04/07/2016 06:39 GMT+7

Vì sao lèo tèo thí sinh đi thi môn Sử THPT?

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ

TTO - Sáng nay 4-7 thí sinh THPT quốc gia 2016 sẽ bước vào môn thi Sử với thời gian làm bài 180 phút. Rất nhiều điểm thi trên cả nước không có thí sinh thi.

Thí sinh vào thi môn Sử tại ĐH Sư phạm Hà Nội -+ Ảnh: NAM TRẦN
Thí sinh vào thi môn Sử tại ĐH Sư phạm Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Vì sao thí sinh ít chọn môn Sử ?

Giải thích về “bức tranh” đăng ký môn thi THPT quốc gia của học sinh lớp 12, hiệu trưởng một trường THPT nổi tiếng ở TP.HCM nhận định: “Do các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào ĐH đa số là toán, lý, hóa, ngoại ngữ. Rất ít tổ hợp có sử, địa. Học sinh chọn lý vì có thể dùng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH khối A và khối A1. Thế nên dù nhà trường có ép đến mấy thì học sinh vẫn bỏ bê văn, sử, địa”.

 

Đà Nẵng: Chỉ có 745 thí sinh đăng ký thi môn lịch sử

Số lượng thí sinh thi tại trường THPT Trần Phú khá it - Ảnh: Đoàn Cường
Số lượng thí sinh thi tại trường THPT Trần Phú khá it - Ảnh: Đoàn Cường

Tại điểm thi trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng, không khí trước môn Sử khá nhẹ nhàng. Thí sinh Minh Khoa khẳng định đề sẽ có một câu liên quan đến Bác Hồ, đề sẽ ra nhiều ở giai đoạn 1945-1975.

Theo ĐH Đà Nẵng, môn Sử có 745 thí sinh đăng ký dự thi. Sáng nay, thứ trưởng Bộ giáo dục-đào tạo Bùi Văn Ga làm việc tại Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra tại điểm thi trường THPT Trần Phú,  Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra tại điểm thi trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường

 

Dặn dò em gái trước giờ thi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Dặn dò em gái trước giờ thi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tại điểm thi trường CĐ Lương thực - thực phẩm có rất ít thí sinh dự thi. Vì nắng nóng nên điểm thi này được điện lực Sơn Trà cắt cử một máy phát điện túc trực. Các thí sinh đều mong đề thi sử năm nay nhẹ nhàng như môn Địa sáng qua.

“Về phần quốc tế, cấu trúc đề mọi năm chỉ có hai điểm nên em mong là đề ra nhẹ nhàng về Nhật Bản hoặc Mỹ. Còn về lịch sử trong nước, em mong đề ra các chiến dịch lớn như Điện Biên Phủ hoặc chiến dịch Hồ Chí Minh để dễ nhớ cặn kẽ ngày giờ”- thí sinh Phạm Thương, trường THPT Ông Ích Khiêm nói.

Trong khi đó, thí sinh Hồng Thanh lại mong muốn đề ra nhiều vào mốc thời gian 1930-1945. “Em học phần này rất kỹ nên nếu ra thì em sẽ có lợi thế và phân tích tốt hơn”- Thanh nói. (ĐOÀN CƯỜNG - TRƯỜNG TRUNG)

Nghệ An: thí sinh thi môn Lịch sử thấp kỷ lục

Thí sinh ôn bài môn thi Lịch sử sáng 4-7 tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh - Ảnh: DOÃN HÒA
Thí sinh ôn bài môn thi Lịch sử sáng 4-7 tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh - Ảnh: DOÃN HÒA

Nghệ An là một trong 4 địa phương có thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016 đông nhất cả nước (gần 34.000 thí sinh) nhưng số thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Nhiều điểm thi sáng 3-7 phải đóng cửa vì “trắng” thí sinh thi Lịch sử.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An, tại cụm thi địa phương do Sở chủ trì chỉ có 73 thí sinh đăng ký thi môn Sử trong tổng số hơn 12.700 thí sinh. Có 19/26 điểm thi địa phương không có thí sinh dự thi. Một số điểm thi có số thí sinh thi Lịch sử ít như Trường THPT Hoàng Mai (1 thí sinh), THPT Tân Kỳ (2 thí sinh), THPT Nguyễn Duy Trinh (4 thí sinh)…

Điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đóng cửa sáng 4-7 do không có thí sinh thi môn Lịch sử - Ảnh: DOÃN HÒA
Điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đóng cửa sáng 4-7 do không có thí sinh thi môn Lịch sử - Ảnh: DOÃN HÒA

Ông Nguyễn Thanh Long - Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 3, Phó điểm trưởng điểm thi cho biết điểm thi này có 460 thí sinh và đã kết thúc từ ngày 3-7 sau môn thi Hóa học vì trong ngày hôm nay không có thí sinh thi môn Lịch sử, Sinh học.

Trong khi đó, tại cụm thi 35 do Trường ĐH Vinh chủ trì có hơn 2.700/21.000 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử và là môn thi có số lượng đăng ký thấp nhất. Ghi nhận sáng 4-7, giao thông tại các tuyến phố TP Vinh thông thoáng hơn ba ngày thi đầu tiên do nhiều điểm thi đã đóng cửa, không có thí sinh thi môn Lịch sử. Theo thống kê có 27/35 điểm thi tại cụm thi 35 không có thí sinh thi môn Sử. (DOÃN HÒA)

Hà Nội: Thí sinh mong muốn đề Sử mở

Trời Hà Nội đổ cơn dông lớn, đến thời điểm 6g10 phút, tại điểm trường Học viện kỹ thuật quân sự một số thí sinh cùng phụ huynh mới bắt đầu đến cổng trường dự thi môn Lịch Sử. Theo quan sát chỉ có rất ít thí sinh tham dự môn thi này trong sáng nay, ai cũng cố gắng ôn lại kiến thức trước khi vào phòng thi.

Nhiều thí sinh trước khi bước vào phòng thi vẫn cố gắng “vớt vát” lại một chút kiến thức - Ảnh: N.H.THANH

Nhiều thí sinh trước khi bước vào phòng thi vẫn cố gắng “vớt vát” lại một chút kiến thức - Ảnh: N.H.THANH

Thí sinh Hoàng Văn Quân (quê ở Nam Định) trên tay vẫn cầm tập tài liệu nhẩm lại kiến thức cho biết, bản thân không tự tin về môn thi này do có quá nhiều mốc lịch sử để nhớ. “Năm nay em dự định thi khối Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý vào trường Học viện an ninh nhân dân. Em mong muốn đề thi sẽ theo hướng mở để chúng em có thể tự triển khai được theo ý của mình”, Quân bày tỏ. Còn thí sinh Nguyễn Anh Thư (quê ở Hà Tĩnh), đang đi nghĩa vụ quân sự cho biết, bản thân đã chuẩn bị được một số kiến thức nhưng vẫn chưa chắc chắn lắm. Thư cho biết mình vừa đi học vừa đi làm nên không có thời gian ôn thi nhiều. Thư bày tỏ mong muốn đề ra theo hướng mở, ít mốc thời gian lịch sử và vừa sức của em.

Thí sinh Quách Thị Hường ở Thạch Thất, Hà Nội chia sẻ: "Em mong đề năm nay sẽ có độ khó như năm ngoái. Em muốn đề sẽ rơi vào phần Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945".

Hường cho biết mục tiêu của Hường là thi đỗ và khoa Địa lí của Đại học Sư phạm Hà Nội. Em sẽ cố gắng đạt được 7 điểm môn Sử để đạt được mục tiêu này.

Thí sinh Nguyễn Thị Phượng ở Ba Vì, Hà Nội cũng cho biết: "Em muốn vào phần lịch sử Việt Nam năm 1954". Nhiều em khác thì dự đoán đề thi sẽ rơi vào vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Các em cho rằng vấn đề này hiện vẫn đang nóng nên có thể sẽ thi vào.

Thí sinh Đinh Hồng Anh thì đoán đề sẽ rơi vào phần quan hệ Mỹ và Việt Nam vì chuyến thăm vừa rồi của Tổng thống Obama.

Các thí sinh tới điểm thi trường Đại học Thuỷ Lợi trong mưa - Ảnh: CHÍ  TUỆ
Các thí sinh tới điểm thi trường Đại học Thuỷ Lợi trong mưa - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tại trường Đại học Thủy Lợi, trong buổi sáng 4-7, phần lớn thí sinh dự thi môn Sử có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH.

Theo em Đặng Hồng Dương (THPT Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết em rất kỳ vọng vào môn Sử. Em hy vọng đề sẽ vào phần lịch sử 1930 - 1954 và cố gắng sẽ giành được 7 điểm để có thể đạt điểm xét tuyển vào các trường ĐH Sư phạm và Trường Chính trị. (N.H.THANH - THU HẰNG - CHÍ TUỆ - NAM TRẦN)

Cần Thơ: Trông chờ đề thi nói về chủ quyền biển đảo

Hai thí sinh ở huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) đến trường chờ bạn thi xong sẽ cùng đi xe buýt về quê - Ảnh: T.Trang
Hai thí sinh ở huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) đến trường chờ bạn thi xong sẽ cùng đi xe buýt về quê - Ảnh: T.Trang

Ông Nguyễn Tiến Thắng, ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết con trai năm nay thi khối C nên cũng rất quan tâm những môn xã hội. “Tôi rất hy vọng đề thi môn lịch sử sẽ nói nhiều về chủ quyền biển đảo. Đó không chỉ làm tăng thêm phần phong phú cho đề thi mà để học sinh hiểu biết rõ, nắm chắc được lịch sử, quyền lợi đất nước”, ông Thắng nói.

Còn thí sinh Lê Trương Thảo Ngân, học sinh trường THPT Tầm Vu 1, cho biết không phải Ngân học tủ, nhưng tin chắc đề sẽ có phần chủ quyền biển đảo. “Môn lịch sử em không học thuộc lòng từng câu chữ, em chỉ học kỹ mốc thời gian sự kiện chứ không thể nào thuộc hết được trong sách giáo khoa”, Ngân chia sẻ.

Trong khi đó, tại cụm thi trường ĐH Cần Thơ sáng nay chỉ có hai điểm thi với 357 thí sinh, năm điểm thi còn lại sang náy đã đóng cửa. (THÙY TRANG)

Lác đác thí sinh dự thi môn lịch sử tại điểm thi trường ĐH Cần Thơ - Ảnh: T.Trang
Lác đác thí sinh dự thi môn lịch sử tại điểm thi trường ĐH Cần Thơ - Ảnh: T.Trang

TP.HCM: Thí sinh đoán đề sẽ có Mỹ và liên minh Châu Âu

Tại điểm trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Q.Bình Thạnh), từ 5g30, thí sinh đã có mặt ở cổng trường để chuẩn bị cho môn thi lịch sử.

Nguyễn Thúy Hoa, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (Q.9), vừa lật tài liệu ôn bài vừa nói: “Em làm bài các môn trước không được tốt, chắc điểm không cao. Nên môn này em cố gắng nhiều hơn để đạt trên 5 điểm. Vì em không xét tuyển ĐH nên cũng không áp lực lắm, chỉ cần làm đủ điểm tốt nghiệp là được.”.

Thầy Thắng và học trò tại điểm thi trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Q.Bình Thạnh) đã sẵn sàng bước vào môn thi Lịch sử. - Ảnh: KIM LIÊN
Thầy Thắng và học trò tại điểm thi trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Q.Bình Thạnh) đã sẵn sàng bước vào môn thi Sử. - Ảnh: KIM LIÊN

Còn với Nguyễn Khánh Duy, học sinh trường THPT Tân Phú (Q.9), thì em ôn kĩ phần lịch sử thế giới hơn lịch sử Việt Nam. “Em mong đề ra em làm đạt trên 30 phần trăm xíu là được vì em không ôn nhiều. Em chỉ cần đủ điểm xét tốt nghiệp. Phần sử Việt Nam em đọc qua, ôn sơ sài nên vào nhớ được phần nào em làm phần đó còn không nhớ thì chịu.”- Khánh Duy nói.

Tại điểm thi trường ĐH Công nghệ TP.HCM, một số thí sinh thi môn cuối cùng nên phụ huynh chở con đi thi mang theo cả hành lí để thi xong về luôn. 

Vẻ lo lắng của phụ huynh trong ngày thi cuối cùng - Ảnh: Hải Quân
Vẻ lo lắng của phụ huynh trong ngày thi cuối cùng - Ảnh: Hải Quân

Tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương, tới 5g50, không khí khá vắng lặng. Các thí sinh mong muốn đề thi vừa sức và mang tính vận dụng cao.

Thí sinh Như Phương, TTGDTX Q.12, chia sẻ: "Em mong đề sẽ có hướng mở cao, đặc biệt là những câu hỏi vận dụng liên quan tới tình hình biển đảo và lòng yêu nước".

Thí sinh Trần Văn Nghĩa, TTGDTX huyện Củ Chi, nói: "Em thi khối C, 2 ngày rồi thi Văn và Địa khá tốt nên em tự tin cho bữa thi cuối này. Em nghĩ phần lịch sử thế giới có thể sẽ ra phần hội nghị Ianta". 

Tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương, đã 6g nhưng chỉ lác đác vài thí sinh đến thi. Hầu hết các thí sinh được hỏi đều cho biết thi Sử để xét tốt nghiệp và cũng là môn cuối.

Thí sinh Đặng Thị Như Ý, Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao Q.1, một mình đạp xe tới trường từ rất sớm cho biết: “Em thấy hơi sợ không nhớ hết vì kiến thức Sử rất nhiều, nhất là mấy mốc ngày tháng năm, phần lịch sử kháng chiến chống Pháp”. 

Thí sinh dự thi môn lịch sử tại Trường THPT Trưng Vương sáng 4-7. Ảnh: Ngọc Tuyền
Thí sinh dự thi môn Lịch sử tại Trường THPT Trưng Vương sáng 4-7 - Ảnh: Ngọc Tuyền

Điểm thi Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, có khá ít thí sinh dự thi môn Sử. Nhiều thí sinh hy vọng đề sử sẽ gần gũi với cuộc sống hiện đại và liên quan đến những vấn đề quan trọng của đất nước.

“Em nghĩ đề sử nên ra những nội dung gần gũi như những ngày lễ kỷ niệm, những lễ hội mà ngày nay chúng ta vẫn tổ chức”, Lê Thị Như Nguyệt, THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM, chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh ôn tập kỹ những phần quan trọng như bốn chiến dịch Việt Bắc, Thu – Đông, Điện Biên Phủ và chiến dịch biên giới vì đây là nội dung quen thuộc trong đề sử các năm trước.

Nguyễn Văn Tài, THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM nói: “Em hy vọng đề sẽ ra những câu em đã học tủ. Bên cạnh đó, phần đặt ra câu hỏi tư duy và bình luận nên thú vị một chút”.

Một nhóm thí sinh đang ôn bài trước giờ thi sử. - Ảnh: Đàm Na
Một nhóm thí sinh đang ôn bài trước giờ thi sử - Ảnh: Đàm Na

Thí sinh Võ Hoàng Phi, THPT Long Thế, huyện Nhà Bè, TP.HCM, cho rằng những nội dung liên quan đến Mỹ có khả năng cao sẽ ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ vừa ghé thăm Việt Nam.

“Em đã học kỹ cách mạng tháng 8, chiến tranh kháng chiến chống Pháp và Mỹ và vấn đề xây dựng nhà nước năm 1976. Học lịch sử không thể ôn tủ mà phải bao quát hết các kiến thức”, Thế nói. 

Ôn bài trước giờ thi. - Ảnh: Ngọc Tuyền
Ôn bài trước giờ thi. - Ảnh: Ngọc Tuyền

 

Thí sinh tranh thủ ôn lại bài. - Ảnh: Phương Nguyễn
Thí sinh tranh thủ ôn lại bài. - Ảnh: Phương Nguyễn

Tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) nhiều thí sinh dự đoán đề sử năm nay sẽ ra những vấn đề về Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

"Em nghĩ đề sẽ ra về Mỹ hoặc EU vì tổng thống Obama mới thăm Việt Nam và vấn đề EU đang rất nóng từ làn sóng tị nạn chiến tranh đến Anh trưng cầu ý dân rời khỏi EU. Ngoài ra còn có hoạt động của Bác và Đảng Cộng sản Việt Nam. Em nghĩ đề sẽ khó, chỉ hy vọng là đề không quá khó và đừng đánh đố mà đi thẳng vào vấn đề." - thí sinh Trần Thị Thuý, THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn, chia sẻ.

Còn thí sinh Nguyễn Thị Cẩm Thúy đến từ THPT Thạnh Lộc, Q.12, cho biết: "Em nghĩ đề sẽ ra theo hướng mở nên thí sinh phải có hiểu biết về kiến thức bên ngoài sách giáo khoa mới làm được. Em dự đoán đề sẽ ra xung quanh vấn đề Mỹ nối lại quan hệ với Cuba và Anh rời khỏi EU".

Bên cạnh đó Thuý cũng tâm sự rằng em dự tính sẽ xét tuyển vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). Em hy vọng mình sẽ đủ điểm đậu vào ngành tâm lý học mà em luôn thích. (PHƯƠNG NGUYỄN -KIM LIÊN - HẢI QUÂN - ĐÀM NA - NGỌC TUYỀN) 

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi trước giờ thi môn Lịch Sử tại điểm thi trường THPT Gia Định Q.Bình Thạnh thuộc cụm thi trường ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (ĐHQG, TPHCM). - Ảnh: Như Hùng
Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi trước giờ thi môn Lịch Sử tại điểm thi trường THPT Gia Định Q.Bình Thạnh thuộc cụm thi trường ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (ĐHQG, TPHCM). - Ảnh: Như Hùng

 

Cán bộ coi thi đang đọc quy chế thi cho thí sinh trước giờ thi môn Lịch Sử tại điểm thi trường THPT Gia Định Q.Bình Thạnh thuộc cụm thi trường ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (ĐHQG, TPHCM). - Ảnh: Như Hùng
Cán bộ coi thi đang đọc quy chế thi cho thí sinh trước giờ thi môn Lịch Sử tại điểm thi trường THPT Gia Định Q.Bình Thạnh thuộc cụm thi trường ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (ĐHQG, TPHCM). - Ảnh: Như Hùng

Đắk Lắk: môn thi "gây lo lắng" 

Các thí sinh chăm chú ngồi ôn bài Sử ở khắp các ghế đá ở sân trường. Đây là môn thi mà nhiều thí sinh dù chuyên khối C vẫn thấy lo lắng - Ảnh: LĨNH HỒNG
Các thí sinh chăm chú ngồi ôn bài Sử ở khắp các ghế đá ở sân trường. Đây là môn thi mà nhiều thí sinh dù chuyên khối C vẫn thấy lo lắng - Ảnh: LĨNH HỒNG

6g sáng nay, tại điểm trường ĐH Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã có nhiều thí sinh tới ngồi ở khắp khuôn viên trường để ôn bài. Nhiều gương mặt khá căng thẳng, miệt mài đọc tài liệu ngay cả lúc đang được phụ huynh chở đến điểm thi.

Các thí sinh cho biết môn Sử thực sự khiến các em "lo lắng hơn môn Địa nhiều" vì quá nhiều lý thuyết và dàn trải.

"Hi vọng đề Sử cũng có hướng mở một chút, liện hệ đến hiện tại thì bài làm sẽ sống động hơn", thí sinh Nguyễn Thị Phương Hà nói. Cũng theo Hà, đề có thể sẽ có phần rơi vào nội dung về Cách mạng tháng Tám và liên hệ đến chủ quyền biển đảo hiện nay.

Còn thí sinh Nguyễn Thị Hương Giang thì cho rằng khó hi vọng đề sẽ mở. "Lịch sử khó mà mở rộng cho mình được bàn luận lắm. Vẫn ôn theo kiểu cũ, nội dung cũ. Nhưng thực sự lo vì môn này rất khó ăn điểm" - Giang giãi bày. (LĨNH HỒNG)

Quảng Ninh: “Thi Sử năm nay sẽ khó hơn”

Thí sinh vẻ lo lắng trước giờ thi - Ảnh: ĐỨC HIẾU
Thí sinh chờ phát đề tại điểm thi Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ninh  - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Sáng 4-7, nhiều thí sinh tại điểm thi Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ninh đến trường thi mà không có sự đưa đón của phụ huynh.

Nam sinh Trương Mậu Đông chia sẻ buổi thi cuối em thấy tâm trạng khá thoải mái nên tự đi đến trường. Đông cũng đánh giá đề thi môn Sử năm nay sẽ khó và dài hơn mọi năm.

Cùng nhận định, thí sinh Hoàng Hải Nam cũng cho rằng thí sinh sẽ không ra khỏi phòng thi sớm được vì sẽ khó hơn. “Em ôn cả lịch sử Việt Nam và thế giới, trong đó tập trung hơn cho những sự kiện lịch sử hiện đại. Hy vọng sẽ có nhiều sự liên hệ để thí sinh dễ thở hơn” - Nam nói.

Một số thí sinh quên hoặc bị mất thẻ dự thi được nhà trường xác nhận cho thi nếu có mang CMND (ĐỨC HIẾU)

Huế: Chỉ có 4 điểm thi có thí sinh 

Một thí sinh tại điểm thi ĐH Ngoại ngữ Huế vừa đi vừa ôn bài - Ảnh: VĂN DINH
Một thí sinh tại điểm thi ĐH Khoa học - ĐH Huế - Ảnh: NHẬT LINH 

Tại TP Huế trong sáng 4-7, chỉ có 38 phòng ở bốn điểm thi là có thí sinh thi môn Sử. Sáu điểm thi còn lại không hoạt động, trong đó có hai điểm thi không còn thí sinh nào vì đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia là Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Luật.

Còn tại các cụm thi địa phương, nhiều điểm thi đóng cửa và 3 điểm thi chỉ có 1 thí sinh là THPT Phan Đăng Lưu, THPT Tố Hữu và THPT Hương Vinh.

Tại các điểm có tổ chức thi ở TP Huế, thí sinh đến trường khá sớm, nhiều em tỏ vẻ lo lắng. Em Bùi Khanh (điểm thi trường ĐH Ngoại ngữ Huế) cho biết đã ôn khá kĩ, nhất là phần lịch sử Việt Nam và hi vọng đề sẽ ra các câu như đường lối Đảng, chiến tranh đặt biệt, Liên Xô và trật tự 2 cực. Còn thí sinh Trần Thị Ánh mong đề thi sẽ mở, liên quan đến thực tế. 

Tại điểm thi trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, hầu hết các thí sinh đều dự đoán rằng đề Sử năm nay sẽ chú trọng những câu hỏi thực tiễn, thoát ly khỏi sách giáo khoa. Thí sinh Nguyễn Tuấn Anh nói hi vọng sẽ có câu hỏi liên quan đến Cách mạng tháng 8. “Bài học kinh nghiệm trong cách mạng tháng 8 luôn mang tính thời sự nên có nhiều khả năng xuất hiện trong đề năm nay!”, Tuấn Anh dự đoán.

Còn thí sinh Ngô Vũ Hải Trinh dự đoán nhiều khả năng nước Mỹ và toàn cầu hóa sẽ xuất hiện ở phần câu hỏi thế giới. “Vì em nghĩ chuyến thăm của tổng thống Obama đến Việt Nam vừa rồi mang nhiều ý nghĩa lớn. Vậy nên phần nước Mỹ sẽ có khả năng xuất hiện trong đề cao nhất”, Trinh chia sẻ. (NHẬT LINH - VĂN DINH - XUÂN ĐÀO)

Quảng Ngãi: Lo lắng vì môn này khó "tủ" 

Một nam sinh được cha chở đi thi với vẻ mặt lo lắng - Ảnh: TRẦN MAI
Một nam sinh được cha chở đi thi với vẻ mặt lo lắng - Ảnh: TRẦN MAI

Không như những môn thi trước các thí sinh la cà phía trước cổng trường vui đùa, sau đó mới vào phòng thi, sáng nay 4-7 các thí sinh vào phòng thi rất sớm với vẻ mặt lo lắng, nhiều thí sinh còn tranh thủ ôn lại bài trong phòng thi.

Thí sinh Nguyễn Thị Bích Cẩm cho rằng môn Sử thì rất khó để “tủ” một phần nào đó. Theo cấu trúc đề thi năm nay, phần lịch sử thế giới chỉ có hai điểm nên Cẩm hi vọng sẽ gọn nhẹ về các vấn đề liên quan đến chiến tranh thế giới thứ hai. “Kiến thức phần này dễ nhớ hơn so với các phần khác”, Cẩm cho biết.

Trong khi đó, một số thi sinh kỳ vọng đề thi sẽ rơi vào mối quan hệ của Việt - Mỹ. Theo lập luận của các thí sinh thì với chuyến thăm của tổng thống Obama đến Việt Nam vừa rồi, hoàn toàn có thể được đưa vào đề thi một phần liên quan đến mối quan hệ giữa hai nước. Một số thí sinh khác thì cho rằng Toàn cầu hóa là dễ có trong đề thi năm nay nhất bởi nhiều sự kiện nóng trong thời gian này vừa diễn ra. Trong đó có chuyện Anh rút khỏi EU.

Với phần thi lịch sử trong nước chiếm số điểm lớn, thí sinh Trần Văn Quang cho rằng sẽ rất dàn trải, khó có thể biết rơi vào giai đoạn và sự kiện nào cụ thể để có thể đoán biết. “Em chỉ hi vọng đề thi dễ thở như môn Địa lí. Các sự kiện rơi vào khoảng thời gian 1954 đến 1975, hoặc chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ là phần đơn giản và dễ nhớ nhất bởi các sự kiện diễn biến hấp dẫn với các trận đánh các hiệp định. Nếu rơi vào thời điểm trước 1945 thì sẽ rất xương”, Quang nói.

Phía ngoài phòng thi, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng cho con. Anh Nguyễn Tùng Bách, phụ huynh của thí sinh Nguyễn Tùng Phong cho rằng đề thi năm nay sẽ khó hơn những năm trước. Theo anh Bách trong hai ba ngày thi vừa qua, đối chiếu đề thi với năm trước có thể thấy là khó hơn.

Theo thầy Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, trưởng ban chỉ đạo cụm thi 42 (Quảng Ngãi), số thí sinh thi môn Lịch sử tại cụm thi này là 1.239, số điểm thi từ 6 xuống còn 2 điểm là trường Đại học Phạm Văn Đồng và trường THPT Võ Nguyên Giáp. (TRẦN MAI)

 

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp