Theo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), từ khóa tuyển sinh năm 2019 đến nay chưa có sinh viên nào của trường được cấp bằng kỹ sư.
Sinh viên, phụ huynh thắc mắc
"Sinh viên các khóa trước của trường đều được cấp bằng kỹ sư (ngoại trừ ngành quản lý công nghiệp cấp bằng cử nhân), nhưng không hiểu sao khóa của chúng tôi không ai được cấp bằng kỹ sư. Học các ngành kỹ thuật mà nhận bằng cử nhân thấy hơi kỳ", một nhóm sinh viên phản ánh.
Một phụ huynh cũng thắc mắc: "Nghe nói hiện nay sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM muốn được cấp bằng kỹ sư phải học 4 năm lấy bằng cử nhân và sau đó phải học tiếp mới được lấy bằng kỹ sư. Tôi không biết quy định này có đúng không và hiện nay có thay đổi gì không?".
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho hay theo quy định trước đây sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo về kinh tế, quản trị, luật, khoa học xã hội, nhân văn, khoa học cơ bản, khoa học nghiên cứu... sẽ nhận bằng cử nhân.
Đối với các ngành về kỹ thuật - công nghệ, do đặc thù đào tạo thiên về khoa học kỹ thuật, có hàm lượng kiến thức nhiều liên quan tới thực hành, phân tích thiết kế, có tính ứng dụng cao, nên người học sẽ nhận bằng kỹ sư khi hoàn tất chương trình.
Từ khóa năm 2014 đến 2019, Trường ĐH Bách khoa có 32 ngành cấp bằng kỹ sư, một ngành cấp bằng cử nhân (quản lý công nghiệp) và một ngành cấp bằng kiến trúc sư (kiến trúc). Tuy nhiên theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực năm 2019 và nghị định 99, khi người học tốt nghiệp đại học sẽ được cấp bằng cử nhân. Một số ngành chuyên sâu đặc thù cấp bằng kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ...
"Hiện nay trường chúng tôi đào tạo 4 năm cấp bằng cử nhân cho sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành học như: cử nhân ngành kỹ thuật cơ khí, cử nhân kỹ thuật điện - điện tử... Nhưng tôi khẳng định rằng tất cả ngành kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa đều đào tạo người làm kỹ sư. Nhà trường đặt mục tiêu đào tạo ra kỹ sư có khả năng sáng tạo sản phẩm mới, công trình mới và thực tế cho thấy sinh viên Bách khoa đã và đang làm được điều đó.
Chương trình đào tạo 4 năm cấp bằng cử nhân kỹ thuật để làm kỹ sư kỹ thuật. Chúng tôi đã sẵn sàng xây dựng chương trình đào tạo để cấp bằng kỹ sư, nhưng từ khóa 2019 đến nay hiện chưa sinh viên nào của trường được cấp bằng kỹ sư theo Luật Giáo dục đại học", ông Thắng cho hay.
Quy định ra sao?
Theo nghị định 99, đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương, từ 30 tín chỉ trở lên với người đã tốt nghiệp đại học; từ 90 tín chỉ trở lên với người có trình độ tương đương bậc 7 theo khung trình độ quốc gia Việt Nam. Nhóm này gồm kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ và kiến trúc sư...Trong đó, chương trình đào tạo cấp bằng kỹ sư nhiều hơn cử nhân ít nhất 30 tín chỉ.
Cũng theo ông Bùi Hoài Thắng, với quy định mới, trường đang tham khảo các bên liên quan để xây dựng giai đoạn đào tạo chuyên sâu đặc thù theo hướng tập trung các kiến thức chuyên nghiệp cho kỹ sư các lĩnh vực; nâng cao năng lực thực hành, thực tiễn, giúp người tốt nghiệp nhanh chóng trở thành các kỹ sư có năng lực cao, chất lượng tốt cho đất nước.
Cùng một ngành đào tạo, trường sẽ thiết kế lộ trình học tập khác nhau cho sinh viên. Chẳng hạn, sinh viên chọn học chương trình 158 tín chỉ sẽ nhận bằng kỹ sư, 128 tín chỉ nhận bằng cử nhân kỹ thuật. Hoàn tất 180 tín chỉ của chương trình tích hợp đại học và sau đại học nhận cùng lúc hai bằng: một kỹ sư/cử nhân và một thạc sĩ. Như vậy, có thể hiểu khi ra trường, một kỹ sư được xem là có trình độ chuyên môn và tay nghề cao hơn một cử nhân kỹ thuật.
"Liên minh 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã ký kết xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư 180 tín chỉ. Trường chúng tôi tham gia liên minh này bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm 2021, hiện sinh viên khóa này đang học năm thứ 3. Hiện nay trường vẫn chưa xây dựng xong chương trình đào tạo cấp bằng kỹ sư cho khóa tuyển sinh năm 2019, 2020. Còn các khóa tuyển sinh năm 2018 trở về trước áp dụng theo luật cũ nên nhà trường vẫn cấp bằng kỹ sư theo quy định trước đây", ông Thắng cho biết thêm.
Nhiều trường vẫn cấp bằng kỹ sư
Theo TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, từ trước đến nay trường cấp bằng kỹ sư với tất cả các ngành kỹ thuật - công nghệ. Khi Luật Giáo dục đại học mới có hiệu lực, khóa 2019 trở về sau trường đã cập nhật chương trình đào tạo kỹ sư tối thiểu 150 tín chỉ nên không bị gián đoạn trong cấp bằng kỹ sư. Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM từ trước đến nay cũng cấp bằng kỹ sư cho sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ - kỹ thuật. Trường khẳng định đã cập nhật chương trình đào tạo cấp bằng kỹ sư đảm bảo đúng số tín chỉ theo quy định.
Trong khi đó TS Trần Ái Cầm - hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho biết đối với các ngành kỹ thuật - công nghệ từ khóa 2019 đến nay nhà trường đều cấp bằng kỹ sư, do đã cập nhật các điều kiện về số tín chỉ của chương trình đào tạo theo quy định mới. Khối lượng học tập của chương trình đào tạo tất cả các khóa đều đúng theo quy định về khối lượng đào tạo tại khung trình độ quốc gia. Bắt đầu từ khóa 2022, trường xây dựng thêm chương trình cử nhân cho các ngành kỹ thuật - công nghệ, tuy nhiên tất cả sinh viên lựa chọn học chương trình kỹ sư.
Trường ĐH Văn Lang cũng thiết kế chương trình đào tạo kỹ sư và cử nhân đối với các ngành kỹ thuật - công nghệ để sinh viên được lựa chọn. TS Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng thường trực nhà trường - cho hay: "Đa số các ngành kỹ thuật của trường đều đào tạo kỹ sư, chỉ còn vài ngành đào tạo vừa cử nhân vừa kỹ sư".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận