Ảnh phác họa cá mập megalodon - từng là sinh vật lớn nhất đại dương - Ảnh: Mary Parrish, Smithsonian, National Museum of Natural History |
Theo các nhà khoa học, với những chiếc răng dài 15cm, nhọn và sắc như dao, megalodon dễ dàng xơi tái những con mồi to lớn như cá voi.
Dài 18m và lớn gấp 3 lần loài cá mập trắng, megalodon cho thấy trên biển không có loài ăn thịt nào địch lại chúng.
Thế nhưng chúng đột ngột biến mất khoảng 2-3 triệu năm trước. Chuyện gì đã xảy ra?
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết, từ biến đổi khí hậu, số lượng con mồi của megalodon suy giảm cho đến những kẻ thù mới của chúng...
Răng cá mập megalodon (trái) và răng cá mập trắng - Ảnh: Rex |
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu tại Đại học Zurich mới đây tuyên bố họ đã tìm ra câu trả lời đầy đủ hơn cho sự biến mất đầy bí ẩn này.
Theo đó, một "sự kiện tuyệt chủng" chưa từng được biết đến đã xóa sổ megalodon cùng nhiều loài sinh vật biển khác. Họ cho rằng có đến 1/3 động vật biển lớn nhất đại dương đã chết trong thời gian này, gồm cả cá mập, cá voi, chim biển và rùa biển...
Căn cứ vào kết quả khảo sát hóa thạch của những con megafauna trong kỷ Pliocene và Pleistocene (5,3 triệu đến khoảng 9.700 năm trước Công nguyên), nhóm nghiên cứu cho rằng sự kiện tuyệt chủng trên đã làm mất đi 55% tổng số loài động vật có vú, trong đó có 43% loài rùa biển, 35% loài chim biển và 9% loài cá mập.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây ra sự kiện tuyệt chủng này hiện vẫn chưa được biết đến.
Tiến sĩ Catalina Pimiento - trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng việc các sông băng hình thành nhanh chóng vào thời điểm đó khiến mực nước biển biến đổi đáng kể có thể có liên quan.
Bà cũng hi vọng nghiên cứu của nhóm mình sẽ giúp các nhà sinh học biển biết được những mối đe doạ mà các động vật lớn nhất hiện nay phải đối mặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận