Nợ thuế liên tục tăng cao ngay thời điểm cuối năm khiến ngành thuế phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để thu hồi nợ, trong đó có tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế trên 90 ngày.
Các biện pháp thu nợ thuế
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 14-8, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỉ đồng. Trong đó có 10.829 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ 6.894 tỉ đồng.
Sau khi ban hành các quyết định tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thu được 1.341 tỉ đồng nợ thuế của 2.116 người.
Trước tình hình nợ thuế tăng cao, Tổng cục Thuế vừa ban hành công văn 4216 gửi các cục thuế, trong đó yêu cầu cơ quan thuế phải ban hành thông báo nợ thuế gửi người nộp thuế bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử (eTax) với các khoản nợ quá 30 ngày.
Nếu người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, nhưng có đăng ký địa chỉ email thì cơ quan thuế hỗ trợ gửi thông báo qua email và qua ứng dụng eTax Mobile.
Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá 60 ngày, công chức thuế phải thường xuyên liên hệ với người nộp thuế để nhắc nhở về việc nộp tiền thuế nợ và thông báo cho người nộp thuế biết về việc sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi có khoản nợ quá 90 ngày.
Trường hợp nợ thuế trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp bị cưỡng chế, cơ quan thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định.
Mở rộng diện hoãn xuất cảnh do nợ thuế
Giữa tháng 9 vừa qua Cục Thuế tỉnh Bình Định đã ra thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với một tổng giám đốc của một công ty lớn.
Trường hợp này không phải cá biệt. Những tháng gần đây liên tục nhiều tổng giám đốc doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì công ty đang nợ thuế, trong đó có nhiều doanh nghiệp tên tuổi. Có trường hợp sau khi bị nêu tên đã nộp thuế và được gỡ lệnh tạm hoãn xuất cảnh.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay quy định về tạm hoãn xuất cảnh ngày càng mở rộng. Trước đây theo Luật Quản lý thuế năm 2006, chỉ có ba trường hợp thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh là: người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Tuy nhiên đến nghị định số 126 của Chính phủ ban hành ngày 19-12-2020 (hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38) thì đã mở rộng thêm trường hợp "cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế" bên cạnh ba trường hợp trên.
Người nợ thuế thu nhập cá nhân có bị hoãn xuất cảnh?
Thời gian qua, sau khi cài đặt ứng dụng eTax Mobile nhiều người phát hiện mình phát sinh những khoản nợ thuế từ vài năm trước. Có người nợ vài trăm ngàn, nhưng cũng có trường hợp nợ hàng chục triệu đồng. Vậy những trường hợp này có nguy cơ bị tạm hoãn xuất cảnh hay không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho hay theo quy định trước đây cơ quan thuế phải đi tuần tự các bước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế như: phong tỏa tài khoản ngân hàng, trích tiền từ tài khoản, khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập, dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, ngừng sử dụng hóa đơn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tạm hoãn xuất cảnh… Tuy nhiên hiện nay theo Luật Quản lý thuế mới, cơ quan thuế được bỏ qua các bước trước nếu cảm thấy không hiệu quả.
Theo Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cá nhân nợ thuế chỉ bị tạm hoãn xuất cảnh khi bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, như vậy trước hết phải có quyết định hành chính về quản lý thuế. Nếu đã có quyết định về số nợ thuế TNCN phải nộp nhưng không nộp quá 90 ngày thì mới bị cưỡng chế.
Do vậy nếu khoản nợ thuế quá 90 ngày cơ quan thuế hoàn toàn có thể yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh. "Dù theo quy định, khi ban hành quyết định này gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), cơ quan thuế cũng phải tống đạt đến người đang có nợ thuế.
Tuy nhiên thời gian qua nhiều người không nhận được quyết định này và chỉ phát hiện ra khi bị chặn xuất cảnh. Lý do mà ngành thuế nêu ra là không liên lạc được với người nộp thuế, hay công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký…
Do vậy theo ông Xoa, nếu có khoản nợ thuế, người nộp thuế cần sớm hoàn thành nghĩa vụ để tránh ảnh hưởng đến việc xuất cảnh sau này. Để nắm được thông tin về việc có nợ thuế hay không, người nộp thuế nên theo dõi, tra cứu nghĩa vụ thuế, trong đó có số tiền thuế nợ qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc ứng dụng eTax Mobile.
Theo thống kê, sáu tháng đầu năm Hà Nội là địa phương dẫn đầu số lượng người bị hoãn xuất cảnh với 4.672 người là đại diện doanh nghiệp, số tiền thuế nợ là 5.901 tỉ đồng.
Tại TP.HCM, sáu tháng đầu năm nơi này đã tạm hoãn xuất cảnh đối với 2.766 trường hợp cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế. Công khai thông tin người nợ thuế đối với 1.196 người với tổng số thuế nợ là 19.656 tỉ đồng.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Theo Cục Thuế TP.HCM, nợ thuế tăng mạnh do nhiều nguyên nhân như: khó khăn, vướng mắc về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất lớn chưa được tháo gỡ, tăng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp sau quyết toán năm 2023, tăng tiền chậm nộp do hệ thống tính lại tiền chậm nộp năm 2023 của các khoản nợ đã nộp trong năm.
Ngoài ra nhiều doanh nghiệp chưa tháo gỡ được những khó khăn về tài chính và những khó khăn trong tín dụng ngân hàng cũng dẫn đến tiền thuế nợ tăng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận