Quyết định này nhằm điều tra về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư.
Cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương bị bắt liên quan đến sai phạm nào?
Ngoài ông Phương, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn khởi tố, bắt tạm giam các bị can: Xà Dương Thắng (nguyên giám đốc Sở Xây dựng), Đỗ Ngọc Điệp (nguyên chủ tịch UBND TP Phan Thiết), Hồ Như Hải (nguyên phó giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam - chi nhánh Bình Thuận) và Lê Anh Huy (nguyên trưởng phòng hành chính tổng hợp thuộc Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận).
Nhiều bị can đang chấp hành án tù tiếp tục bị khởi tố
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với: Nguyễn Văn Phong (nguyên thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh), Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh (lần lượt là nguyên giám đốc và phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh), Nguyễn Thanh Cho, Lê Nam Hưng và Phạm Duy Cường (lần lượt là nguyên chi cục trưởng, phó chi cục trưởng, phó phòng tại Chi cục Quản lý đất đai tỉnh).
Hiện sáu bị can này đang chấp hành án phạt tù trong vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Xuân Phong (nguyên phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh).
Cùng ngày, các tổ công tác của Cơ quan CSĐT Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét chỗ ở đối với các ông: Lê Tiến Phương, Xà Dương Thắng, Đỗ Ngọc Điệp, Hồ Như Hải, Lê Anh Huy, Nguyễn Xuân Phong tại TP Phan Thiết.
"Hô biến" 20% quỹ đất xã hội ra khỏi dự án
Theo tư liệu của Tuổi Trẻ, ông Lê Tiến Phương là người ký nhiều quyết định quan trọng liên quan đến dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết -như báo cáo một số vấn đề đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư- liên quan việc chuyển mục đích sân golf sang xây dựng đô thị; quyết định về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại sân golf để xây dựng đô thị; quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất với diện tích gần 36,4ha được phép chuyển đổi mục đích trong dự án...
Ông Xà Dương Thắng liên quan đến dự án này khi còn là giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận. Sở Xây dựng là đơn vị thẩm định quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của dự án, trong đó nổi lên việc "hoán đổi" 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội sang nơi khác.
Ông Hồ Lâm lúc này là giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị có nhiều tham mưu quan trọng, trình UBND tỉnh phê duyệt nhiều quyết định đến dự án như chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sân golf sang đất xây dựng đô thị, thực hiện luân chuyển hồ sơ để xác định nghĩa vụ tài chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án...
Ông Nguyễn Thanh Cho - nguyên chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận. Chi cục được Sở Tài nguyên và Môi trường giao phối ký hợp đồng với đơn vị thẩm định giá đất của dự án để làm cơ sở cho UBND tỉnh thu tiền sử dụng đất.
Ngoài việc "hô biến" 20% quỹ đất nhà ở xã hội, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn thông báo kết quả giám định tài sản phần diện tích 36ha đất ở đô thị tại dự án là hơn 2.800 tỉ đồng, trong khi ngân sách nhà nước chỉ thu về hơn 900 tỉ đồng phần diện tích này.
Kỷ luật hai nhiệm kỳ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận
Liên quan đến dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021.
Hai cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận gồm ông Huỳnh Văn Tí (nhiệm kỳ 2010-2015) bị kỷ luật khiển trách, ông Nguyễn Mạnh Hùng (nhiệm kỳ 2015-2020) bị cảnh cáo. Riêng ông Lê Tiến Phương (chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016) bị cách hết chức vụ trong Đảng và chính quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận