08/02/2017 21:15 GMT+7

Vì sao Hà Nội xin hạ đê sông Hồng?

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - UBND TP Hà Nội đề nghị hạ cao trình mặt đê tại đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ dương 12,4m để xây công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thỏa thuận phương án thiết kế dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Theo văn bản, UBND TP Hà Nội đề nghị cho hạ cao trình mặt đê tại đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ dương 12,4m để xây dựng công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên.

Đây là một trong những công trình giao thông cấp bách, trọng điểm có vai trò giảm ùn tắc giao thông của TP đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù.

Theo UBND TP Hà Nội, với cao độ hạ đê đất đến dương 12,4m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu.

Phương án này sẽ mở rộng mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông, tạo cảnh quan đô thị cho tuyến phố.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, hiện thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện Hòa Bình, Sơn La, thủy điện Lai Châu. Các đập này có chức năng điều tiết lưu lượng nước trên sông Hồng, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng đoạn qua địa bàn TP Hà Nội.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng cho rằng theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, cũng như định hướng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang triển khai nghiên cứu, trong tương lai Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến đường chạy ven sông.

Tuyến đường này sẽ tham gia hỗ trợ phòng chống lũ cho tuyến đê hữu sông Hồng hiện trạng. Do vậy, tuyến đê hiện trạng có thể xem xét hạ cao trình mặt đê đất để phục vụ giao thông cho TP.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Phú Mỹ - giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội lý giải: “Việc xin hạ cao trình mặt đê đất không phải là hạ chiều cao đê thấp xuống, mà xin làm tường bê tông phía ngoài bằng với chiều cao bề mặt đê, thay cho bề mặt đê, còn nửa phía trong tường thì hạ nền thấp xuống để tổ chức giao thông”.

GS. Vũ Trọng Hồng, chủ tịch Hội Thủy lợi VN cho biết cao trình đê sông Hồng được Thủ tướng phê duyệt là 13,4m, trong đó cao trình đê có mực nước thiết kế là 12,4m.

Ông Hồng nói: “Tôi được biết Hà Nội vẫn giữ cao trình đê như Thủ tướng phê duyệt ở đỉnh đê là 13,4m, nhưng xin làm tường bê tông để chắn sóng thay vì dùng đỉnh đê mặt đất 13,4m như trước đây.

Tới giai đoạn bàn giải pháp chống thấm, chống trượt ở mặt tường bê tông thì các chuyên gia sẽ có ý kiến. Việc chống thấm, chống trượt ở mặt tường bê tông là vấn đề còn phải bàn tiếp. Tuy nhiên, trong thuỷ lợi, việc sử dụng tường bê tông chắn sóng sẽ tốt hơn nếu có lũ to”.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp