08/06/2019 08:50 GMT+7

Vì sao người Thái luôn tự hào về King’s Cup ?

HUY ĐĂNG (từ Buriram)
HUY ĐĂNG (từ Buriram)

TTO - Ở các kỳ King’s Cup trước, Thái Lan mời đến giải toàn những đối thủ hùng mạnh của châu Âu. Nhưng tổng giá trị bản quyền truyền hình chỉ trong khoảng 30.000-40.000 USD.

Vì sao người Thái luôn tự hào về King’s Cup ? - Ảnh 1.

Trong một cửa hàng ở Chang Arena - nơi diễn ra King’s Cup 2019. - Ảnh: H.Đ.

Trước ngày khai mạc King’s Cup 2019, chúng tôi gặp nhiều CĐV Thái Lan trên chuyến xe buýt muộn nhất trong ngày đi từ Bangkok đến Buriram. Họ ngồi lặng lẽ suốt hành trình và khi phát hiện một người trong nhóm chúng tôi mặc áo tuyển VN thì vui vẻ muốn selfie cùng.

Một bất ngờ nho nhỏ khác trong shop áo đấu của CLB Buriram - nơi tổ chức King’s Cup 2019: dày đặc ở phần “mặt tiền” gian hàng là những chiếc áo in tên Xuân Trường, người đang chơi bóng ở đây.

Giỏi làm thương hiệu

Luôn là như vậy, mỗi lần đặt chân đến xứ sở chùa vàng, chúng tôi sẽ có những trải nghiệm mới về tinh thần hiếu khách của người Thái - quốc gia trong top đầu châu Á về lượng khách du lịch hằng năm.

CĐV VN thấy gì trước thềm King’s Cup 2019? Nếu chỉ nhìn qua mạng xã hội, báo chí, chúng ta thấy đó là hình ảnh một tập thể Thái Lan trong cơn nóng nảy, giận dữ và bấn loạn trước sự trỗi dậy của bóng đá VN 2 năm qua. Thật vậy, 2 năm qua VN vượt mặt Thái Lan toàn diện ở mọi cấp độ - từ đội tuyển quốc gia với AFF Cup, Asian Cup đến cả các giải đấu trẻ.

Dày đặc trên các phương tiện báo chí là những bài phỏng vấn, bình luận xoay quanh việc thầy trò HLV Sirisak Yodyardthai quyết tâm đánh bại VN thế nào, rồi nào là người Thái chơi đòn bẩn, người Thái tung tin hỏa mù…

Một bầu không khí hận thù được hâm nóng trước thềm cuộc đối đầu giữa hai ông vua bóng đá của Đông Nam Á.

Tất nhiên, trong nội bộ của làng bóng đá Thái Lan, việc họ “gai mắt” khi bị VN đẩy xuống vị trí thứ 2 khu vực là có thật.

Người Thái mời VN, rồi Ấn Độ (đội bóng đè bẹp Thái Lan 4-1 ở Asian Cup 2019) tham dự King’s Cup một phần vì lẽ đó. Nhưng nếu xem động cơ của Thái Lan chỉ có vậy, chúng ta xem như chưa thật sự hiểu biết gì về quốc gia có những bước phát triển thần tốc trong 20 năm qua này.

Ở các kỳ King’s Cup trước, Thái Lan mời đến giải toàn những đối thủ hùng mạnh của châu Âu. Nhưng tổng giá trị bản quyền truyền hình chỉ trong khoảng 30.000-40.000 USD.

Dễ hiểu với những nền bóng đá như Slovakia, Thụy Điển hay Đan Mạch (khách mời các giải đấu trước), King’s Cup chỉ là một giải giao hữu đơn thuần, không có lý do gì để mua bản quyền với giá đắt đỏ cả.

Thế rồi sau khi đã đẩy bầu không khí căng thẳng lên tận cùng, người Thái bán được bản quyền truyền hình cho phía VN với giá 7 tỉ đồng (280.000 USD) - gấp 7-8 lần so với các năm trước đó.

Từ chỗ chỉ là một trận đấu giao hữu, giờ đây cuộc đối đầu Việt - Thái được người hâm mộ khu vực chờ đợi như thể một cuộc chiến định đoạt ngôi vương Đông Nam Á.

Và vị thế cuộc đấu này cũng không hề tầm thường chút nào. Từ năm 2016, King’s Cup được FIFA công nhận là một giải đấu hạng A - tức các trận đấu sẽ được tính điểm trong hệ thống bảng xếp hạng FIFA. Cần biết, ngay cả AFF Cup tuy mang danh là Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á nhưng cũng không được xếp vào nhóm này.

Chúng tôi tổ chức King’s Cup với tinh thần một bữa tiệc lớn. Trong bữa tiệc, những vị khách phải cảm thấy hài lòng và sẵn sàng đến dự tiệc vào lần sau. Người Thái chúng tôi rất xem trọng và tự hào về King’s Cup, nhưng không thể đòi hỏi cảm xúc tương tự từ các vị khách. Họ đến đây là để cọ xát, thi đấu và nếm trải bầu không khí cạnh tranh.

Ông Ekapol Polnavee, trưởng bộ phận tổ chức sự kiện của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT)

Vì sao người Thái luôn tự hào về King’s Cup ? - Ảnh 3.

Bề dày thành tích của 2 huấn luyện viên Thái Lan và Việt Nam - Đồ họa: N.THÀNH

Tổ chức giải cũng như bữa tiệc

Điều gì khiến một giải đấu giao hữu thường niên như King’s Cup lại có thể vượt mặt cả những giải vô địch khu vực? Chất lượng cầu thủ là yếu tố đầu tiên.

Năm 1968, King’s Cup được khai sinh nhằm mục đích tôn vinh đức vua Bhumibol Adulyadej - người có tình yêu đặc biệt dành cho môn bóng đá. Năm đó, các đội tham dự giải chỉ nằm trong khu vực Đông Nam Á.

Nhưng sau đó một năm, Thái Lan bắt đầu nâng tầm King’s Cup khi mời Hàn Quốc tham dự suốt giai đoạn 1969-1980. Đến năm 1981, giải đánh dấu một cột mốc đặc biệt khi lần đầu hiện diện một đội bóng của châu Âu - CLB Polania Warszawa đến từ Ba Lan.

Với tầm cỡ nhỏ bé khi ấy, King’s Cup nhiều năm cũng chỉ mời được những đại diện châu Âu hạng bán chuyên. Nhưng việc họ cố gắng duy trì giải đấu với những vị khách mời có trình độ cao hơn tuyển Thái Lan là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Từng bước một, King’s Cup dần tạo dựng được sức hút với những đội bóng hùng mạnh. Năm 1996, Romania, Đan Mạch và Phần Lan mang đầy đủ “binh hùng tướng mạnh” đến giải, khiến King’s Cup năm đó chẳng khác gì một giải đấu châu Âu.

Liên tục nhiều năm sau, giải đấu tôn vinh nhà vua Thái Lan hiện diện những ngôi sao tầm cỡ quốc tế đến từ Thụy Điển, Brazil, Hungary… Năm ngoái, Slovakia với nhiều ngôi sao như Martin Skrtel, Adam Nemec vô địch giải đấu sau khi đánh bại Thái Lan 3-2 trong trận chung kết.

Tiền bạc không phải là vấn đề lớn với King’s Cup. Ai cũng biết người Thái tôn sùng đức vua của họ như thế nào, vì vậy giải đấu này hằng năm luôn thu hút cả chục nhà tài trợ khổng lồ. Nhưng điều quan trọng giúp King’s Cup được FIFA đánh giá cao nằm ở tinh thần tổ chức.

Nhiều người tin rằng Thái Lan mời VN và Ấn Độ đến King’s Cup 2019 là để rửa hận. Nhưng cần biết suốt 8 giải đấu đầu tiên, Thái Lan chưa hề đăng quang.

Xuyên suốt 46 giải từng được tổ chức, Thái Lan chỉ vô địch 15 lần, chủ yếu là vào các năm họ thất bại trong việc mời về những đội bóng lớn. Người Thái tổ chức giải đấu này không phải để “tự sướng” - dù với ý nghĩa tôn vinh đức vua, các cầu thủ Thái Lan luôn phải chiến đấu hết mình.

Chang Arena - biệt danh “Lâu đài sấm sét”, sân nhà của CLB mạnh nhất Thái Lan Buriram - được chọn đăng cai giải năm nay không chỉ vì tầm vóc của đội bóng hay độ giàu có của ông chủ Newin Chidchob, mà bởi sân đấu này hội tụ đầy đủ các yếu tố của một sân bóng chất lượng cao.

Sân vận động không lớn nhưng đẹp, nhiều tiện nghi, nhiều cửa hàng mua sắm, khu vui chơi giải trí bao quanh và cảm giác thân thiện môi trường…

Người Thái mất hơn 50 năm để xây dựng thương hiệu cho một giải đấu giao hữu, và bây giờ họ có thể tự hào về King’s Cup.

Sự kiện du lịch

Ông Polnavee cho biết trước thềm King’s Cup, FAT và Tổng cục Du lịch đã ngồi với nhau bàn về việc tổ chức giải đấu, sao cho người hâm mộ có thể dễ dàng đến với sân bóng nhất.

Suốt một tuần qua, số lượng chuyến xe từ Bangkok đến Buriram được tăng mạnh. Vé dành cho CĐV được hạ giá xuống mức thấp nhất có thể, do giải có nhiều nhà tài trợ. Mức vé xem hai trận trong cùng một ngày ở King’s Cup 2019 vỏn vẹn chỉ là 300 baht (khoảng 220.000 đồng), khá rẻ nếu so với mặt bằng chung của Giải vô địch Thái Lan.

Chưa tính đến khoản tiền mời về các đội bóng châu Âu (không được tiết lộ), chi phí tổ chức giải đã vào khoảng 1 triệu USD - một quan chức FAT cho biết.

Tour xem Việt Nam đá chung kết King

TTO - Tour 5 ngày khám phá Thái Lan, kết hợp xem trận chung kết tại Buriram với mức giá 13,99 triệu đồng đã được công ty lữ hành mở bán ngay sau khi đội tuyển Việt Nam vượt qua Thái Lan.


HUY ĐĂNG (từ Buriram)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp