Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp năm 2014 - Ảnh: Reuters |
Vấn đề lớn nhất đối với Mỹ là tỏ rõ trên trường quốc tế rằng họ sẽ làm những gì phải làm để bảo vệ doanh nghiệp Mỹ. Trên trường quốc tế, anh không thể nói với đối phương bước xuống mà khi họ không làm thì anh lại không hành động gì |
Cựu quan chức NORMA KRAYEM |
Thông tin này được một quan chức trong Chính phủ Mỹ tiết lộ và được truyền thông Mỹ đăng tải hôm 1-9. Động thái này được nhận định là một sự phô trương sức mạnh của Mỹ về vấn đề tin tặc, khi không lâu nữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Washington.
Thêm vào đó, giới quan sát cho rằng việc chuẩn bị các biện pháp trừng phạt cũng là bước đi mới nhất trong một loạt động thái của Washington, để cho thấy Mỹ nghiêm túc trong vấn đề các công ty của họ bị tấn công mạng.
Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp trừng phạt sẽ đẩy căng thẳng lên một mức độ mới. CNN dẫn lời quan chức Mỹ nói Washington vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt này nếu được áp dụng sẽ nhắm vào những tổ chức của Trung Quốc đánh cắp bí mật kinh doanh của các công ty Mỹ cũng như nhiều vụ tấn công mạng truyền thống nhằm vào chính phủ, như vụ đánh cắp thông tin của Văn phòng quản lý nhân sự Mỹ (OPM).
Vụ tấn công lớn này làm ảnh hưởng đến hơn 21 triệu đầu thông tin nhạy cảm về nhân sự chính phủ cùng các đầu thông tin về kiểm tra lý lịch. Mỹ cáo buộc Trung Quốc đứng sau các vụ tin tặc. Bắc Kinh liên tục bác bỏ cáo buộc này.
Các chuyên gia nhận định không phải ngẫu nhiên mà tin tức về việc chuẩn bị trừng phạt lại được đưa ra chỉ vài tuần trước khi ông Tập thăm Mỹ. Việc bắn tin đe dọa trừng phạt được đánh giá để Mỹ có lợi thế khi bước vào hội đàm với Bắc Kinh.
CNN dẫn phân tích của chuyên gia an ninh mạng James Lewis thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS): “Điểm mấu chốt ở đây là gửi đến Trung Quốc một thông điệp. Điều này để cho họ thấy làm gì cũng có cái giá, điều mà họ không ngờ tới. Điều đó giúp định hình lại cuộc tranh luận”.
Phía Trung Quốc lâu nay vẫn phản bác chuyện đứng sau các vụ tấn công mạng lấy cắp thông tin và thường cho rằng mình cũng là nạn nhân của những vụ tương tự.
“Quan điểm kiên định của Trung Quốc là đấu tranh mạnh mẽ chống lại mọi hình thức tấn công mạng. Chúng tôi hi vọng phía Mỹ gạt bỏ những nghi ngờ, chấm dứt đưa ra các cáo buộc không căn cứ và thể hiện sự tin tưởng cũng như hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực này” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từng phát biểu hồi tháng 6.
Trước đây, Nhà Trắng cũng từng gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng sẽ không dung thứ các vụ tấn công mạng. Bây giờ, đây có thể sẽ là lần đầu tiên Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc liên quan đến các vụ tấn công mạng mang tính kinh tế, điều mà chính quyền Mỹ đã lên tiếng trong nhiều năm qua.
Cựu quan chức tài chính và ngoại giao dưới thời tổng thống Bill Clinton, ông Norma Krayem, đoán các biện pháp trừng phạt sẽ được áp đặt sau chuyến thăm của ông Tập, nhưng việc rò rỉ các công đoạn chuẩn bị việc này đã giúp Mỹ có sức mạnh đòn bẩy khi bước vào hội đàm với Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận