04/02/2015 12:08 GMT+7

​Vì sao lấp kênh rạch thoát nước?

D.NGỌC HÀ
D.NGỌC HÀ

TT - Trong khi Nhà nước đang cho khơi lại đoạn kênh Hàng Bàng (Q.6, TP.HCM) bị lấp cách đây hơn 14 năm thì hàng loạt các đoạn kênh rạch khác trên địa bàn TP.HCM đã, đang và chuẩn bị được lấp.

Công nhân hoàn thiện phần hố ga cho đường Phạm Huy Thông (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - nơi này lúc trước là “rạch thối” - Ảnh: Hữu Khoa
Công nhân hoàn thiện phần hố ga cho đường Phạm Huy Thông (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - nơi này lúc trước là “rạch thối” - Ảnh: Hữu Khoa

Đó là rạch thoát nước trên đường Phạm Huy Thông (Q.Gò Vấp), rạch Phan Văn Hân (Q.Bình Thạnh), rạch Hiệp Tân và một đoạn kênh Tân Hóa (Q.Tân Phú), rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh)...

Xóa sổ nhiều rạch thoát nước

Tiết diện cống hộp không bao giờ bằng tiết diện kênh hở nên lượng nước thoát qua cống hộp bao giờ cũng hạn chế hơn. Ngoài ra, cống hộp chỉ có chức năng thoát nước, không thể trữ được nước, cũng không có chức năng thẩm thấu để cung cấp nước ngầm cho đất
GS.TS LÊ HUY BÁ

Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Phạm Huy Thông nằm trên địa bàn các phường 5, 6, 7, 17 (Q.Gò Vấp) phân “rạch thối” (theo cách gọi của người dân) thành hai đoạn. Đoạn rạch từ đường Phan Văn Trị đến đường Dương Quảng Hàm được lấp, đặt cống hộp, mặt đất làm hoa viên; đoạn từ đường Dương Quảng hàm đến sông Vàm Thuật được cải tạo thành rạch hở. Những ngày đầu tháng 2, đơn vị thi công đã hoàn thành cơ bản việc đặt cống hộp, lấp đoạn “rạch thối” từ đường Phan Văn Trị đến đường Dương Quảng Hàm dài khoảng 500m.

Đường Phạm Huy Thông đã trải nhựa gần xong, hai phần đường hai bên rộng khoảng 20m, ở giữa (chiều rộng của mặt rạch cũ) được xây thành bồn, đổ đất chuẩn bị trồng cây...

Dự án lấp rạch Phan Văn Hân đặt cống hộp đã được UBND TP đồng ý chủ trương cách đây nhiều năm. Ông Hoàng Song Hà, chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết đoạn thượng nguồn của rạch này từ Trường Trung Mỹ Tây đến đường Nguyễn Cửu Vân đã được đặt cống hộp từ năm 1997.

Đến nay, dự án này còn vướng khoảng 30 hộ dân chưa di dời. UBND TP đã đồng ý chủ trương cho UBND quận áp dụng biện pháp hành chính để giải phóng mặt bằng khu vực này nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án. 

Dự án lấp kênh Hiệp Tân (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú) dài khoảng 1.500m cũng đã được UBND TP phê duyệt và đang chờ vốn để thực hiện. Theo UBND Q.Tân Phú, việc lấp kênh nhằm có mặt bằng làm con đường rộng để khai thác khu đất 3,6ha của Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre và là động lực để phát triển khu tam giác Hòa Bình - Tô Hiệu - Thoại Ngọc Hầu.

Ngoài ra, một đoạn 3km kênh Tân Hóa từ đường Âu Cơ đến cầu Hòa Bình trong dự án nâng cấp đô thị cũng vừa được chủ đầu tư đặt cống hộp, lấp kênh biến thành con đường giao thông rộng khoảng 10m.

Bất đắc dĩ mới lấp kênh rạch

Trình phương án lấp rạch Xuyên Tâm

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình UBND TP phương án nghiên cứu của Công ty Hà Nội Ngàn Năm về phương án cải tạo rạch Xuyên Tâm chạy qua Q.Bình Thạnh và Q.Gò Vấp. Trong đó, phương án lấp rạch, đặt cống hộp được sử dụng cho phần lớn chiều dài của dự án. Hệ thống rạch này có chiều dài hơn 8km chạy từ kênh Nhiêu Lộc nối với sông Vàm Thuật, với tổng chi phí dự kiến hơn 5.000 tỉ đồng. Trên mặt rạch hiện tại, chủ đầu tư sẽ xây dựng hai con đường song song, quỹ đất hai bên rạch sẽ được khai thác để tái định cư cho người dân và làm dự án kinh doanh. Hiện UBND TP yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP làm lại tờ trình trên cơ sở kết quả nghiên cứu của công ty trên.

Ông Trần Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết khi nghiên cứu dự án cải tạo “rạch thối”, các cơ quan liên quan cũng đã xem xét nhiều phương án.

Đoạn rạch từ đường Phan Văn Trị đến Dương Quảng Hàm có mặt nước hẹp nhưng đáy rạch rất sâu, nếu xây thành kênh hở thì rất phí vì chiều sâu và chiều rộng mặt rạch không tương xứng.

Hơn nữa, hai bên rạch đã có hai con đường cố định bởi những dự án nhà ở liên kế nên khó có khả năng mở rộng mặt rạch.

Việc đặt cống hộp, cải tạo mặt kênh thành dải cây xanh phù hợp với mặt bằng của khu vực đã được phê duyệt trước đó.

“Thời điểm quyết định đặt cống hộp, chúng tôi thấy không còn giải pháp nào phù hợp hơn để cải tạo đoạn rạch này. Đoạn rạch từ đường Dương Quảng Hàm chạy đến sông Vàm Thuật cạn hơn và có mặt rạch rộng hơn. Hiện UBND Q.Gò Vấp đang bồi thường cho nhà dân hai bên để có mặt bằng cải tạo rạch” - ông Tuấn cho biết.

Nói về phương án lấp rạch Phan Văn Hân để đặt cống hộp, ông Hoàng Song Hà nhận định rạch Phan Văn Hân chỉ là một rạch nhánh nhỏ, có chức năng thoát nước cho một khu vực dân cư hẹp xung quanh với lượng nước không lớn. Vì vậy, việc lấp rạch đặt cống hộp không ảnh hưởng đến việc thoát nước cũng như chống ngập của khu vực.

Còn lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP cho biết hiện phương án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP nghiên cứu, tính toán phản biện và chấp thuận vì cống hộp đủ rộng bảo đảm được chức năng thoát nước của khu vực.

TS Phùng Mạnh Tiến - giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP.HCM), đơn vị phản biện phương án nghiên cứu cải tạo rạch Xuyên Tâm - cho biết trung tâm đồng ý với ý tưởng cải tạo rạch Xuyên Tâm của Công ty Hà Nội Ngàn Năm là đồng ý về chủ trương cải tạo rạch.

Phương án nghiên cứu của Công ty Hà Nội Ngàn Năm về cơ bản đáp ứng được những mục tiêu của UBND TP đặt ra là cải tạo ô nhiễm môi trường của khu vực, tránh phát sinh ruồi nhặng muỗi mòng, giảm hiện tượng “ao thối”, “kênh thối” trong khu dân cư, giải quyết ách tắc giao thông, giải quyết chỗ ở cho những hộ dân đang sống ven và trên kênh rạch, hiện đại hóa TP.

Bên cạnh đó, đơn vị nghiên cứu cũng đưa ra những phương án thoát nước bảo đảm như có cống rộng bằng bề rộng của rạch hiện hữu. Ở đây, trung tâm cho ý kiến trên cơ sở có thể đạt được những mục tiêu của TP đề ra và không ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.

Theo GS.TS Lê Huy Bá - nguyên viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), việc lấp rạch đặt cống hộp là phương án bất đắc dĩ, khi không còn cách nào khác để cải thiện môi trường của khu vực thì mới nghĩ đến.

GS Lê Huy Bá cho rằng trong việc cải tạo môi trường, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận của việc khai thác quỹ đất hai bên kênh rạch hay ngại phải bỏ ra nhiều tiền thì sau này sẽ phải trả giá gấp nhiều lần.

Trước đây, Nhà nước cho phép lấp rạch hoặc đã đồng ý chủ trương lấp rạch thì nay nên xem xét lại những dự án này. Nhiều nước trên thế giới cũng nhận ra việc lấp những kênh rạch tự nhiên làm ảnh hưởng xấu nghiêm trọng đến môi trường và đã khắc phục.

Thậm chí nước Nga còn phải đào một con kênh nhân tạo qua trung tâm thủ đô Matxcơva để thoát nước, cải tạo môi trường cho thành phố này.

D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp