Bên trong Viện virus học Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh tư liệu: AFP
Câu hỏi đặt ra là tại sao vào thời điểm này, tình hình có gì khác so với trước? Washington nói nghi vấn nằm ở thái độ của Bắc Kinh.
Họ đã bỏ qua điều gì trước đây? Chúng ta có thể thu thập được gì bây giờ? Quyết tâm của chúng ta đến đâu? Chúng ta sẽ làm gì với nó?
Ông Mick Mulroy (cựu quan chức cao cấp thuộc CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ, đặt nhiều câu hỏi khó)
Bước ngoặt
Theo Đài NBC, nguồn cơn dẫn đến chỉ đạo mới nhất của Tổng thống Biden bắt đầu từ cách đây vài tuần, sau khi ông nhận được thông tin tình báo do chính ông yêu cầu hồi tháng 3. Thông tin này nằm trong bản báo cáo tình báo mỗi ngày dành cho tổng thống Mỹ - một loại tài liệu tuyệt mật.
Ông Biden đã hỏi liệu ông có thể giải mật một phần báo cáo mà không làm lộ nguồn tin và phương pháp thu thập thông tin của tình báo Mỹ không, vì Nhà Trắng muốn công bố cho dư luận được biết.
Trong khi nỗ lực giải mật đang diễn ra, ngày 25-5 Trung Quốc bỗng tuyên bố sẽ không tham gia giai đoạn 2 của cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu. Đây chính là bước ngoặt khiến chính quyền ông Biden thay đổi cách tiếp cận.
"Quyết định không hợp tác của Trung Quốc khiến chúng tôi càng muốn làm minh bạch mọi thứ. Chúng tôi tin rằng Trung Quốc nắm giữ thông tin quan trọng về nguồn gốc đại dịch nhưng không chia sẻ với cộng đồng quốc tế" - nguồn tin của NBC cho hay.
Một số cơ quan truyền thông Mỹ - gồm báo Wall Street Journal và Đài NBC - cũng đã xác nhận một trong số báo cáo tình báo phát hiện ba nhà nghiên cứu Trung Quốc làm việc ở Viện virus học Vũ Hán ngã bệnh và nhập viện hồi tháng 11-2019 (phía Trung Quốc phản bác thông tin này). Sau chỉ đạo của ông Biden, Bắc Kinh ngày 27-5 lập tức phản ứng gay gắt.
"Có vài người ở Mỹ hoàn toàn phớt lờ sự thật và khoa học" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trước báo giới quốc tế.
Mỹ điều tra ra sao?
Theo Đài Fox News, nghị sĩ Whip Steve Scalise cùng hơn 200 thành viên Đảng Cộng hòa thuộc Hạ viện kêu gọi chủ tịch Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ) chỉ đạo các ủy ban trực thuộc điều tra nguồn gốc COVID-19, dùng các nguồn lực của Quốc hội để làm rõ thông tin SARS-CoV-2 rò rỉ từ Viện virus học Vũ Hán và Bắc Kinh cố tình che giấu.
Trong lá thư gửi cho bà Pelosi, ông Scalise - thành viên Cộng hòa chủ chốt thuộc tiểu ban xử lý khủng hoảng COVID-19 (Hạ viện) - than phiền rằng phe Dân chủ chưa chịu tổ chức buổi điều trần nào về chủ đề nguồn gốc COVID-19 mặc dù Đảng Cộng hòa đã nhiều lần yêu cầu.
"Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Trung Quốc, và Bắc Kinh che giấu điều đó... Mỗi gia đình Mỹ đã mất người thân xứng đáng nhận được câu trả lời về nguồn gốc của con virus kinh khủng này" - lá thư viết.
Câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ điều tra bằng cách nào? Khi Tổng thống Biden ra hạn 90 ngày cho cộng đồng tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc COVID-19, điều này không có nghĩa điệp viên Mỹ sẽ tìm cách xâm nhập phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Theo Đài ABC, các quan chức trong Chính phủ Mỹ cho biết họ nhận ra có một lượng lớn dữ liệu tình báo thô chưa được xử lý từ thời tổng thống Donald Trump, trong đó có thể chứa đựng manh mối về SARS-CoV-2.
Nhìn chung, nội bộ chính quyền Biden tin có 2 giả thuyết chính: virus corona lây sang người từ động vật hoặc lọt ra từ một tai nạn phòng thí nghiệm. Các chuyên gia Mỹ cũng cho rằng 2 giả thuyết đó đều khả thi.
Tuy nhiên quan điểm trên khác với kết luận của WHO vừa qua là khả năng phòng thí nghiệm "vô cùng khó xảy ra".
"Chúng ta có rất nhiều thông tin trong tay cần phải nghiên cứu. Nếu Trung Quốc ngăn cuộc điều tra (giai đoạn 2) của WHO, thế giới không có cách nào ngoài đi tìm con đường khác" - ông Jamie Metzl, cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ thời tổng thống Clinton, hiện là cố vấn của WHO, nêu quan điểm.
Hai nhà khoa học Anh, Na Uy công bố phát hiện mới
Hôm 29-5, nhiều báo quốc tế dẫn nghiên cứu của giáo sư người Anh Angus Dalgleish và nhà khoa học người Na Uy Birger Sørensen cho biết họ đã phát hiện "dấu vết đặc biệt" cho thấy virus này không có nguồn gốc tự nhiên.
Manh mối này là một hàng 4 axit amin, tạo ra điện tích dương và liên kết với các tế bào âm tính của con người. "Quy luật tự nhiên là bạn không thể có 4 axit amin dương trên một hàng. Cách duy nhất để có điều này là bạn phải tự tạo ra nó" - ông Dalgleish nói.
Cả hai nhà khoa học trên đều là những chuyên gia có uy tín. Ông Dalgleish là một giáo sư ung thư học ở London, được biết đến với công trình đột phá về vắc xin phòng chống HIV.
Còn Sørensen là một nhà virus học và là chủ tịch của Công ty dược phẩm Immunor, hãng phát triển ứng cử viên vắc xin COVID-19 có tên Biovacc-19.
NGUYÊN HẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận