Chính quyền Biden khẳng định Ngoại trưởng Blinken và Washington vẫn quan tâm đến ASEAN, dù bận "tối mắt tối mũi" vì giao tranh bất ngờ bùng phát ở Trung Đông - Ảnh: REUTERS
Theo kế hoạch ban đầu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ họp với những người đồng cấp ASEAN trong lúc bay qua Trung Đông để bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao của báo Foreign Policy cho biết dự định này đã không bao giờ trở thành sự thật. Các ngoại trưởng ASEAN chờ đợi ông Blinken hơn 45 phút, nhưng cuối cùng không thể nói chuyện vì Mỹ không thiết lập được cuộc gọi video bảo mật.
Sự kiện ngày 25-5 cuối cùng đã kết thúc bằng sự thất vọng và khó chịu của một số ngoại trưởng ASEAN.
Nguồn tin của Foreign Policy cho biết ngoại trưởng một số nước đã xem trục trặc kỹ thuật trên là một "sự coi thường chính trị". Các quan chức này cho rằng người Mỹ không thực sự nghiêm túc cho hội nghị với ASEAN và đang dành ưu tiên cho những khu vực khác dù luôn nói "xoay trục sang châu Á".
Sự cố ngày 25-5 khiến Mỹ mất điểm trong mắt các quan chức Đông Nam Á và củng cố cho quan điểm rằng Washington đang né tránh khu vực này, theo Foreign Policy.
Dù Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ tập hợp các đồng minh và đối tác để đối phó với Trung Quốc, chính quyền ông chưa cử quan chức nào cao hơn cấp thứ trưởng đến Đông Nam Á kể từ tháng 1. Trong lúc đó, Trung Quốc, với lợi thế vị trí địa lý gần khu vực, đã liên tục tiến hành các cuộc tiếp xúc với ASEAN.
Trong nỗ lực tái khẳng định các cam kết của Mỹ với Đông Nam Á, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sẽ thăm Thái Lan, Indonesia và Campuchia trong tuần này. Theo truyền thông châu Á, bà Sherman là quan chức ngoại giao cấp cao nhất thăm ASEAN kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Tuy nhiên, chuyến thăm mang nhiều kỳ vọng đã bị phủ bóng vì sự cố kỹ thuật hôm 25-5. Điều này chắc chắn khiến bà Sherman tốn nhiều công sức hơn để trấn an ASEAN và khẳng định về sự nghiêm túc của Mỹ với khu vực.
Quay lại sự cố hôm 25-5, do không thiết lập được cuộc gọi bảo mật cho ông Blinken, nên một số quan chức Mỹ đã đề nghị bà Sherman thay thế. Tuy nhiên đề nghị này bị gạt bỏ vì cho rằng sự xuất hiện của Thứ trưởng Sherman sẽ khiến các ngoại trưởng ASEAN cảm thấy bị xúc phạm.
Một nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã thất vọng đến nỗi bà tắt video trong suốt thời gian chờ đợi. Theo vị này, người Indonesia muốn một cuộc gặp có sự tôn trọng thích hợp từ phía Mỹ, giữa các ngoại trưởng với nhau, chứ không phải ngoại trưởng -thứ trưởng.
Theo Foreign Policy, âm thanh duy nhất mà các ngoại trưởng ASEAN nghe thấy trong suốt 45 phút chờ đợi là tiếng nhân viên cố gắng đóng mở các thiết bị liên lạc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phản bác thông tin này và khẳng định ông Blinken đã nói vài lời với những người đồng cấp Đông Nam Á, bao gồm cả lời xin lỗi vì sự cố kỹ thuật. Các bộ trưởng ASEAN sau đó đã đề xuất dời lại cuộc họp đến khi thiết lập được cuộc gọi video bảo mật.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) đã có các cuộc gặp trực tiếp với các ngoại trưởng ASEAN trong thời gian Mỹ vắng bóng - Ảnh: REUTERS
Mỹ xin lỗi và hứa hẹn
Các quan chức Mỹ khẳng định Washington không có ý định không nghiêm túc và đã làm việc tích cực trong những tuần trước đó để cuộc họp diễn ra.
Theo những vị này, ông Blinken đã làm việc đến khuya trong nhiều ngày để nói chuyện với những người đồng cấp Đông Nam Á, ngay cả khi ông đối mặt với cuộc khủng hoảng giữa Israel và Hamas.
Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, đã thay mặt Ngoại trưởng Blinken gửi lời xin lỗi chân thành tới các ngoại trưởng ASEAN.
"Mỹ cam kết xem trọng vai trò trung tâm của ASEAN và vai trò thiết yếu của ASEAN trong cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - ông Price nói với Foreign Policy - Những điều này được phản ánh trong hơn một chục cuộc gọi cấp cao và các cuộc gặp trực tiếp".
Một cuộc họp cấp bộ trưởng đã được lên lịch vào tuần tới để thay thế cuộc gặp bị hủy hôm 25-5, theo Foreign Policy. Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ khẳng định Washington đã chuẩn bị một loạt cuộc gặp cấp cao với ASEAN để thảo luận về nhiều vấn đề.
Ông Joshua Kurlantzik - học giả về Đông Nam Á - nhận định sự cố lần này khiến Mỹ mất thêm điểm tại khu vực. Mặc dù các quan chức cấp bộ trưởng thường xuyên điện đàm, Tổng thống Biden vẫn chưa gọi cho bất kỳ ai trong số 10 nhà lãnh đạo của ASEAN.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã tìm cách khẳng định Tổng thống Biden coi trọng Đông Nam Á dù ông chưa nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo nào của khu vực.
Họ chỉ ra việc ông Biden đã mời 3 nhà lãnh đạo ASEAN (trong đó có Việt Nam) tham dự hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu hồi cuối tháng 4. Cũng theo nhóm này, Ngoại trưởng Blinken đã điện đàm trực tiếp với 7/10 ngoại trưởng ASEAN và nếu không vì COVID-19, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ tới Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng 6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận