Biểu tượng của Facebook - Ảnh minh họa: REUTERS
"Có hiệu lực vào ngày 1-10, năm 2020, mục 3.2 trong Điều khoản dịch vụ của chúng tôi sẽ được cập nhật bao gồm: Chúng tôi có thể xóa hoặc hạn chế truy cập đối với nội dung, dịch vụ hay thông tin của các bạn, nếu chúng tôi xác định rằng việc làm này hợp lý và cần thiết nhằm tránh hoặc giảm thiểu bất lợi về pháp lý và tác động từ các quy định lên Facebook", thông báo gần đây của Facebook viết.
Dòng thông báo trên xuất hiện ở trang chủ của người dùng Facebook, và giới quan sát nhận xét rằng đây là động thái bất thường, do Facebook không thường xuyên đưa ra những cập nhật cụ thể như thế theo cách đó.
Thông điệp của Facebook đã dấy lên suy đoán rằng mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang chuẩn bị cho một đợt xóa, kiểm duyệt những nội dung bị phản đối. Thậm chí có người nghĩ rằng Facebook đang cố gắng dập tắt quyền tự do trao đổi ý kiến trước thềm cuộc bầu cử ở Mỹ.
Thông báo gần đây của Facebook - Ảnh chụp màn hình
Bên cạnh vấn đề chia sẻ tin tức giả mạo trước bầu cử Mỹ, hiện nay một số phân tích cho rằng động thái của Facebook liên quan trực tiếp tới vụ rắc rối của nền tảng mạng xã hội này tại Úc.
Các nghị sĩ Úc đã đề xuất một quy định cho phép các nhà xuất bản, tòa soạn yêu cầu các công ty dịch vụ mạng xã hội như Facebook phải trả tiền cho nội dung được chia sẻ trên nền tảng ấy trong một số trường hợp. Nói cách khác, ví dụ trên Facebook có chia sẻ nội dung bài viết hay video của tờ báo Úc Sydney Morning Herald, thì trong một số trường hợp Facebook phải trả tiền cho báo này.
Đầu tuần này, Facebook thể hiện sự phản đối bằng cách dọa sẽ ngăn người dùng ở Úc chia sẻ tin tức trên mạng xã hội này, nếu đề xuất trên được ký thành luật.
Nhưng chuyện không chỉ liên quan tới thị trường Úc. Facebook được cho đã nhìn vấn đề xa hơn, rộng hơn, khi lo ngại hiệu ứng domino. Nếu họ phải trả tiền cho báo chí ở Úc, điều này sẽ tạo ra một sự thay đổi mấu chốt trong động lực kinh tế của các nền tảng phát triển nội dung do người dùng chia sẻ như Facebook. Lâu nay, người dùng Facebook hay YouTube đều chia sẻ nội dung để đổi lại là sự tương tác của người xung quanh, những cú nhấp chuột…
Trong một tuyên bố về vấn đề này, một phát ngôn viên của Facebook cho biết: "Lần cập nhật trên toàn cầu này cung cấp cho chúng tôi thêm sự linh hoạt để thay đổi dịch vụ, bao gồm tại Úc, nhằm tiếp tục hoạt động và hỗ trợ người dùng của chúng tôi trong việc ứng phó với những quy định hay hành động pháp lý tiềm năng".
Trên thực tế, giới quan sát hiện nay cho rằng thông báo mới của Facebook sẽ ít khả năng đánh dấu một sự thay đổi quá lớn nào đó về chính sách hoạt động. Tuy nhiên, cái Facebook thực sự muốn chia sẻ là tạo cho người dùng cảm giác trải nghiệm mạng xã hội của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dùng.
Nói cách khác, Facebook muốn biến những người làm luật - ít nhất ở Úc, trở thành vai phản diện trong quy định đề xuất trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận