05/10/2024 13:01 GMT+7

Vì sao gặp khó khi tập bơi sải?

Cựu kình ngư nổi tiếng từng giành 2 HCV SEA Games, nay là VĐV 3 môn phối hợp Lâm Quang Nhật chia sẻ về những thách thức người tập bơi gặp phải khi bắt đầu tập bơi sải.

Vì sao gặp khó khi tập bơi sải? - Ảnh 1.

Không phải ai cũng cảm thấy dễ dàng khi tập bơi sải - Ảnh: ISTOCK

Trọn bộ động tác bơi sải với tôi là gồm 6 động tác: ôm nước - kéo nước - đẩy nước - rút chỏ - đưa tay về trước - đưa tay vào nước.

Thật ra có thể HLV của bạn hoặc kiến thức bạn được học sẽ khác với 6 động tác này, vì trên đời có rất nhiều phong cách sư phạm bơi khác nhau. Có người sẽ gộp 3 động tác sau lại thành 1 động tác gọi là kéo tay về, hoặc khác nữa.

Do phong cách ngay từ đầu tôi chọn đã là bơi kỹ thuật, do đó tôi sẽ chia nhỏ các động tác của bơi sải ra. Và đương nhiên đã gò kỹ thuật thì sẽ học lâu hơn học gộp.

Có nhiều người sẽ gặp trường hợp là bơi không đi, dù làm hết các bước rồi, nhưng không tiến lên được, hoặc chậm lắm.

Thường vấn đề của mọi người gặp khi học bơi sải là bộ 3 động tác đầu tiên: ôm - kéo - đẩy. Đây là 3 động tác mà tay chúng ta thao tác ở dưới nước.

Theo quan điểm của tôi, bộ 3 động tác này chiếm 70% mức độ quan trọng. Tức là nếu như mọi người học bơi cho khỏe, chỉ cần bơi được thôi, không cần bơi quá dài, không có nhu cầu "vượt trội" thì học nhiêu đây là ổn rồi.

Nhưng mấu chốt của việc bơi đẹp hay không đẹp lại nằm ở 3 động tác sau, là 3 động tác trên mặt nước: rút chỏ - đưa tay về trước - đưa tay vào nước. Ngoài việc bơi đẹp ra, còn giúp vai, tay mình đỡ mỏi và có thể bơi được dài hơn, lâu hơn.

Tôi từng chia sẻ là có 2 dạng tăng tốc độ: một là chú trọng lực tay, hai là tần số. Tôi chú trọng lực tay chứ không cần quạt thật nhanh, thật nhiều.

Khi tần số không quá cao, 3 động tác sau mới dễ gò được, và bơi đẹp. Còn nếu phong cách người bơi đã chọn là đẩy tốc độ bằng tần số, họ không thể dành thời gian cho 3 động tác sau.

Tôi cũng đặt cho học viên của mình những "luật" riêng: ở vài trăm mét đầu tiên thì vừa bơi phải vừa đọc "thần chú" ôm - kéo - đẩy, không được quạt tay quá nhanh.

Vì sao gặp khó khi tập bơi sải? - Ảnh 3.

Kình ngư Lâm Quang Nhật giờ là VĐV ba môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ) - Ảnh: FBNV

Chẳng ai đánh giá mình bơi xấu hay bơi đẹp, nhưng đây là chiến lược mà tôi luôn tin tưởng áp dụng cho học viên người lớn phong trào để bơi được dài.

Trong công tác huấn luyện, tôi cũng thường chú trọng 3 động tác đầu tiên trước là ôm - kéo - đẩy dưới nước.

Học 70% quan trọng nhất trước, làm tốt 70% đó rồi gò tới 30% còn lại. Tôi nghĩ trong 5 yếu tố thể chất (sức mạnh, sức nhanh, sức bền, độ dẻo và phối hợp vận động) thì phối hợp vận động là yếu tố mà phần đông người Việt Nam mình yếu nhất. Nên nghe 3 động tác nghĩ ít thế thôi, chứ ghép vào với đầu, lưng, chân là rất khó.

Đối với nhiều người, bơi là bộ môn rất đơn giản, học 3-4 buổi là bơi được. Nhưng cho dù là cựu vô địch bơi châu Á lứa tuổi, hay cựu vô địch Đông Nam Á, thì với tôi, bơi lội vẫn là bộ môn đầy kỹ thuật và yêu cầu tập luyện cao.

Nếu bản thân mình yêu thích, đam mê bơi lội, thì phải dành sự nghiêm túc, tôn trọng khi tập luyện nó. Bắt đầu từ việc làm đúng những động tác cơ bản nhất khi bơi.

Lâm Quang Nhật sinh năm 1997, từng giành 2 HCV và 1 HCB SEA Games ở nội dung bơi tự do 1.500m nam. Năm 2019, Nhật chuyển sang thi đấu 3 môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ) và hiện là VĐV số 1 của Việt Nam ở bộ môn còn khá mới mẻ này.

Gần đây nhất, Lâm Quang Nhật lập được kỷ lục khi tham dự Giải bơi biển quốc tế OCEANMAN Cam Ranh Việt Nam 2024.

Vì sao gặp khó khi tập bơi sải? - Ảnh 4.Bơi sải để tay chữ S hay chữ L?

Cựu kình ngư từng hai lần vô địch SEA Games, nay là VĐV 3 môn phối hợp Lâm Quang Nhật chia sẻ thú vị về động tác tay chính xác khi bơi sải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp