02/02/2023 15:01 GMT+7

Vì sao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị phạt lãi vay chậm trả 740.000 USD?

Theo Bộ Giao thông vận tải, nhiều vướng mắc liên quan về thủ tục pháp lý trong việc bố trí nguồn vốn trả nợ chưa kịp thời khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phát sinh lãi phạt chậm trả 740.263 USD.

Vì sao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị phạt lãi vay chậm trả 740.000 USD? - Ảnh 1.

Sau 1 năm khai thác, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chở được gần 7,3 triệu lượt hành khách - Ảnh: NAM TRẦN

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phát sinh 740.000 USD lãi phạt chậm trả

Ngày 1-2, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc lãi phạt chậm trả của hợp đồng cho vay lại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 13934/BGTVT về việc lãi phạt chậm trả của hợp đồng cho vay lại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu bộ này làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thẩm quyền và quy định pháp luật, ý kiến các bộ, cơ quan liên quan để kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, trong văn bản số 12934/BGTVT gửi Thủ tướng ngày 28-12-2022, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Bộ đã hoàn thành thủ tục đối chiếu số liệu nhận nợ và trả nợ khoản vay để bàn giao UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của người vay lại (không bao gồm lãi phạt chậm trả của dự án).

Ngày 17-6-2022, Bộ Tài chính có thông báo Bộ Giao thông vận tải cần thực hiện trả nợ cho Bộ Tài chính khoản phát sinh 740.263 USD liên quan đến lãi phạt chậm trả của dự án này.

Đã trả nợ 772 tỉ đồng từ tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.001 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (tương đương 669,62 triệu USD), vốn đối ứng là 198,42 triệu USD (tương đương 4.134 tỉ đồng).

Phần vốn vay Trung Quốc bao gồm 3 hiệp định vay: hiệp định tín dụng ưu đãi Chính phủ trị giá 1,2 tỉ NDT (tương đương 169 triệu USD), trả nợ gốc từ ngày 21-9-2015; hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua trị giá 250 triệu USD, trả nợ gốc từ ngày 21-1-2016; hiệp định tín dụng ưu đãi Chính phủ bổ sung trị giá 1,598 tỉ NDT (tương đương 250,62 triệu USD), trả nợ gốc từ 21-3-2023.

Cơ chế tài chính dự án thực hiện theo phê duyệt của Thủ tướng. 

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho Ban Quản lý dự án đường sắt ký thỏa thuận vay lại đối với phần vốn vay nước ngoài cho các hạng mục liên quan tới khai thác, vận hành kinh doanh vận tải của dự án với cơ quan cho vay lại. Bộ có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản phí liên quan trong giai đoạn xây dựng và cho tới khi hoàn thành. 

UBND TP Hà Nội tiếp nhận dự án để khai thác và nhận nợ vay lại trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án, hoàn trả ngân sách nhà nước số vốn đã được bộ ứng ra để trả khoản vay lại.

Với cơ chế tài chính như trên và theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án để bố trí vốn trả nợ gốc phần vốn vay lại. Tổng số vốn Bộ Giao thông vận tải đã bố trí từ tổng mức đầu tư dự án để trả nợ phần vốn vay lại trong giai đoạn xây dựng là hơn 772 tỉ đồng (hơn 33,734 triệu USD).

Vướng mắc thủ tục pháp lý về nguồn trả nợ gốc nên bị phạt

Tuy nhiên, theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và kết luận của Kiểm toán Nhà nước, việc tiếp tục bố trí vốn ngân sách từ tổng mức đầu tư dự án để trả nợ gốc như đề xuất của Bộ Tài chính vào tháng 8-2016 là chưa phù hợp.

Để có nguồn vốn trả nợ, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị Thủ tướng xem xét, bổ sung danh mục "trả nợ gốc các hiệp định vay của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông" trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn để trả nợ.

Nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc sử dụng vốn ngân sách trung ương thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn để trả nợ gốc không phù hợp với quy định "mức vốn bố trí cho từng chương trình, dự án không vượt quá tổng mức vốn của chương trình, dự án đã được phê duyệt" của Luật đầu tư công.

Do chưa có nguồn vốn để trả nợ gốc đến hạn, Bộ Tài chính đã phải ứng hơn 224 tỉ đồng từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ gốc của 9 kỳ hạn trả nợ sau ngày 21-1-2020.

Sau khi dự án được bàn giao cho UBND TP Hà Nội khai thác sử dụng, UBND TP Hà Nội đã hoàn trả ngân sách nhà nước số vốn đã được Bộ Giao thông vận tải ứng ra để trả nợ trong giai đoạn xây dựng là hơn 756 tỉ đồng; hoàn trả hơn 224 tỉ đồng cho Quỹ tích lũy trả nợ đã được Bộ Tài chính ứng trả nợ dự án.

Về nguyên nhân phát sinh tiền lãi phạt chậm trả, Bộ Giao thông vận tải cho biết sau khi ký hợp đồng vay lại, dự án còn có nhiều vướng mắc liên quan về thủ tục pháp lý trong việc bố trí nguồn vốn trả nợ gốc từ kế hoạch vốn trung hạn và kế hoạch vốn hằng năm. Cho nên tại một số kỳ trả nợ chưa bố trí kịp thời nguồn vốn trả nợ gốc dẫn đến phát sinh lãi phạt chậm trả theo quy định của hợp đồng cho vay lại.

Bên cạnh đó, đến kỳ trả nợ ngày 21-1-2020, số vốn bố trí trong tổng mức đầu tư đã sử dụng hết (398/400 tỉ đồng). Việc tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để bố trí vốn trả nợ gốc sẽ vướng mắc thủ tục pháp lý đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Do vậy, bộ này không có nguồn vốn để trả nợ.

Đến nay số tiền lãi phạt chậm trả của hiệp định 250 triệu USD là hơn 421.000 USD do chậm 606 ngày thuộc 5 kỳ đến hạn trả nợ. Còn lãi phạt chậm trả của hiệp định 1,2 tỉ NDT và hiệp định 1,598 tỉ NDT (từ kỳ 21-3-2019 đến kỳ 21-9-2021) là hơn 318.000 USD do chậm 1.094 ngày.

Kiến nghị Thủ tướng cho phép không áp dụng lãi phạt chậm trả

Bộ Giao thông vận tải cho biết đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam, có tính chất phức tạp về yêu cầu kỹ thuật, giải phóng mặt bằng chậm… dẫn đến dự án chưa đưa vào khai thác đã phải trả nợ, việc bố trí vốn trả nợ khó khăn, dẫn đến phát sinh lãi phạt chậm trả.

Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đường sắt là đơn vị được bộ ủy quyền đứng ra đại diện cho bên vay lại để ký hợp đồng vay lại để thực hiện đầu tư, kết thúc đầu tư được bàn giao cho Công ty Metro Hà Nội để khai thác kinh doanh.

Ban quản lý dự án không phải là doanh nghiệp/đơn vị sự nghiệp công lập nên không có nguồn thu để trả nợ. Do vậy, việc Ban quản lý dự án này được ủy quyền ký kết hợp đồng cho vay lại để thực hiện nhận và trả nợ gốc khoản vay lại trong thời gian thực hiện dự án là cơ chế tài chính đặc thù.

Theo ý kiến của Bộ Tài chính, việc xem xét xóa một phần nghĩa vụ bao gồm lãi, lãi phạt chậm trả của dự án không đủ điều kiện thực hiện theo quy định điều 38 của nghị định số 97/2018/NĐ- CP về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng xem xét chấp thuận cho phép không áp dụng lãi phạt chậm trả đối với hợp đồng cho vay lại trong giai đoạn xây dựng đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đề xuất gia hạn đến cuối năm 2023Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đề xuất gia hạn đến cuối năm 2023

TTO - Ngày 12-8, Bộ Giao thông vận tải có công văn gửi các bộ liên quan và UBND TP Hà Nội lấy ý kiến về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến ngày 6-11-2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp