Nếu đang đi trên đường phố ở TPHCM mà nghe tiếng hô cướp, cướp, bạn có thể nghĩ ngay rằng một vụ cướp giật điện thoại vừa xảy ra.
Dự đoán nêu trên một phần dựa vào thống kê từ 200 phiên tòa xét xử tội cướp giật tài sản của TAND TP.HCM và tòa quận, huyện dưới nó. Bản án của 200 phiên tòa (từ năm 2019 đến tháng 1-2021) đã được công bố trên trang congbobanan.toaan.gov.vn.
Thống kê cho thấy trong 205 vụ cướp giật bị đưa ra xét xử có 146 vụ cướp giật điện thoại di động, chiếm tỉ lệ 71,2%. Còn lại là cướp giật túi xách, dây chuyền, xe máy, vé số, tiền mặt, bông tai, chim chào mào.
Ngày nay, đại đa số dân chúng đều có điện thoại di động và nó trở thành vật bất khả ly thân của nhiều người, kể cả khi ngủ. Người ta sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi. Điện thoại di động trở thành món đồ phổ biến, góp phần lý giải chúng bị cướp giật nhiều.
Hơn nữa, như nhiều bị cáo đã khai, sau khi giật được điện thoại vài giờ là họ đã bán được chúng, đương nhiên với giá rẻ. Người mua điện thoại không có tội vì họ không biết đây là tài sản do cướp giật mà có.
Những chiếc điện thoại bị giật đều được khổ chủ đặt trong tầm mắt của kẻ cướp giật: đang sử dụng trên xe gắn máy, đang cầm trên tay, để trong túi quần nhưng ló một phần điện thoại ra…
Nếu người có điện thoại cẩn thận hơn một chút, chẳng hạn để trong túi quần nhưng không cho điện thoại ló ra, có khả năng người đó sẽ không bao giờ bị giật điện thoại.
Tuy nhiên, tính cẩn thận chỉ là giải pháp phòng bị cho từng cá nhân. Xét tổng thể, số vụ cướp giật trên đường phố giảm nhiều hay ít tùy thuộc vào khâu tìm kiếm việc làm.
Trong 263 bị cáo ở các phiên tòa đã nêu có 172 người ghi là không có nghề nghiệp. Ngoài ra có 28 người ghi làm công, làm thuê, lao động tự do, nhưng theo nội dung bản án thì có thể hiểu làm công nghĩa là không có nghề gì để làm.
Như vậy, tổng số người không có nghề là 200, tức là cứ 4 kẻ cướp giật hầu tòa thì có 3 người không có nghề nghiệp.
Bần cùng không phải là nguyên nhân duy nhất sinh đạo tặc. Song, sống ở thành phố lớn mà không có bất kỳ nguồn thu nhập ổn định nào từ nghề nghiệp cũng dễ dẫn người ta đến bước nhàn cư vi bất thiện.
Hiện nay, các chương trình, nguồn quỹ tạo việc làm đưa về tới phường, xã nên không thể nói là xã hội muốn bỏ ai lại phía sau.
Do vậy, ở đây có thể có hai tình huống. Một là, những kẻ cướp giật không muốn hoặc không thể học để có một nghề. Hai là, cách thức tiếp cận đối tượng của thành viên chương trình việc làm còn có mặt hạn chế.
Nếu phân loại được đối tượng cho hai tình huống này có thể góp phần làm giảm số vụ cướp giật trên đường phố.
Những món đồ bị cướp giật ở TP.HCM
Điện thoại | Dây chuyền | Túi xách | Vé số | Xe máy | Tiền mặt | Bông tai | Chim | Tổng số |
146 | 24 | 24 | 4 | 3 | 2 | 1 | 1 | 205 |
Đơn vị tính: số vụ (Nguồn: từ 200 bản án của TAND TP.HCM và TAND quận, huyện ở TP.HCM đăng trên trang congbobanan.toa an.gov.vn)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận