16/05/2024 09:15 GMT+7

Vì sao giá vé máy bay quá cao?

Có nghịch lý cùng thời gian bay, ngày bay nhưng giá vé nội địa của các hãng hàng không Thái Lan lại rẻ hơn ở Việt Nam. Sau đợt thanh tra của cơ quan chức năng, các hãng bay đã mở nhiều vé rẻ nhưng vẫn cao so với Thái Lan. Vì sao?

Hành khách đáp chuyến bay nội địa từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) -  Ảnh: T.T.D.

Hành khách đáp chuyến bay nội địa từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Theo các hãng hàng không, giá vé máy bay có xu hướng tăng trong thời gian tới, đặc biệt dịp cao điểm hè, nhưng vẫn thấp hơn giá trần.

Tuy nhiên, khách hàng vẫn bức xúc khi cùng thời gian bay, chi phí bay đến Thái Lan, Malaysia lại rẻ hơn gần một nửa so với bay nội địa và nghi ngờ hãng bay nhìn nhau tăng giá.

Giá vé máy bay Thái Lan thấp hơn Việt Nam?

Chị Hải Yến (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chuyên buôn hàng thị trường Thái Lan, cho biết hàng không Thái Lan thú vị khi có nhiều lựa chọn.

Chẳng hạn bay nội địa từ Bangkok sang các địa điểm khác, ở các khung giờ đều có chuyến bay của nhiều hãng.

"Có chuyến bay từ sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok đến Phuket, tôi mua vé giá chỉ 900.000 - 1,2 triệu đồng. Thậm chí giá vé từ TP.HCM sang Bangkok còn rẻ hơn TP.HCM đi Đà Nẵng", chị Yến nói.

Khi so sánh bay nội địa trên các chuyến bay của Thái Lan so với bay nội địa của hãng hàng không Việt Nam, nhiều khách hàng cho biết dù có cùng khoảng cách và giờ bay nhưng giá vé của một số chặng bay nội địa tại Thái Lan rẻ hơn rất nhiều so với bay nội địa tại Việt Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện hãng bay trong nước thừa nhận có thời điểm giá vé máy bay nội địa Thái Lan rẻ hơn ở Việt Nam.

Theo vị này, một trong những lý do là khoảng cách bay của các chặng bay nội địa ở Thái Lan rất ngắn. Ví dụ Bangkok tỏa đi các điểm nội địa tại Thái Lan khoảng 1 giờ 15 phút - 1 giờ 30 phút trở lại, trong khi đường bay nội địa Việt Nam dài nhất 2 - 2,5 tiếng.

Do đó, chi phí của các hãng hàng không Việt Nam cao hơn Thái Lan rất nhiều. Chưa kể các hãng bay Thái Lan có nguồn khách khá linh hoạt, đặc biệt khách du lịch dồi dào, để có thể điều chỉnh giá vé.

"Các chuyến bay nội địa tuy bay ngắn nhưng khách đi lại liên tục, trên chuyến bay nội địa Thái Lan phần lớn là khách quốc tế", vị này nói. Ngoài ra theo một chuyên gia ngành hàng không, các chi phí khách phải trả trong một vé máy bay của Thái Lan rất ít hoặc giá rẻ hơn so với hãng bay nội địa Việt Nam. Chẳng hạn chuyến bay TG201 ThaiAirways chặng Bangkok đến Phuket giá vé 1,5 triệu đồng, phí và phụ phí gần 91.000 đồng, tổng giá vé khách phải trả là 1,6 triệu đồng.

Trong khi đó với bay nội địa tại Việt Nam, chẳng hạn như chặng Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé Vietnam Airlines 1,3 triệu đồng, thuế phí và phụ phí 675.000 đồng, tổng số tiền khách phải trả một vé máy bay nội địa 1,9 triệu đồng.

Tương tự Vietjet và Bamboo Airways, giá vé rẻ nhưng các loại thuế, phụ phí chiếm tới 50 - 60% tổng vé máy bay.

Thiếu cạnh tranh, nhìn nhau tăng giá?

Trong thực tế thị trường hàng không Thái Lan đang cạnh tranh khốc liệt khi có đến 8 - 12 hãng bay đang hoạt động. Việt Nam chỉ có khoảng 3 - 4 hãng hoạt động, trong đó có hai hãng chiếm đến 90% thị phần gồm một hãng quốc gia và một hãng giá rẻ.

Điều này dẫn đến thiếu cạnh tranh như Thái Lan. Theo lãnh đạo một hãng bay Việt Nam, lượng khách không đông như Thái Lan nên bài toán chi phí bay "lệch đầu" của hãng bay Việt Nam thường xuyên không hiệu quả.

Thị trường Thái Lan hưởng lợi từ khách quốc tế đi lại đông, hãng bay cạnh tranh và giảm chi phí khi bay hai chiều đều có khách.

"Năm nay, mặt bằng giá vé máy bay tăng do thiếu tàu bay. Bình thường mọi năm bay rợp trời nhưng nay tải cung ứng mất đi khoảng 40 máy bay, chưa kể hãng Bamboo Airways và Pacific Airlines thu hẹp đội tàu, từ đó tải hụt, giá vé theo cung - cầu sẽ tăng", vị này nói.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng hàng không Việt Nam đang thiếu tính cạnh tranh.

"Khi thị trường nội địa gần như nằm trong tay của hai hãng Vietnam Airlines và Vietjet, không tránh khỏi lo ngại nhìn nhau điều chỉnh giá vé, triệt tiêu tính cạnh tranh. Giá vé tiếp tục tăng cao, người dân phàn nàn, cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết thay vì đến hẹn lại kêu", ông Tống nói.

Do đó theo các chuyên gia hàng không, cần thêm những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành hàng không để tăng tính cạnh tranh.

Giai đoạn 2006 - 2007 từng đánh dấu sự sôi động của hàng không Việt Nam khi có hàng loạt hãng hàng không tư nhân được cấp phép, gia nhập thị trường từ Indochina Airlines, Trai Thien Air Cargo, Air Mekong, Blue Sky... Tuy nhiên, những cái tên này đến nay đều không còn hoạt động hoặc chưa từng cất cánh.

Indochina Airlines được thành lập vào tháng 5-2008 với nhiều kỳ vọng nhưng chỉ sau gần một năm đã gặp khó khăn và phải thu hẹp dần mạng lưới. Khó khăn về tài chính khiến hãng rơi vào cảnh nợ nần.

Đến cuối năm 2011, hãng bay xin ngừng cất cánh và cuối năm này Bộ Giao thông vận tải chính thức rút giấy phép của Indochina Airlines. Một cái tên khác cũng từng bay trên thị trường nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn là Air Mekong.

Hàng không Việt Nam hiện có sáu hãng bay gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines, Vasco.

Trong thực tế chỉ có Vietnam Airlines, Vietjet khai thác rộng về mạng bay nội địa và quốc tế, các hãng khác đang thu hẹp quy mô do khó khăn về tài chính và không còn máy bay.

Ông Bùi Doãn Nề, tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), cho rằng cần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thị trường hàng không Việt Nam, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Khảo sát của Tuổi Trẻ ở một số đường bay nội địa trong giai đoạn hè 2024, giá vé của các hãng bay chênh nhau chỉ vài trăm ngàn đồng, cạnh tranh gần như mờ nhạt về mức giá.

Chẳng hạn chặng bay TP.HCM - Phú Quốc giữa tháng 6, Vietnam Airlines bán giá 1,7 triệu đồng/vé, Vietjet chỉ rẻ hơn 100.00 - 200.000 đồng, thậm chí có chuyến bay giá cao hơn so với Vietnam Airlines.

Tương tự Bamboo Airways giá 1,6 - 1,7 triệu đồng/vé. Trên đường bay TP.HCM - Nha Trang, các hãng bán giá vé không quá chênh lệch: 1,2 - 1,5 triệu đồng/vé. Dù dịch vụ, phân khúc khách hàng mỗi hãng khác nhau nhưng giá vé gần như gần bằng nhau.

So với giai đoạn 2018 - 2020 khi có sự tham gia cạnh tranh của Bamboo Airways, cạnh tranh về giá và dịch vụ của ba hãng gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways rất rõ ràng, khách hàng hưởng lợi từ cạnh tranh về giá.

Các nước Đông Nam Á căng thẳng với giá vé máy bay

Ghi nhận cho thấy giá vé máy bay tăng cao đã trở thành "chuyện không của riêng ai" trên toàn thế giới.

Đài CNN dẫn dữ liệu tổng hợp từ trang Skyscanner Travel Insight cho thấy giá vé máy bay trung bình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tháng 2-2024 tăng đến 33% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này cao hơn mức tăng ở Bắc Mỹ (17%) và châu Âu (12%).

Với việc lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, Thái Lan đang phải đau đầu giải quyết vấn đề giá vé máy bay liên tục tăng mạnh từ sau đại dịch COVID-19.

Vào cuối tháng 2, tại buổi làm việc với sáu hãng hàng không trong nước nhằm tìm phương án giảm giá vé máy bay, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) đã yêu cầu các hãng bay tăng số chuyến trong các giai đoạn cao điểm như dịp Tết Songkran, mùa hè...

Giám đốc điều hành (CEO) Thai AirAsia Santisuk Klongchaiya cho biết hãng này dự kiến tăng cường số chuyến bay đêm hoặc sáng sớm để cung cấp thêm lựa chọn phải chăng cho khách hàng.

Ngoài ra CAAT cũng yêu cầu các hãng tăng cường sử dụng mạng xã hội để vận động người tiêu dùng đặt vé máy bay sớm để nhận mức giá hợp lý nhất.

Trong khi đó, Malaysia vẫn duy trì chính sách để thị trường chi phối hoàn toàn giá vé máy bay, không áp giá trần trừ trường hợp nhu cầu tăng đột biến.

Trước đó, cuối năm 2023, Hiệp hội Hãng hàng không quốc gia Indonesia (INACA) yêu cầu chính phủ ngừng áp giá trần để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Các hãng bay khó ghim vé rẻ, tăng vé giá cao

Khách đến mua vé máy bay tại phòng vé ở TP.HCM vào chiều 15-5  - Ảnh: T.T.D.

Khách đến mua vé máy bay tại phòng vé ở TP.HCM vào chiều 15-5 - Ảnh: T.T.D.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Huy Cường - nguyên phó cục trưởng Cục Hàng không - cho biết với giá vé hạng thương gia và hạng phổ thông đặc biệt, Nhà nước không quản lý theo giá trần vì có nhiều hành khách chấp nhận chi trả cao hơn để có dịch vụ tốt hơn khi đi máy bay.

Tuy nhiên, số ghế theo các hạng vé trên từng máy bay là cố định và được Cục Hàng không phê duyệt theo cấu hình từng máy bay nên không khống chế tỉ lệ các hạng vé.

Cụ thể, với máy bay loại lớn như Boeing 787 có sức chở hơn 300 hành khách, các hãng bố trí 24 - 28 ghế hạng thương gia, 35 ghế phổ thông đặc biệt, còn lại là ghế hạng phổ thông. Máy bay Airbus A321 có sức chở khoảng 200 hành khách, được bố trí 8 - 16 ghế hạng thương gia, còn lại là hạng phổ thông.

"Cấu hình ghế máy bay là cố định vì đã được Cục Hàng không phê duyệt trước khi lắp đặt. Hãng muốn thay đổi cấu hình các hạng ghế, phải xin phép cục nên không thể hôm nay lắp ghế hạng phổ thông, ngày mai tháo ra để tăng hạng ghế giá cao.

Do đó, hãng hàng không không thể hạn chế bán lượng vé phổ thông để tăng vé hạng thương gia và hạng phổ thông đặc biệt trên chuyến bay", ông Cường nói.

Vì sao vé máy bay được mua vào những ngày sát lễ, Tết chỉ thấy toàn hạng giá cao? Theo ông Cường, các hãng mở bán theo nguyên tắc vé mở bán càng xa ngày bay giá vé càng rẻ.

Càng sát giờ bay, mở dần giá vé cao hơn. Do vậy, khi lượng vé giá rẻ được nhiều người mua sớm, những người mua muộn sẽ thấy toàn vé có mức giá cao hoặc chỉ còn hạng phổ thông đặc biệt, hạng thương gia.

"Các hãng bay Việt Nam thường có 7 - 20 dải giá vé máy bay hạng phổ thông nội địa. Hãng mở bán vé chuyến bay trước sáu tháng và tính theo giờ bay, ngày cao điểm, thấp điểm trong tuần, trong tháng để quyết định mở bán từng hạng vé.

Việc mở bán tuần tự các mức giá để hãng tính toán nguồn lực trong tương lai bố trí bao nhiêu máy bay, tần suất bay thế nào để có kế hoạch khai thác phù hợp. Vì vậy, hành khách chờ sát ngày bay để mua vé thì sẽ khan hiếm vé rẻ", ông Cường phân tích.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp, thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17 - 25% so với năm 2019.

Đơn vị này cũng dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3 - 7% trong năm 2024 và tiếp tục tăng trong các năm tới.

Cũng theo cơ quan này, so sánh giá vé giữa Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác vào ngày bay là 8-5-2024 (thời điểm tra cứu là ngày 1-4-2024) cho thấy giá vé/km trên các chặng nội địa của Vietnam Airlines đang áp dụng ở mức tương đương với các hãng trong khu vực Đông Nam Á, và thấp hơn đáng kể so với các hãng châu Âu và Bắc Mỹ.

Khó tìm vé máy bay giá rẻ dịp hèKhó tìm vé máy bay giá rẻ dịp hè

Lo ngại giá vé máy bay tăng cao, nhiều khách hàng đã tranh thủ mua vé dịp hè sớm đều thất vọng vì khó tìm được giá vé rẻ dù đặt trước ngày bay 2-3 tháng. Giai đoạn hè từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 9, các hãng bay vẫn neo giá ở mức khá cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp