24/03/2018 11:28 GMT+7

Vì sao khói hỏa hoạn cực độc, gây chết người?

BS PHAN QUỐC BẢO (Khoa TMH - BV Đại học Y Dược TP.HCM)
BS PHAN QUỐC BẢO (Khoa TMH - BV Đại học Y Dược TP.HCM)

TTO - Theo thống kê của tạp chí y khoa eMedicineHealth, ngạt khói chiếm 50 - 80% nguyên nhân tử vong trong các vụ hỏa hoạn. Trong khói hỏa hoạn có gì, xử lý sao để sống sót?

Vì sao khói hỏa hoạn cực độc, gây chết người? - Ảnh 1.

Ngạt khói là nguyên nhân chính gây tử vong trong vụ cháy chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) - Ảnh: Xuân Hưng

Bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi

Theo Hiệp hội Chống hỏa hoạn Quốc gia Mỹ, khói trong đám cháy gây chết người vì chứa những thành phần sau:

Các hạt nhỏ không bị đốt cháy, bị đốt cháy một phần hoặc hoàn toàn rất nhỏ đến mức vượt qua bộ lọc của hệ hô hấp để tới phổi. Một số hạt rất độc trong khi những loại khác gây khó chịu cho mắt và hệ tiêu hóa.

Các loại hơi giống sương mù đầu độc cơ thể nếu được hít hoặc thấm qua da.

Các loại khí độc mà phổ biến nhất là carbon monoxide (CO) khiến cơ thể thiếu hụt oxy, làm tổn thương hệ thần kinh, đẩy nạn nhân vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh hoặc nặng hơn là tử vong. Chỉ 0,1% CO trong không khí cũng gây nguy hiểm cho tính mạng. 

Ngoài ra, hidro xyanua (HCN) xuất hiện khi nhựa bị đốt cản trở tế bào hô hấp. Đồ gia dụng sử dụng vật liệu vinyl nếu cháy sinh ra phosgene; ở mức độ thấp gây ngứa mắt, viêm họng còn ở mức độ cao gây sưng phổi, tử vong.

Ngoài khói độc, đám cháy giảm oxy trong không khí bằng cách tiêu thụ oxy hoặc thay thế nó với loại khí khác. Oxy xuống dưới nồng độ tiêu chuẩn 21% dẫn đến những tác hại như sau:

Nồng độ oxy trong không khí

Tác hại đến con người

21%

Không có tác hại

17%

Khả năng phối hợp bị ảnh hưởng

12%

Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi

9%

Bất tỉnh

6%

Ngừng thở, ngừng tim, tử vong

Nhiệt cũng là mối đe dọa hệ đến hô hấp. Không khí đạt đến độ nóng nhất định đủ khả năng giết người chỉ bằng một hơi thở!

Để tránh nguy cơ tử vong do khói, trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, bạn hãy nhanh chóng thoát ra bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi rồi di chuyển đến nơi không khí trong lành và kiểm tra hô hấp để kịp thời can thiệp.

Chú ý các dấu hiệu như khàn tiếng, thay đổi giọng nói, thở gấp, đờm đen bởi chúng cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng.

Nạn nhân bị ngạt thở cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Cấp cứu nạn nhân bị ngạt khói

Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim thì chỉ có 4 phút để hành động. Sau đó mỗi phút cơ hội sống của nạn nhân sẽ giảm đi 10%.

Nếu có nhân viên y tế sẽ cho nạn nhân thở mặt nạ oxy liều cao, đặt nội khí quản trợ thở, dùng thuốc ức chế cạnh tranh… Nếu không có nhân viên y tế, cần khẩn trương cấp cứu theo trình tự:

Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt, nhưng phải lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu.

- Gọi thêm người hỗ trợ để sơ cứu cho nạn nhân đồng thời gọi cấp cứu 115.

- Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay. Sau đó phải chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.

BS PHAN QUỐC BẢO (Khoa TMH - BV Đại học Y Dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp