận