02/10/2015 15:51 GMT+7

Vì sao Mỹ nghi ngờ Nga không tấn công IS?

HIẾU TRUNG - D.KIM THOA
HIẾU TRUNG - D.KIM THOA

TTO - Ngày 2-10, Nga tiếp tục chiến dịch không kích ở Syria, nhưng phía Mỹ vẫn chỉ trích Matxcơva không hề tấn công nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) đứng phát biểu cạnh Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong một cuộc họp báo tại Liên Hiệp Quốc ngày 30-9 - Ảnh: AP

Theo Reuters, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định ở Syria, lực lượng Nga tấn công cả IS và các nhóm khủng bố khác như Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria.

“Chúng tôi chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố” - ông Lavrov nhấn mạnh. Ông Lavrov giải thích Nga phối hợp với quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad để xác định các mục tiêu không kích.

Ông cũng nhấn mạnh Nga không coi nhóm nổi dậy Quân đội giải phóng Syria (FSA) được Mỹ và phương Tây chống lưng là khủng bố và cho rằng FSA cần tham gia tiến trình chính trị Syria.

Tổng thống Putin chỉ trích việc phương Tây cáo buộc không quân Nga bắn phá cơ sở của FSA và sát hại thường dân Syria là hành vi “chiến tranh thông tin”.

Tuy nhiên các chính trị gia Mỹ, từ Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho đến thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đều chỉ trích Nga chỉ tấn công quân nổi dậy Syria để bảo vệ chế độ Assad chứ không hề đánh IS.

Mới đây Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Mỹ công bố đồ họa giải thích tại sao Washington không tin rằng Matxcơva chống IS. ISW xác định các vụ không kích của Nga chủ yếu tập trung tại những vùng do quân nổi dậy Syria kiểm soát và cách rất xa những vùng đang nằm trong tay IS.

Các địa điểm Nga không kích (hình ngôi sao) - Đồ họa: ISW

ISW cũng cho rằng mục tiêu thứ hai của Nga là bảo vệ căn cứ hải quân của nước này ở Tartus, điểm tiếp cận Địa Trung Hải. Việc ông Putin quyết định đưa máy bay chiến đấu tới Syria cũng sẽ giúp Nga mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự tới các nước khu vực Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan, Israel…

Tương tự ISW, báo New York Times cũng công bố đồ họa dựa trên nguồn tin của Trung tâm Carter (Mỹ) và Tổ chức Đài Quan sát nhân quyền Syria (SOHR) cho thấy các vụ không kích của Nga đều cách xa khu vực IS kiểm soát. 

Châu Âu và Mỹ muốn ai ngồi vào bàn đàm phán về Syria?

Sẽ có chín hay năm quốc gia cùng ngồi vào bàn đàm phán này? Rõ ràng Mỹ và châu Âu đang chia rẽ trong vấn đề những nước nào sẽ cùng tham gia thương thuyết với họ về Syria.

Theo AP, trong các bài diễn văn phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua, nhiều cường quốc bày tỏ mong muốn tổ chức các cuộc đàm phán đa phương để tìm giải pháp kết thúc cuộc chiến tranh tại Syria. Nhưng Mỹ và châu Âu đang tỏ ra khác biệt quan điểm trong vấn đề này.

Châu Âu viện dẫn thành công của thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và 6 nước lớn để đề xuất mô hình đàm phán với các thành viên tương tự có bổ sung một số quốc gia chủ chốt.

Thỏa thuận đàm phán hạt nhân Iran đạt được ngày 14-7 có sự tham gia của các nước: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Iran. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 30-9 kêu gọi thu xếp một cuộc đàm phán tương tự “có mở rộng với các đối tác trong khu vực”.

Trong khi đó ngược lại, Mỹ muốn có một nhóm đối thoại hẹp hơn và không có châu Âu.

Ông Fabius không nói rõ quan điểm của mình. Nhưng hai nhà ngoại giao giấu tên (một của châu Âu và một của Trung Đông) cho rằng lúc này thay vì đặt ra yêu sách với Iran như trong thỏa thuận hạt nhân lần trước, châu Âu muốn Tehran hợp tác với họ, với người Mỹ, Nga và Trung Quốc để tìm ra một giải pháp hòa bình. Hai quốc gia Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được tính vào nhóm này.

Cũng theo hai nhà ngoại giao, cả Anh, Pháp và Đức đều lên tiếng ủng hộ mô hình đàm phán đó bên lề phiên họp đầu tiên kể từ sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và sáu cường quốc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đầu tuần này.

Tuy nhiên người Mỹ chỉ muốn có cuộc đàm phán giữa họ, Nga, Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Washington chấp nhận là một trong sáu thành viên của vòng đàm phán thỏa thuận hạt nhân vì họ là người đến sau. Sau khi thoạt tiên từ chối đàm phán với Tehran, năm 2006 Mỹ mới chịu ngồi vào bàn thương thuyết, tức là ba năm sau khi Anh, Pháp và Đức đã tiếp cận với Cộng hòa Hồi giáo.

Một quan chức Mỹ nắm rõ về vấn đề này cho biết trong câu chuyện của Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ muốn tập trung giải quyết vấn đề với các nước có liên quan trực tiếp.

Trong khi đó Nga ủng hộ các nước khác cùng tham gia giải quyết vấn đề, ngay cả khi họ không cùng ngồi chung bàn đàm phán.

Ngày 1-10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ cho rằng Matxcơva muốn “ủng hộ mọi kênh đối thoại để đảm bảo cho cuộc chiến đấu đạt hiệu quả tối ưu”.

Ông Lavrov liệt kê danh sách các nước như Iran, Nga, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan, Qatar, Mỹ và Trung Quốc là những nước có vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán về Syria.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov tới lần thứ ba bên lề cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày thứ tư (30-9).

Ngày thứ năm (1-10), ông Kerry cũng có những cuộc tiếp xúc gần gũi với ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức, Saudi Arabia, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Qatar.

HIẾU TRUNG - D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp