26/12/2013 03:00 GMT+7

Vì sao nhà xuất bản kêu cứu?

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Những khó khăn tiềm ẩn của ngành xuất bản đang dần lộ rõ. Kết quả hoạt động của ba nhà xuất bản (NXB) tại TP.HCM cho thấy số đầu sách in mới giảm đến 46%. Trước đó là bảy NXB trên địa bàn Hà Nội kêu khó vì phải trả tiền thuê mặt bằng trụ sở khiến chi phí tăng cao.

0JQjNEHX.jpgPhóng to
Áp lực tìm kiếm doanh thu khiến nhiều nhà sách phải giảm giá sách để thu hút bạn đọc Ảnh: L.Điền

Điểm qua doanh thu của vài NXB trên địa bàn TP.HCM năm 2013, chỉ có NXB Tổng Hợp TP.HCM tăng 10%, đạt mức doanh thu hơn 21 tỉ đồng; NXB Kim Đồng đạt doanh thu 200 tỉ, giảm 10%; NXB Trẻ đạt doanh thu 77,6 tỉ, giảm 3% so với năm 2012.

Tại hội nghị giao ban xuất bản cuối năm của TP.HCM, ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - nêu một khó khăn thực tế của hoạt động xuất bản là thiếu những chính sách được thể chế hóa cụ thể để hỗ trợ xuất bản theo đúng cách gọi của chỉ thị 42 của Ban Bí thư: “là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân”. Cho nên không thể xem những NXB hoạt động như đơn vị làm kinh tế đơn thuần, mà phải xem xuất bản là một ngành đặc thù. Nhưng...

Thiếu động lực

Ông Chu Văn Hòa (cục trưởng Cục Xuất bản):

Bàn biện pháp hỗ trợ xuất bản

Trong thời gian trước mắt, Cục Xuất bản sau khi nắm các báo cáo về tình hình của các nhà xuất bản cả nước, sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ Thông tin - truyền thông và Bộ Tài chính bàn các biện pháp hỗ trợ xuất bản, như thuế xuất bản phẩm ở mức thích hợp hơn, chế độ ưu tiên về giá thuê nhà đất, các dạng ưu tiên, và trách nhiệm của các cơ quan chủ quản đối với nhà xuất bản.

Một cán bộ làm xuất bản lâu năm đặt câu hỏi: Hiện nay trong các NXB, có bao nhiêu người thật sự tâm huyết với sự nghiệp làm sách? Một sự thật đáng buồn là rất nhiều lãnh đạo các NXB không tâm huyết với sự nghiệp làm sách bằng... tư nhân. Rất nhiều NXB không thể sống được bằng sách kế hoạch A (tức sách do NXB tự kinh doanh), mà sống bằng quản lý phí sách kế hoạch B và trông chờ vào mùa lịch bloc cuối năm. Và cũng chính yếu tố con người thiếu động lực đó đã khiến rất nhiều NXB hiện nay không xây dựng được một bộ máy đủ mạnh để tự “sống” một cách đường hoàng bên cạnh những đơn vị làm sách tư nhân như Nhã Nam, Phương Nam, Đông A, Alpha Books...

Tại sao vẫn có những công ty tư nhân gầy dựng được thương hiệu sách, trong khi họ chỉ được phép liên kết xuất bản? Câu trả lời từ ông Nguyễn Minh Nhựt hóa ra rất đơn giản: họ sống chết với sự nghiệp làm sách, họ yêu công việc và có lý tưởng ở sự nghiệp xuất bản, có hoài bão để thực hiện lý tưởng ấy.

Điều này khác hoàn toàn với tư duy nhiệm kỳ của một số giám đốc NXB hiện nay. Và cho dù các NXB vẫn mang sứ mệnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng thực tế qua các vụ để lọt hình ảnh cờ Trung Quốc và bản đồ đường lưỡi bò trong các sách thiếu nhi hồi đầu năm, đã bộc lộ khoảng cách đáng ngại giữa năng lực và nhiệm vụ xuất bản của các đơn vị này.

Nên thay đổi nhận thức về xuất bản

Ông Cao Xuân Sơn - giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM - đưa ra nhận định rằng hiện nay nước ta đang tồn tại sự bất bình đẳng trong hưởng thụ sách, mà lỗi là do hệ thống phát hành không đồng đều giữa thành thị và nông thôn.

Đây là một mâu thuẫn lẽ ra phải được tính trước khi quyết định đưa ngành xuất bản hoạt động theo kinh tế thị trường, đó là không xác định những phần việc Nhà nước cần phải làm để bảo đảm công bằng trong thụ hưởng văn hóa đọc.

Luật sư Nguyễn Vân Nam từng nói: “Một trong những nhiệm vụ cơ bản - làm nên tính chính danh - của Nhà nước là bảo vệ và bảo đảm quyền lợi chung của xã hội trước những quyền lợi riêng biệt khác”. Cho nên nếu xem xét xuất bản ở góc độ phúc lợi xã hội, thì Nhà nước phải có trách nhiệm không để thiếu sách ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Còn xét về thị trường thì việc xã hội hóa, cho phép tư nhân tham gia xuất bản đã mang lại lợi nhuận rất nhiều cho xã hội thông qua các khoản thuế, số lượng sản phẩm tăng, diện mạo nền xuất bản chuyển biến tích cực, chất lượng ấn phẩm được nâng cao ngang tầm khu vực... Nhưng thị trường có quy luật riêng và không thể dùng biện pháp hành chính bắt buộc một vài doanh nghiệp nào đó từ bỏ lợi thế thị phần ở đô thị để “lui về” kinh doanh tại các vùng sâu, vùng xa nhằm mục đích để cho người dân được công bằng trong hưởng thụ sách.

Trở lại hiện trạng xuất bản trước thềm năm mới, dự báo của giới chuyên môn vẫn không sáng sủa. Bà Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc NXB Trẻ, một người tâm huyết với sự nghiệp xuất bản - cho biết hiện chúng ta đang nhận thức chưa đúng về xuất bản. Với các nước phát triển, xuất bản của họ là một ngành có sứ mệnh “xây dựng nền tảng tri thức quốc gia”. Bà Nguyệt đề xuất nên thay đổi nhận thức về xuất bản, để xem xuất bản cũng là một ngành công nghiệp hái ra tiền chứ không thể duy trì não trạng chờ ngân sách hỗ trợ. Muốn vậy phải quy hoạch lại đâu là những đơn vị đơn thuần thực hiện nhiệm vụ chính trị, đâu là những doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, tuân thủ pháp luật là đóng góp vào GDP như bao ngành kinh tế khác.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp