Nhà đầu tư yêu cầu tòa buộc Đà Nẵng phải giao quỹ đất để hoàn vốn năm dự án BT theo hợp đồng đã ký, trường hợp TP không thể tiếp tục giao đất thì hoàn trả vốn đầu tư các dự án bằng tiền.
Nhà đầu tư chưa được hoàn vốn
Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - miền Trung (DMT) là nguyên đơn trong vụ án và UBND TP Đà Nẵng là bị đơn. Trong đơn khởi kiện, DMT yêu cầu tòa án giải quyết, gồm:
Buộc UBND TP Đà Nẵng thực hiện việc giao quỹ đất cho công ty này để thanh toán hoàn vốn ba dự án BT theo như đã cam kết tại các hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký. Cụ thể: Giao quỹ đất để hoàn vốn dự án khu tái định cư Phước Lý 2, khu tái định cư Phước Lý 6, tuyến đường Lê Trọng Tấn nối dài.
Trường hợp UBND TP Đà Nẵng không thể tiếp tục giao quỹ đất như cam kết, yêu cầu UBND TP Đà Nẵng chuyển sang thanh toán theo hình thức khác. Theo đó, buộc UBND TP Đà Nẵng thanh toán số tiền hoàn trả vốn đầu tư ba dự án BT trên, tạm tính là hơn 197,4 tỉ đồng.
Ngoài ba dự án trên, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng - miền Trung (DMT-Cienco) cũng kiện UBND TP Đà Nẵng liên quan việc tranh chấp hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) tại hai dự án khác.
Đó là dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài, dự án khu tái định cư Hòa Liên 5: Người khởi kiện yêu cầu tòa buộc UBND TP Đà Nẵng thực hiện việc giao quỹ đất cho DMT-Cienco để thanh toán hoàn vốn đầu tư dự án BT theo hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp không thể tiếp tục giao quỹ đất hoàn vốn, yêu cầu UBND TP chuyển sang thanh toán theo hình thức quy đổi thành tiền sử dụng đất của quỹ đất hoàn vốn chính thức tại thời điểm DMT-Cienco khởi kiện.
DMT-Cienco tạm xác định số tiền yêu cầu UBND TP Đà Nẵng hoàn trả vốn hai dự án BT trên là hơn 371,4 tỉ đồng.
Được biết, đây là các dự án mà UBND TP Đà Nẵng đầu tư theo hình thức BT, DMT là đơn vị trúng thầu làm nhà đầu tư.
Theo đại diện của nguyên đơn, sau khi ký các hợp đồng và phụ lục hợp đồng BT, từ năm 2015 nhà đầu tư đã bỏ tiền ra trước để thực hiện, triển khai các dự án. Vậy nhưng đến nay vẫn chưa được UBND TP thanh toán hoàn vốn theo cam kết.
Việc này khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Phía doanh nghiệp đã có những kiến nghị trên tinh thần cầu thị, chấp nhận gánh chịu thêm thiệt hại về phần mình nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Vướng mắc
Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện nay có năm hợp đồng BT do Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - miền Trung và Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng - miền Trung làm nhà đầu tư đang gặp vướng mắc liên quan đến thanh toán cho các dự án thực hiện theo hình thức BT. Theo đó, ngày 13-12-2016, UBND TP có công văn thống nhất chủ trương điều chỉnh phương thức thanh toán: Nhà đầu tư tự bỏ vốn ra đầu tư dự án và được UBND TP Đà Nẵng thanh toán bằng quỹ đất theo hình thức giao đất không thông qua đấu giá.
Tuy nhiên, qua rà soát theo yêu cầu nghị quyết số 160, ngày 28-12-2018, xét thấy việc điều chỉnh thanh toán chuyển từ tiền sang đất mà không thông qua đấu giá là chưa đủ cơ sở pháp lý, do đó UBND TP thống nhất điều chỉnh phương thức thanh toán cho các dự án là: bằng tiền chuyển quyền sử dụng đất như hợp đồng ban đầu đã ký giữa Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và nhà đầu tư.
Cũng theo UBND TP Đà Nẵng, mặc dù các nhà đầu tư đã cơ bản đồng ý phương án thực hiện thanh toán bằng tiền nhưng đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu tài chính (như lợi nhuận, lãi vay) vào dự án để giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xác định các chỉ tiêu tài chính hiện nay đã hết hiệu lực mà không có văn bản thay thế (do hình thức hợp đồng BT không nằm trong Luật PPP năm 2020), do đó việc áp dụng vào thời điểm hiện nay chưa thể thực hiện được.
Do quá trình đàm phán kéo dài, nhà đầu tư đã gửi đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đến TAND quận Hải Châu. UBND TP Đà Nẵng đang chờ kết quả xử lý của tòa án. Sau khi có bản án của tòa, UBND TP sẽ chỉ đạo các đơn vị đề xuất hướng xử lý và báo cáo Ban thường vụ Thành ủy chỉ đạo.
Chuyển phương án hoàn vốn không dễ
Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện nay TP đang gặp khó khăn trong việc chuyển phương án hoàn vốn các dự án BT, từ thanh toán bằng quỹ đất sang thanh toán bằng tiền mặt. Các nhà đầu tư đã cơ bản thống nhất phương án hoàn vốn này nhưng yêu cầu bổ sung lãi vay, lợi nhuận nhằm hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc bổ sung lãi vay, lợi nhuận là chưa có cơ sở pháp lý, kể cả đối với phần bổ sung do kéo dài không do lỗi của nhà đầu tư (thời gian gia hạn do giải phóng mặt bằng chậm, thời gian chờ thanh toán) nên rất khó xử lý theo đề nghị của nhà đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận