Phóng to |
Bức tường của Công ty Hiệp Phát (phải) cách nhà các hộ dân một con hẻm rộng khoảng 1,5m - Ảnh: M.H. |
Tám căn nhà của chúng tôi nằm ngay sau Công ty TNHH cơ khí và xây dựng Hiệp Phát, chỉ cách một con hẻm rộng khoảng 1,5m. Bức tường của công ty nằm trước mặt nhà của chúng tôi, trước đây chỉ cao 3-4m, nguyên là bức tường của dãy nhà xưởng cấp 4 dài khoảng 50m. Theo tôi được biết, khu nhà xưởng này có từ những năm 1970. Chúng tôi quan sát thấy tường quá cũ, vữa trát đã bong tróc...
Khi dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi được thực hiện, khu nhà xưởng bị giải tỏa gần hết, chỉ còn lại bức tường trong cùng và thêm một ít diện tích đất phía ngoài. Khoảng đầu năm 2012, Công ty Hiệp Phát xây chồng lên bức tường cũ này thành một bức tường với độ cao gấp ba lần trước đây. Khi xây tường, họ không gia cố lại mà chỉ xây chồng lên. Thấy bức tường chông chênh quá nguy hiểm cho người dân đi lại trong con hẻm này, chúng tôi có ý kiến. Họ đục bức tường ra rồi đổ trụ bêtông vào, nhưng họ không đục xuống tận móng mà chỉ đục lưng chừng, rồi nhét trụ bêtông vào, nói là sau này đường làm cao tới đó rồi, không phải đục sâu xuống làm gì. Trong buổi làm việc ngày 12-3 tại UBND phường, trước những lo ngại của người dân, phía công ty đã nói sẽ thuê đơn vị kiểm định sự an toàn của bức tường và sẽ báo cáo lại UBND phường trong vòng ba ngày. Thế nhưng phía công ty đã không tiến hành kiểm định.
Chúng tôi gửi đơn lên UBND quận. Sau khi nhận được đơn phản ảnh của chúng tôi cuối tháng 3-2013, quận có cử người xuống kiểm tra, nắm tình hình. Chúng tôi cũng được thông báo là UBND quận đã nhiều lần ra văn bản, quyết định buộc Công ty Hiệp Phát phải tháo dỡ bức tường, nêu lý do là việc xây dựng, cơi nới không có giấy phép, không đảm bảo an toàn công trình và có khả năng xảy ra sự cố. Vậy mà tới nay bức tường vẫn còn tồn tại trong sự lo lắng của chúng tôi, những người sinh sống, đi lại hằng ngày ngay dưới chân bức tường ấy.
Chúng tôi thật không hiểu tại sao việc xây dựng bức tường của Công ty Hiệp Phát đã có kết luận, chỉ đạo tháo dỡ của UBND quận Thủ Đức mà việc thi hành những quyết định lại không được thực hiện?
Đã bàn giao quyết định cưỡng chế Ngày 23-10, ông Huỳnh Thanh Nhân - chủ tịch UBND Q.Thủ Đức - cho biết sở dĩ quyết định 4368 chưa được thực hiện vì ông Lăng Tấn Phát gửi đơn kiến nghị đến UBND quận xin phép cho tồn tại công trình xây dựng vi phạm nêu trên. Do đó, UBND quận phải trả lời đơn cho ông Phát trước khi tổ chức thực hiện theo quy định. Ngày 17-9, UBND quận đã có công văn trả lời cho ông Phát là không cho phép tồn tại công trình. Ngày 14-10, UBND quận đã ra quyết định cưỡng chế thi hành. Ông Hồ Tấn Hoàng, đội trưởng đội quản lý trật tự đô thị quận Thủ Đức, cho biết: “Quyết định cưỡng chế thi hành đã được giao cho ông Lăng Tấn Phát vào ngày 22-10. Theo đó, chúng tôi sẽ tổ chức thực hiện quyết định này sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày 22-10”. |
Quá trình giải quyết của UBND Q.Thủ Đức - Ngày 22-4: ra văn bản số 1259/UBND-QLĐT gửi Công ty Hiệp Phát yêu cầu tháo dỡ ngay phần xây dựng cơi nới, đồng thời liên hệ với Sở Xây dựng để được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, Công ty Hiệp Phát không thực hiện. - Ngày 5-8: Ra quyết định 4368/QĐ-UBND áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng đối với ông Lăng Tấn Phát (chủ đầu tư xây dựng Công ty TNHH cơ khí và xây dựng Hiệp Phát). Trong đó ghi rõ biện pháp khắc phục hậu quả: buộc ông Lăng Tấn Phát khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm với diện tích 239,22m2, kết cấu tường gạch, cột, khung sàn bêtông cốt thép mái tôn, vách tôn. Lý do là xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. - Ngày 14-10: ra quyết định 5852/QĐ-UBND cưỡng chế thi hành quyết định 4368. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận