Học sinh các trường THCS, THPT ở TP.HCM nhận bằng khen tại lễ tuyên dương học sinh giỏi 2014-2015 - Ảnh: Như Hùng |
Để nâng cao chất lượng giáo dục của các trường THPT chuyên, Sở GD-ĐT TP cần khắc phục khó khăn về cán bộ giảng dạy. Giáo viên dạy lớp chuyên, bồi dưỡng HS giỏi phải là những giáo viên thật sự tâm huyết với nghề. Vì thu nhập từ công tác bồi dưỡng HS giỏi thấp hơn rất nhiều so với việc dạy ôn thi đại học. Sở GD-ĐT TP cần có cơ chế đặc biệt cho đội ngũ giáo viên này |
Ông NGUYỄN THANH HÙNG (phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) |
Mỗi năm các trường, lớp THPT chuyên của TP.HCM tuyển khoảng 1.700 HS. Tuy nhiên, số HS chuyên tham gia và có giải trong các kỳ thi HS giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật, vận dụng kiến thức liên môn…lại chưa tương xứng với quy mô và chi phí đào tạo HS giỏi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết:
|
- Hiện nay, Sở GD-ĐT TP đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp trong ngành để hoàn thiện đề án đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi của TP nhằm phát triển căn cơ, toàn diện lực lượng này.
Định hướng chung là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP trong tương lai. Kết hợp được giữa yêu cầu thi cử hiện nay và yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của HS giỏi.
* Thưa ông, vì sao HS giỏi ở TP.HCM không mặn mà với kỳ thi HS giỏi quốc gia, mà chủ yếu đặt mục tiêu thi vào đại học hoặc du học?
- Trên thực tế, khi có định hướng tham gia kỳ thi HS giỏi quốc gia, các em HS phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, khối lượng kiến thức và mức độ chuyên sâu của kiến thức là rất cao so với trình độ HS ở THCS, khi bước vào chương trình THPT chuyên.
Một tỉ lệ khá lớn HS khi đậu vào lớp 10 chuyên đã hụt hẫng, khủng hoảng khi tiếp cận với khối lượng và tiến độ học chương trình chuyên. Các em phải dành phần lớn thời gian và sức lực học tập cho môn chuyên, nếu muốn đạt kết quả trong học tập chuyên.
Số HS chuyên đủ sức theo được chương trình môn chuyên chỉ chiếm tỉ lệ không quá 20%, và để tham gia kỳ thi HS giỏi quốc gia có kết quả như mong muốn, thì cường độ học tập của HS phải gia tăng hơn gấp đôi.
Thứ hai, đầu ra tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia và có giải rất hạn hẹp. Mỗi năm, số HS TP được tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia chỉ vào khoảng 200 HS, số HS có giải khoảng 100 HS, chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 5% HS chuyên được tuyển hằng năm; chưa kể chỉ những HS giỏi đoạt giải nhất, nhì mới có thể tương đối chắc chắn được tuyển thẳng vào đại học. Số HS đoạt giải quốc tế hằng năm cũng chỉ dao động trong khoảng từ 1 - 5 HS.
Vì đầu ra rất hẹp của HS chuyên (cả về năng lực chuyên môn và kết quả thi cử) nên việc dạy học ở nhiều lớp chuyên lại đặt nặng vào việc chuẩn bị cho các em thi đại học. Tuy nhiên, chương trình học và thi hiện nay thiên về kiến thức và kỹ năng tính toán khá nặng nề.
Do đó, một bộ phận HS chuyên nói riêng và HS trung học nói chung khi rời trường phổ thông chỉ có một nền tảng kiến thức (mà những kiến thức này nhanh chóng bị rơi rớt và lạc hậu), thiếu hẳn những kỹ năng cơ bản, kỹ năng mềm, phương pháp học tập và làm việc.
Chất lượng giáo dục hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của một bộ phận HS, nên một số em đã tìm đầu ra bằng con đường du học nhờ học bổng tìm được, hoặc du học tự túc.
* Có ý kiến cho rằng ngoài lý do cơ chế thì TP.HCM đang lúng túng trong việc đào tạo HS giỏi. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Việc đào tạo và bồi dưỡng HS giỏi tại TP.HCM thật sự có sự lúng túng trong thời gian khá dài như đã nêu trên, do nội dung đào tạo nặng về kiến thức chuyên sâu và thi cử.
Tuy nhiên, trong vòng 5 năm qua, từ năm 2010 TP.HCM đã dần tính toán, thực hiện việc chuyển đổi về nội dung và phương thức đào tạo HS giỏi. Các trường đã phân chia HS chuyên theo từng nhóm có trình độ khác nhau để có hình thức đào tạo, bồi dưỡng riêng biệt, phù hợp.
Tiếp đó là triển khai các hoạt động dạy học tích cực trong HS chuyên, để rèn luyện tính năng động, tích cực trong học tập như dạy học theo dự án, dạy học tích hợp. Hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong HS chuyên theo các đề tài gắn bó, gần gũi với môn học chuyên cũng được kích hoạt. Mô hình này thời gian đầu chưa phát triển, nhưng hiện nay đã dần thu hút các HS chuyên tham gia ngày càng nhiều hơn.
* Như vậy, thời gian tới Sở GD-ĐT TP sẽ có những thay đổi như thế nào trong việc đào tạo HS chuyên nói riêng và học sinh giỏi nói chung, thưa ông?
- Các trường sẽ chọn lọc trong đội ngũ HS chuyên những HS có tố chất, năng lực về chuyên môn để đào tạo theo định hướng nghiên cứu lý thuyết, thi HS giỏi quốc gia và quốc tế.
Ngoài lực lượng giáo viên bồi dưỡng HS giỏi của các trường chuyên, sẽ thỉnh giảng giáo viên, giảng viên có nhiều kinh nghiệm bồi dưỡng HS giỏi. Về hình thức tổ chức bồi dưỡng HS giỏi cũng thay đổi (làm chuyên đề, seminar) nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của HS trong học tập, rèn luyện.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi phát triển toàn diện theo định hướng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể là: đào tạo các kỹ năng cơ bản (pháp luật, gia đình, giới tính, nghề nghiệp...), kỹ năng mềm (nghiên cứu, tư duy, làm việc, giao tiếp, tự học...), kỹ năng công cụ (ngoại ngữ, tin học...).
HS được giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống thông qua những hoạt động thực tiễn vì cộng đồng ngay từ khi còn ở nhà trường; giáo dục tri thức và năng lực hoạt động thực tiễn thông qua việc học tập, tìm hiểu, vận dụng kiến thức vào việc giải quyết những vấn đề ngay trong thực tiễn cuộc sống (qua các phương pháp dạy học tích cực, nghiên cứu khoa học...).
Chuyển đổi từ yêu cầu học cái gì sang học như thế nào, và học để làm gì. Bên cạnh đó, HS cũng được giáo dục thể chất (kết hợp giữa học tập thể dục và rèn luyện thể thao) và giáo dục thẩm mỹ.
TP.HCM hiện có 2 trường chuyên là THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa; 7 trường có lớp chuyên là THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Gia Định, THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Nguyễn Hữu Huân, THPT Nguyễn Hữu Cầu, THPT Trung Phú, THPT Củ Chi. Số HS tuyển vào các lớp chuyên của các trường này hằng năm vào khoảng 1.200 HS. Nếu kể cả số HS chuyên của Trường phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TP.HCM và Trung học thực hành Đại học Sư phạm được tuyển mỗi năm khoảng 500 HS, thì số HS chuyên được tuyển hằng năm khoảng 1.700 HS. Số HS chuyên trong các trường THPT tại TP.HCM hằng năm vào khoảng 5.000 HS. |
* Ông Phạm Châu Tuấn (phụ huynh của Phạm Tuấn Huy, HS từng đoạt 2 huy chương vàng toán quốc tế) Nhiều phụ huynh không cho con vào đội tuyển Hồi đó, rất nhiều bạn bè, người thân của tôi đều can ngăn việc tôi cho con học lớp chuyên toán, để đi thi HS giỏi các cấp. HS rất khó lọt được vào đội tuyển đi thi Olympic quốc tế, việc đoạt giải nhất kỳ thi HS giỏi quốc gia cũng không dễ. Trong khi đó, việc ôn luyện để đi thi quốc gia, quốc tế thì rất vất vả và cực khổ. Nếu không được chọn vào đội tuyển, quay trở về học các môn khác để thi đại học sẽ rất cực, thậm chí còn theo không kịp các bạn... May là Huy quyết tâm, hứa với tôi: “Nếu rớt Olympic, quay về con chỉ cần học một tháng là theo kịp các bạn” nên tôi mới cho Huy tham gia đội tuyển. Vì vậy, sẽ có rất nhiều phụ huynh cho con thi và học lớp chuyên, nhưng không cho tham gia đội tuyển để thi HS giỏi. * Cô Nguyễn Thị Thu Cúc (hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TP.HCM) Bảo đảm cho các em không bị “hẫng” Nỗi lo lớn nhất của phụ huynh và HS giỏi hiện nay là sau một thời gian dài tập trung cho việc học để đi thi HS giỏi, khi trở về các em dễ bị “hẫng” với các môn còn lại. Vì vậy, ở Trường THPT Gia Định, sau khi HS đi thi HS giỏi trở về, nhà trường sẽ sắp xếp để các em được bồi dưỡng cấp tốc kiến thức các môn học khác để theo kịp bạn bè và theo kịp chương trình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận