Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đã đề xuất như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về phát triển nhà ở xã hội cho thuê.
Ông Thành nói: Ngay từ khi thảo luận dự thảo Luật Nhà ở năm 2014, tôi đã nêu sự cần thiết có cơ chế, chính sách phát triển loại hình nhà ở cho thuê. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện nay chưa chú trọng đến phát triển nhà ở cho thuê. Việc làm nhà cho thuê hầu như do các hộ dân tự làm, các nhà đầu tư lớn không làm nhà cho thuê vì lo ngại "bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ".
Chưa có cơ chế khuyến khích
* Phần lớn nhà cho thuê hiện nay đều do người dân tự phát xây dựng, thiếu những dự án nhà cho thuê quy mô và bài bản, vì sao thưa ông?
- Như tôi đã nói, luật đang thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các đối tượng tham gia phát triển thị trường nhà ở cho thuê. Luật Nhà ở 2014 có nêu việc hỗ trợ ngân sách để làm hạ tầng, xây dựng nhà cho thuê, cũng như miễn, giảm các loại thuế, phí cho chủ đầu tư dự án nhà ở cho thuê, nhà lưu trú công nhân nhưng khi thực hiện chưa được đầy đủ.
Một nguyên nhân rất quan trọng là chính sách phát triển thị trường bất động sản thời gian qua rất méo mó, không đúng thực chất của nguyên tắc thị trường. Lợi nhuận tạo ra từ việc làm dự án nhà ở để bán quá lớn so với thực tiễn. Do đó, nhà đầu tư không mặn mà đầu tư nhà cho thuê.
* Cũng có ý kiến cho rằng tâm lý người Việt muốn sở hữu nhà hơn là đi thuê nhà nên thị trường nhà cho thuê khó phát triển?
- Tâm lý này vừa còn, vừa không còn. Nhóm người tuổi lớn có thể còn có xu hướng muốn sở hữu nhà, nhưng người trẻ lại khác. Bằng chứng là hoạt động làm nhà cho thuê của người dân đang phát triển rầm rộ với đủ các loại hình, mức giá thuê khác nhau. Loại hình này đã giúp giải quyết phần lớn nhà ở cho công nhân, người lao động và học sinh, sinh viên ở các đô thị lớn.
Trong xu hướng phát triển, dịch chuyển linh hoạt hiện nay, đặc biệt là lao động trẻ, họ không đặt nặng việc sở hữu nhà mà cần chỗ ở tốt. Nếu có nhiều hình thức nhà ở cho thuê, trong đó có những dự án cho thuê 20 - 30 năm, sẽ càng khuyến khích người dân chọn loại hình này.
Cần ưu đãi đặc biệt với nhà cho thuê
* Vậy để khơi thông cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho thuê cần giải pháp gì?
- Nguồn thu lợi từ loại hình nhà ở để bán quá lớn dẫn đến việc làm nhà cho thuê được xem là "đầu tư tiền chẵn thu tiền lẻ". Cần thay đổi quan điểm này để xem nhà cho thuê như các loại hình kinh doanh dịch vụ khác. Quan trọng nhất vẫn là tạo lập cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cùng Nhà nước làm nhà ở cho thuê.
Trong đó, luật cần quy định tách bạch các cơ chế, chính sách ưu đãi cho ba loại hình bán, thuê mua và cho thuê. Nếu chính sách ưu đãi nhà ở xã hội áp dụng giống nhau với ba loại hình, nhà đầu tư sẽ tập trung loại bán, thuê mua chứ không làm nhà cho thuê. Với mỗi loại hình phải có các chính sách ưu đãi tương ứng. Trong đó, tập trung nhiều chính sách ưu đãi hơn cho dự án nhà cho thuê.
Dự án nhà cho thuê có thể là nhà ở xã hội, cũng có thể nhà cho thuê thương mại. Tùy mỗi loại có ưu đãi khác nhau. Cần chú trọng khuyến khích các chủ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp xây dựng nhà cho công nhân, người lao động thuê. Mặt khác, Nhà nước phải đảm bảo khâu quy hoạch và bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội phù hợp với việc xây nhà cho thuê...
* Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nhà nước phải tham gia vào việc làm nhà ở xã hội cho thuê?
- Như đã nói, việc hệ thống pháp luật hiện chưa chú trọng đến phát triển nhà ở cho thuê cũng là rào cản để Nhà nước đầu tư nhà cho thuê. Nếu có các quy định về việc làm dự án cũng như quy định việc vận hành, quản lý cho thuê sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc làm dự án cho thuê. Các nước đều có quỹ phát triển nhà ở được tạo từ các nguồn khác nhau để hỗ trợ đối với đối tượng chính sách.
Nếu thành lập được quỹ này ở các địa phương sẽ tạo điều kiện để các công ty nhà nước làm các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho thuê. Còn nếu tập trung xây nhà để bán sẽ khó thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn. Khi xây dựng xong không phải ai cũng mua được. Việc phát triển nhà ở cho thuê sẽ giúp thị trường nhà ở dần đi vào ổn định, bền vững.
* Luật sư Trương Anh Tú (TAT Law Firm):
Phải có quỹ phát triển nhà ở xã hội
Những quốc gia được đánh giá thành công trong việc quản lý và xây dựng nhà ở xã hội đã áp dụng những chính sách tốt về quỹ phát triển nhà ở xã hội và thiết lập các nguồn quỹ phục vụ cho nhà ở xã hội từ nhiều năm trước.
Như ở Hàn Quốc, nhà ở xã hội được hỗ trợ đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn tài chính và từ các quỹ tài chính chính phủ.
Hay tại Nhật Bản, các nguồn vốn cho các dự án hỗ trợ nhà ở được đầu tư xây dựng và mua bởi chính quyền địa phương, chính quyền địa phương và chính phủ hỗ trợ 50% chi phí xây dựng, trái phiếu địa phương được chi trả cho tiền đất. Tại Philippines, trợ cấp nhà cho đối tượng thu nhập thấp thông qua khoản vay mua nhà từ hệ thống cung cấp dịch vụ nhà ở của chính phủ, hoặc thông qua quỹ bảo hiểm.
Việc thành lập các nguồn quỹ cho phát triển nhà ở xã hội là điều kiện tiên quyết để đạt được thành tựu như các quốc gia phát triển trong lĩnh vực nhà ở. Do vậy, Việt Nam cần phải tạo lập các nguồn quỹ dành cho việc làm các dự án và tạo nguồn vốn với lãi suất vay ưu đãi hỗ trợ chủ đầu tư cũng như người mua, thuê mua và thuê.
* Ông Trương Quốc Huy (chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam):
Nên mở rộng đối tượng thuê nhà ở xã hội
Việc đầu tư nhà cho thuê đang có một số vấn đề bị vướng, cần được tháo gỡ. Cụ thể, theo quy định tại Luật Nhà ở, mỗi khu nhà ở xã hội phải dành 20% quỹ nhà để cho thuê. Tuy nhiên, việc cho thuê mới chỉ dừng lại ở từng cá nhân công nhân phải ký hợp đồng với nhà đầu tư, còn doanh nghiệp lại không được.
Theo tôi, nên mở rộng đối tượng thuê nhà ở xã hội, cho phép doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động có thể ký hợp đồng với nhà đầu tư để thuê nhà cho công nhân ở. Điều này giúp doanh nghiệp có thể giữ chân được công nhân, nhất là công nhân giỏi, có tay nghề cao...
Ngoài ra, quy định với nhà ở xã hội làm cho khu công nghiệp nào chỉ được bán, cho thuê ở khu đó, không được bán cho khu bên cạnh, kể cả cụm công nghiệp cũng không được. Những công nhân có nhà, đất ở quê mà ra thành phố, tỉnh khác làm việc cũng không được mua nhà ở xã hội.
Trong thực tế, Hà Nam có ba khu nhà ở xã hội với hơn 1.000 căn hộ/khu. Mỗi năm, chúng tôi nhận được hàng trăm hồ sơ đăng ký nhưng số hồ sơ đủ tiêu chuẩn chỉ được vài chục. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội mới tạo được sức hút lớn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận