Chân dung 4 hung thủ xả súng hàng loạt gây rúng động nước Mỹ - Ảnh: ABC News |
Chỉ chiếm 5% dân số thế giới, tại sao 31% các cuộc xả súng lớn đều xảy ra ở Mỹ?
Xả súng hàng loạt được định nghĩa là một cuộc tấn công bằng súng làm chết ít nhất 4 người, trong đó không bao gồm việc các băng nhóm thanh toán lẫn nhau, hay giết hại nhiều thành viên trong cùng một gia đình.
Với định nghĩa này, từ chỉ trong vòng chưa đầy 40 năm, ở Mỹ đã xảy ra gần 100 vụ xả súng hàng loạt, nhiều hơn bất cứ một quốc gia nào khác trên thế giới.
Vì sao ở Mỹ lại liên tục xảy ra xả súng? Giáo sư Adam Lankford từ Trường đại học Alabama mới đây đã thực hiện một cuộc nghiên cứu để lý giải hiện tượng trên.
Bệnh tâm thần
Theo kết quả nghiên cứu của giáo sư Lankford, nhiều kẻ thực hiện xả súng ở Mỹ đều có vấn đề về tâm thần.
Theo kết quả nghiên cứu của Trường đại học Harvard về sức khỏe công cộng, số vụ xả súng tăng gấp 3 từ năm 2011 đến 2014. Nghiên cứu của Trường Harvard cũng chỉ ra rằng hiện nay trung bình cứ 64 ngày ở Mỹ lại xảy ra một vụ xả súng, trong khi cách đây 29 năm, con số này là 200 ngày.
Sự lây lan
Một số nhà nghiên cứu tin rằng những vụ giết người có thể lây lan. Khi một vụ xả súng xảy ra, nó sẽ có sức ảnh hưởng trong vòng 13 ngày, làm tăng nguy cơ mà một cuộc xả súng khác có thể diễn ra.
Hiện tượng lây lan này diễn ra mạnh mẽ ở Mỹ hơn là các nước khác, vì nhìn chung công dân tại đây rất dễ tiếp cận với vũ khí. “Sự tiếp cận với vũ khí là một yếu tố dự báo quan trọng của một sự cố sắp xảy ra” - giáo sư Lankford khẳng định.
Công dân Mỹ sở hữu súng nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Ước tính hiện có từ 270 đến 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành trên khắp lãnh thổ nước này. Với dân số 318,9 triệu, điều này cho thấy gần như mỗi người Mỹ đều sở hữu một khẩu súng.
Con số này còn trở nên khủng khiếp hơn nếu so sánh với quốc gia sở hữu súng nhiều thứ 2 là Ấn Độ, với 46 triệu khẩu súng đang nằm trong tay của hơn 1,25 tỉ dân. Tuy vậy, Ấn Độ thậm chí còn không nằm trong tốp 5 nước xảy ra nhiều vụ xả súng nhất thế giới.
Chính sách kiểm soát
Một yếu tố nữa gián tiếp gây ra các vụ xả súng hàng loạt chính là chính sách kiểm soát. Lấy ví dụ như Úc, quốc gia có 4 vụ xả súng từ năm 1987 đến 1996. Sau những vụ tấn công này, dư luận đã quay lưng lại với những người sở hữu súng, và Quốc hội nước này đã thông qua luật sử dụng súng chặt chẽ hơn.
Kể từ đó, ở Úc không hề diễn ra vụ xả súng hàng loạt nào nữa.
Sự nổi tiếng
Cũng theo giáo sư Lankford, khao khát được nổi tiếng là một trong những nguyên nhân gây ra xả súng hàng loạt ở Mỹ. Ông cho biết: “Trở nên nổi tiếng chính là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giới trẻ hiện nay”.
“Dường như người Mỹ đang ngày càng gia tăng khao khát được nổi tiếng, và không nghi ngờ gì rằng các phương tiện truyền thông có mối liên hệ với cách thức hành động của những hung thủ máu lạnh này”.
Bên cạnh đó, các yếu tố như giới tính, sắc tộc cũng được cho là những nguyên nhân dẫn đến các vụ tấn công hàng loạt bằng súng, khi có đến 64% đàn ông da trắng gây ra các vụ xả súng trên. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn đang gây tranh cãi.
Cuối bài nghiên cứu, giáo sư Lankford khẳng định tỉ lệ giết người của người Mỹ cao hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào khác, và bài học duy nhất ở đây chính là hãy chuẩn bị để bảo vệ bản thân trong trường hợp có bất cứ cuộc tấn công tương tự nào đó xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận