Trong đó, nhiều bạn đọc chia sẻ cách để không phải dùng đến “nắm đấm sắt” và không nên bỏ qua hoàn toàn vai trò của giáo viên, nhà trường.
Rất nhiều bạn đọc cũng đã dạy con “đánh lại”
Bạn đọc Nguyên Giang (giang848@) kể: Hồi con gái tôi học lớp 1, cháu cũng bị một bạn trong lớp đánh.
Nghe cháu kể lại sự việc, tôi bảo: "Theo bố, có 2 cách: cách thứ nhất là con mách cô giáo. Nhưng như vậy thì chỉ được một lúc thôi. Khi không có mặt cô giáo thì có thể bạn ấy lại đánh. Cách thứ 2, nếu đủ sức thì con đánh lại. Ta không gây sự với ai nhưng nếu có người đánh ta thì ta phải đánh lại.”
Nghe xong, cháu suy nghĩ một lát rồi cương quyết nói: "Con sẽ đánh lại."
- “Nếu vậy bố sẽ dạy cho con một miếng võ, giúp con đủ sức quật ngã bạn ấy. Chỉ cần quật ngã thôi, không cần đánh!”
Nói rồi, tôi dạy cho bé miếng võ mà hồi trước tôi đã học được. Chừng mươi hôm sau, đi học về bé vui vẻ hẳn lên: "Bây giờ thì bạn ấy không dám đụng đến con nữa".
Mấy năm sau, khi các con đã vào PTCS, tôi cho các con theo học một lớp dạy võ, vừa khỏe người lại có thể phòng thân.
Bạn đọc Hung (hung@): Cháu trai của tôi năm nay 7 tuổi, cháu cao 1m3 cũng được bố mẹ cho đi học võ. Nhưng bố mẹ dạy không được đánh bạn nên ngày nào cháu cũng bị 2 bạn ở lớp bắt nạt mà về nhà lại không nói với bố mẹ.
Một hôm, bố cháu đến trường sớm để đón cháu. Bố cháu cứ để cháu nô đùa và lặng lẽ quan sát thì thấy bạn của cháu bắt cháu làm ngựa để 2 bạn cưỡi lên. Cháu không chịu thì bị 2 bạn đánh.
Hôm đó về nhà, bố cháu hỏi thì biết chuyện này diễn ra thường xuyên. Bố cháu mới hỏi: con có võ mà sao lại để bạn bắt nạt? Cháu nói bố mẹ nói con không được đánh bạn mà! Bố cháu nói cho con đi học võ là để con tự bảo vệ bản thân khi không có bố mẹ bên cạnh, con lớn hơn bạn và có võ mà bị bạn bắt nạt thì không ổn! Bố mẹ nói con không được đánh bạn là khi bạn bè chơi với nhau hòa thuận nhường nhịn nhau. Nhưng bạn lại cậy đông bắt nạt con thì con phải phản kháng lại chứ!
Hôm sau cháu về kể lại 2 bạn đánh con, con ra thế võ, thế là 2 bạn thua và gọi con là "sư phụ". Từ đó, cháu nói các bạn không bắt nạt con nữa! Cho nên dạy con hiền quá cũng không được!
Bạn đọc Thùy Dương (nguyennuthuyduong@): Em chưa có con, nhưng em có chăm 1 đứa cháu. Lúc đầu đi nhà trẻ, bé hay bị các bạn đánh, về nhà cứ bị trầy xước mặt nhìn tội lắm. Em bảo bé méc cô giáo và cô giáo cũng có báo với gia đình bé kia. Nhưng tất cả không thay đổi. Em lại dặn bé cứ bạn nào đánh con thì con đánh lại. Con không được đánh bạn nhưng đó là tự vệ. Sau vài lần giờ bé không còn bị bắt nạt nữa. Nhưng cũng không đánh bạn.
Bạn đọc Mey (leungmey216@): Giải pháp của bạn là hợp lý. Con tôi đang học lớp 2, từ lớp 1, bé đã than bị bạn ức hiếp. Tôi hay đưa đón bé vào tận lớp, trao đổi tình hình với GV, trò chuyện với các bạn của con và cả mấy đứa bắt nạt.
Tôi hay hỏi thăm mấy nhóc ưa bắt nạt kiểu như "con thấy bạn lt (lt là tên con tôi) trong lớp như thế nào? Học ngoan không? Con có chơi với lt không? ...". Sau đó, tôi lần dò thêm như "nghe nói con dữ lắm hả?" và cười, rồi vỗ vai đứa nhóc, tôi nói kiểu như "chơi vui vẻ với bạn nha con. Ăn hiếp bạn kỳ cục lắm...". Tôi nói trước mặt PHHS đó chứ không giấu giếm gì.
Kết quả là sau đó, đôi lần con tôi bị bạn rủ cả nhóm...nghỉ chơi! Nhưng con nít không giận lâu, nên sau đó cũng huề.
Tôi luôn nhận dạng những đứa hay bắt nạt, nói chuyện với chúng và quan sát chúng mỗi khi đến trường. Có vẻ do biết bị " theo dõi" nên chúng không ăn hiếp con tôi nữa.
Sâu sát và nhận biết chúng là chúng kiêng dè trong bắt nạt bạn. Nhưng thú thật, trẻ lớn hơn sẽ phức tạp hơn, và trò đánh hội đồng thời gian vừa qua thật kinh khủng.
Vì vậy, dạy bé tự vệ và cho học võ là giải pháp tốt. Tôi cũng đang kiếm chỗ dạy Aikido để sang năm cho con theo học.
Không có một cách chung cho tất cả trẻ
Tuy nhiên, theo một số bạn đọc, không thể áp dụng một cách chung là hễ bị đánh thì phải đánh lại, mà cần tùy thuộc vào từng cháu và vẫn có cách khác.
Bạn đọc Chu Dung (chudung2002@): Tôi có hai đứa cháu, đứa lớn to con nhưng đi học lại bị bạn bắt nạt. Nghe cháu kể khi bị bạn ăn hiếp, cháu báo cho cô.
Đứa em nhỏ con, ốm nhưng lại sẵn sàng lao vào tấn công đáp trả khi bị bắt nạt, dù kẻ đó cao lớn. Khi bị giành đồ chơi là đánh bạn, gia đình bị cô nhắc nhở dạy cháu.
Gia đình tôi luôn luôn dạy các cháu không được đánh bạn, như là bạn Đồng Thơ dạy cháu. Tuy nhiên tính cách của mỗi trẻ mỗi khác, khi ở nhà cháu hứa là không đánh bạn, nhưng đến lớp lại phản ứng theo bản năng.
Như vậy để đối phó với bạo lực, chúng ta không có 1 cách chung cho mọi đứa trẻ mà cân nhắc xem con cháu mình thuộc dạng tính cách nào.
Vấn đề không chỉ cơ bắp, cháu to con hay ốm yếu mà còn tùy vào cả sức mạnh tinh thần của trẻ. Chúng ta xem cách ứng phó nào là phù hợp nhất với trẻ.
Nếu như chọn giải pháp đáp trả thì xem trẻ đã sẵn sàng khả năng cho giải pháp đó không. Nếu ta ép trẻ theo cách của ta, mà trẻ không đủ khả năng thể chất lẫn tinh thần cho giải pháp đó thì khổ cho trẻ.
Khi tôi còn nhỏ, tôi cũng bị bắt nạt, khi đó tôi biết tùy đứa mà ứng phó. Có đứa quá mạnh thì phải né nó thôi. Rồi đến lúc tôi học võ để tự tin hơn. Nhưng cho cùng, có võ cũng không phải là đối phó đủ mọi chuyện.
Tóm lại, là cha mẹ có trách nhiệm tăng cường năng lực thể chất, tinh thần, sự khôn ngoan để rồi trẻ sẽ tìm cách ứng phó theo cách tốt nhất của trẻ. Kể cả sau này trẻ ra đời cũng thế.
Một điều chú ý, ngày nay nhiều người chết lãng xẹt vì bạo lực do thiếu kềm chế, thiếu khôn ngoan.
Bạn đọc Vĩnh Quý (anhquyut@): Tôi rất thông cảm và muốn chia sẻ với bạn Đồng Thơ. Theo tôi, về phía con của bạn, bạn phải tạo tình huống trong cuộc sống, tập tính can đảm, dũng cảm, mạnh mẽ hơn.
Bạn cần cho con bạn giao du với nhiều bạn (tất nhiên là giao du lành mạnh, tích cực) để khi có kẻ bắt nạt sẽ có bạn giúp đỡ và thấy có bạn nó cũng không dám bắt nạt nữa.
Tâm lý những kẻ ưa bắt nạt thì chúng lại sợ phản kháng nên con bạn nhỏ hơn, thấp hơn là không thể một mình chọi được vả lại cũng sợ nữa chứ. Nên con cần có bạn.
Về phía những kẻ hay bắt nạt, bạn cần gặp và ra điều kiện. Nếu còn lặp lại bạn sẽ không tha: Bằng cách gặp gia đình nó, ban giám hiệu, thậm chí uy hiếp. Tôi tin là sẽ thay đổi được tình hình. Chúc bạn thành công!
Không nên bỏ qua vai trò của giáo viên, nhà trường
Việc "đáp trả", theo bạn đọc Tèo (qeadzv@), thì đó là nguyên nhân khi lớn lên, người trưởng thành giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Vai trò của người lớn và giáo viên là người hành pháp. Nếu hành pháp không nghiêm ắt xảy ra bất bình đẳng.
Bạn đọc Phan Vien (pantuanyuan@) chia sẻ câu chuyện của trường con bạn học: Con tôi mới vào học lớp một cũng bị các bạn to con hơn đánh. Tôi nói chuyện với cô giáo để cô nhắc nhở các bạn đó. Sau đó trường tổ chức dạy võ, tôi đăng ký cho con.
Có người nói con gái mà cho học võ... nhưng tôi nghĩ phải tập cho các cháu phải tự bảo vệ mình trước khi người khác cứu mình.
Tôi luôn giáo dục cháu học võ để bảo vệ mình chứ không hiếp đáp người khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận