08/12/2015 07:30 GMT+7

Vì sao người Việt thích ăn mì gói?

MẠNH KHANG - MAI NGUYỄN - V.H.
MẠNH KHANG - MAI NGUYỄN - V.H.

TTO - Bài viết Mì ăn liền, ăn nhanh, bệnh nhanh trên TTO ngày 6-12 đã có hơn 200.000 bạn đọc quan tâm và chia sẻ. Có bạn đọc cho rằng chỉ cần nghe tới chữ "mì", là phải "làm" ngay một tô không cần quan tâm trời đất.

Mì ăn liền là món ăn quen thuộc trong nhiều gia đình VN - Ảnh: Mạnh Khang

Năm 2009, VN tiêu thụ khoảng 4,3 tỉ gói mì. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau đó (tức là năm 2012), Hiệp hội Mì ăn liền thế giới cho biết con số này tại VN đã tăng lên 5,1 tỉ gói.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp thực phẩm và nông thôn Hàn Quốc cho biết, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ 55,1 gói mì ăn liền một năm, đứng thứ hai thế giới chỉ sau nước này.

Thống kê của Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, chỉ trong vòng 4 năm từ 2008 - 2012, sản lượng tiêu thụ mì ăn liền của VN tăng 37% lên trên 400.000 tấn, doanh thu tăng gần gấp đôi lên trên 20.000 tỷ đồng.

VN hiện có khoảng 50 nhà sản xuất mì ăn liền và các nhà sản xuất tập trung đầu tư, phân bố rộng khắp và không ngừng mở rộng sản xuất.

Ăn như một thói quen

Nhiều bạn đọc chia sẻ biết rằng mì ăn liền ăn nhiều không tốt, nhưng không ăn thì đói. Nhiều người cho biết họ buộc phải ăn mì gói thường xuyên cho bữa sáng và bữa tối vì giá rẻ.

"Mì gói 3.000 đồng, rẻ hơn xôi, mỗi bữa sáng tôi ăn đỡ được 2.000 đồng. Tối đi làm tăng ca về, tôi mệt quá, không nấu cơm nổi, ra ngoài ăn thì mắc quá, cũng phải ăn mì" - chị Liên, công nhân tại một xí nghiệp may ở Quận 12 chia sẻ.

Không chỉ công nhân, sinh viên, học sinh thường hay ăn mì mà hiện nay một số trường tiểu học còn đưa mì ăn liền vào cả bữa ăn xế cho học sinh." Bác sĩ hướng dẫn ăn mì phải trụng qua mới nấu, tuy nhiên con tôi phải ăn mì khô ở bữa xế ở lớp tiểu học, có đảm bảo sức khỏe không?" - bạn đọc Lan nói.

Sinh viên Trần Trí Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đặt vấn đề: “Nhiều lúc đi làm về, mệt mỏi nên rất lười nấu ăn. Ăn riết rồi như “nghiện” mì gói. Mà ngoài mì gói thì còn có gì tiện lợi, rẻ hơn đâu?”.

Mì ăn liền len vào nhiều bữa ăn sinh viên - Ảnh chụp Facebook

Mọi người đang “tự đánh lừa mình”

Đó là khẳng định của thạc sĩ (ThS) tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung. Bà Nhung cho rằng việc nhiều người dù biết mì ăn liền không có lợi cho sức khỏe nhưng vẫn ăn xuất phát từ thói quen thích dùng những thứ rẻ và tiện lợi. Mì gói lại là thực phẩm có thể dùng để “chữa cháy” trong rất nhiều tình huống.

“Một nguyên nhân khác là do người tiêu dùng chưa thấy được tác hại thực sự của mì ăn liền vì nó không hiển hiện trước mắt. Cái gì không thấy ngay hậu quả thì dù biết là có hại, người ta vẫn hay tự đánh lừa mình để quên đi nỗi sợ đó” - ThS Trang Nhung nhấn mạnh.

Bác sĩ (BS) Trần Ngọc Lưu Phương - chuyên khoa nội tiêu hóa (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) cho biết mì gói không có chất gây nghiện như thuốc lá, cà phê, nên không thể nói là “nghiện” mì gói.

BS Phương cũng cho biết thêm, ở VN chưa có những thống kê cụ thể về sự nguy hại của mì gói mà chỉ dựa trên những bằng chứng khoa học. Nguyên nhân vì chúng ta chưa có đủ điều kiện, khách quan là vì nếu muốn có số liệu cụ thể thì phải làm nhiều thí nghiệm trên người, điều này được cho là không nhân đạo.

Lượng muối trong mì gói rất cao

BS CK1 Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho rằng, mì gói giá rẻ, có sẵn mọi nơi rất tiện lợi, chế biến lại dễ dàng nên được bán chạy.

Một chén cơm trắng cung cấp 200kcal với 45g chất bột đường và một ít chất đạm, không có chất béo, ít muối.

Trong khi đó, 100g mì gói cung cấp trên 400kcal, 55g bột đường, đạm 9,2g với 23g chất béo và lượng muối lên đến 3g. Đây là con số rất cao.

Ăn nhiều mì gói có nguy cơ tăng transfat, nguy cơ bệnh tim mạch do lượng LDL Cholesterol (dạng cholesterol khi dư thừa sẽ gây hại cho cơ thể  - PV) tăng, tăng huyết áp vì chứa nhiều muối, chất béo cao gây thừa cân béo phì…

Tùy vào khối lượng của gói mì ăn liền (65g, 85g, 95g) và loại mì khác nhau mà mức năng lượng và dinh dưỡng cũng khác nhau.

Chỉ nên ăn 1-2 gói/tuần hoặc không ăn. Đặc biệt, khi ăn mì gói phải thêm thịt, cá, trứng, tôm và rau, quả mới đủ dinh dưỡng vì cũng như ăn cơm phải có món mặn, món canh, món xào...

BS Trần Ngọc Lưu Phương cho biết: “Cũng giống như hút thuốc, uống bia, những nguy hại từ việc sử dụng mì ăn liền không thể thấy “rõ như ban ngày”. Nhưng về lâu dài, tác hại là có thật. Mọi người cần có chế độ ăn hợp lý để bảo vệ sức khỏe”.

Đừng chiều con khi trẻ thích ăn mì

Phụ huynh của một học sinh lớp 4 trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) cho biết, hằng ngày chị đều cho con mình ăn mì gói ở các cửa hàng tiện lợi khi đón con từ trường chở sang chỗ học thêm.

“Giờ bé tan ở trường với giờ bé vô lớp học thêm sát nhau quá, không kịp ăn món gì khác cả. Gần trường lại có cửa hàng tiện lợi, ăn mì gói cho tiện”, phụ huynh này cho biết.

Bạn Hoàng Ngọc Như An - học sinh lớp 9 một trường THCS ở Q.5 cho biết do thường xuyên phải học bài khuya, đến đêm đói mà nhà hết cơm nên phải ăn mì gói. “Nhiều bạn của mình cũng có thói quen như vậy. Mình thấy là bình thường”, Như An nói.

Theo ThS Nguyễn Thị Trang Nhung, niềm vui lớn nhất của các bậc phụ huynh là thấy con ăn nhiều, ăn khỏe nên biết con thích ăn cái gì thì họ sẽ đáp ứng. So với việc con biếng ăn, phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi con chịu ăn món nào đó, cho dù nó có hại. Họ sẽ tự đánh lừa bản thân rằng ăn ít chắc không sao đâu.

Trong khi đó, các bé ăn nhiều món nào, lâu dần sẽ hình thành thói quen và tiếp tục sử dụng món đó khi lớn lên.

Mời bạn đọc lắng nghe các phát biểu trong bài:

>>  Bạn Đỗ Lữ Khang

>> Bạn Cao Vỉ

>> BS Trần Ngọc Lưu Phương

>> ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung

MẠNH KHANG - MAI NGUYỄN - V.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp