Thế nhưng đó là đức tính không chỉ tự nhiên mà có, ngược lại đòi hỏi cha mẹ hợp sức rất nhiều trong việc giáo dục con.
Tổ ấm trao đổi với tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính TP.HCM, về việc trau dồi lòng trung thực, phẩm chất chính trực, bao dung cho con trẻ.
Chị Thúy nói về sự cần thiết của lòng trung thực, sự chính trực trong cuộc sống:
- Chính trực thể hiện bốn điều: một là trung thực, hai là khách quan, minh bạch, ba là khiêm tốn, bốn là tử tế. Thực chất, ý nghĩa của chính trực rất rộng, nhưng hiểu một cách chung nhất thì đó là biểu hiện của sự trung thực. Phải nói rằng chính trực là một trong những đức tính thuộc về đạo đức, phẩm chất cần có của con người.
* Chúng ta cần rèn luyện sự trung thực, chính trực cho con mình ra sao để trẻ hình thành tính cách tốt đẹp này?
- Trước khi nghĩ đến việc dạy trẻ, chúng ta cần hiểu rõ một nguyên tắc: để dạy con về các đức tính và phẩm chất, cha mẹ phải như thế nào mới dạy con được như vậy. Có nghĩa cha mẹ phải là những người có tố chất chính trực mới có thể dạy con biết thế nào là chính trực.
Tính chính trực cha mẹ có thể thể hiện qua lời nói, việc làm, hành động trong quá trình dạy con từ bé đến lớn.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ cha mẹ có sẵn lòng giúp trẻ nhìn thấy sự chính trực qua những hành động giản dị của mình không? Cha mẹ có giữ được chữ tín qua việc nói đi đôi với làm trong các mối quan hệ giữa cha mẹ với con, cha mẹ với nhau và cha mẹ với những người xung quanh không?
Nếu làm được như vậy thì có nghĩa cha mẹ đang cho một đứa trẻ sống và trưởng thành trong môi trường chính trực. Từ đó hình thành nhân cách chính trực trong trẻ một cách rất tự nhiên.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý hành động, lời nói của con mình, xem bé có khi nào nói dối hay có biểu hiện che đậy không. Đồng thời cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của sự che đậy ấy hơn là trách mắng, tức giận ngay từ đầu.
Khi cha mẹ có sự quan sát này và biết điều chỉnh một cách cần thiết, hướng dẫn con chuyển hóa nỗi sợ ấy, giúp con tự tin nói và làm nhất quán. Tiết chế chính mình, lắng nghe và kiên nhẫn hướng dẫn con, đó chính là cách rèn cho con phẩm chất chính trực.
Ngoài ra, còn một điều khá khó khăn nhưng có tác động đến sự rèn luyện phẩm chất chính trực cho con, đó là quan sát những người xung quanh con, đặc biệt giữa cha mẹ và những người thân thường lân cận con nhất, cần có sự thống nhất về phẩm chất chính trực.
* Còn lòng bao dung, chị nghĩ sao về việc "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại"?
- Theo nghĩa hẹp, bao dung chính là sự tha thứ. Nhưng xét trên nghĩa rộng, lòng bao dung còn là sự thấu hiểu chính mình, khi bạn biết rõ mình là ai, mình là người như thế nào thì mới tự tin, sẵn sàng để thấu hiểu mà bao dung cho người khác.
Người tự tin nhưng không hiểu được mình là ai thì rất khó bao dung cho người khác. Vậy bao dung không chỉ đơn thuần là sự tha thứ cho người khác, đó còn là sự chấp nhận người khác và giúp người khác thay đổi.
Điều này phải là sự bắt đầu từ ngay chính bản thân mình trước. Bản thân biết nhìn nhận lỗi lầm, có thể tự tha thứ và chuyển hóa, khắc phục lỗi lầm của chính mình thì người ấy mới biết chấp nhận và tha thứ cho người khác.
Tôi học được một kinh nghiệm rất hay trong việc bao dung với học trò rằng, khi nhận xét về các sản phẩm của học trò, tôi thường sẽ khen những ưu điểm mà họ đã đạt được, tức mình khích lệ động viên những gì họ làm tốt.
Sau, đối với những điểm họ làm sai hay chưa ổn, mình sẽ chỉ cho họ làm thế nào để làm tốt hơn, tức cách sửa chữa lỗi lầm, chứ không phải là chỉ trích hay phạt lỗi ấy. Đây cũng chính là cách chúng ta chỉ ra lỗi người khác theo phương diện nâng đỡ để cùng tốt hơn, đó chính là bao dung chân thật, như câu nói "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại" vậy.
* Trong giáo dục, đôi khi vì áp lực thành tích mà nhiều người thầy cũng đã vi phạm nguyên tắc trung thực, chị nghĩ sao về việc này?
- Trong bối cảnh hiện nay, con người dễ bị cuốn theo các guồng máy chung của môi trường xã hội. Đôi khi chúng ta nhận thấy điều đó là chưa đúng nhưng vì cả nể hay lo sợ, chúng ta chọn cách im lặng. Do đó chính mình cũng cần hoài nghi về sự chính trực của bản thân.
Áp lực thành tích là có thật, ngay cả khi đây là môi trường đại học, việc gian dối dường như cũng ít hơn bên ngoài thì áp lực thành tích vẫn tồn tại. Và bất cứ khi nào áp lực này còn hiện hữu, sự gian dối, thiếu trung thực cũng vẫn sẽ còn nhen nhóm.
Như vậy, đối với người làm công tác giáo dục như tôi, hay cụ thể hơn là chính tôi, cần nhận diện sự thiếu trung thực ấy, điều tiết, tiết chế và khắc phục nó nhiều nhất có thể trong khả năng cho phép của mình.
Phẩm chất chính trực mang lại ba lợi ích cho chính người chính trực lẫn mọi người xung quanh:
* Một người chính trực thường sẽ có uy tín rất cao trong mọi sinh hoạt đời sống lẫn công việc. Bởi lẽ họ luôn trung thực, tôn trọng sự thật, nhất quán trong suy nghĩ, lời nói và hành động, trước sau như một, mang lại niềm tin và sự tin cậy vững chắc cho người khác.
* Một người chính trực thì luôn trung thực và họ sẽ nhận được sự quý mến từ nhiều người.
* Một ưu điểm nữa của sự chính trực nằm ở chất lượng cuộc sống. Bởi lẽ, người chính trực luôn thành thật nên họ thường không bị tiêu tốn năng lượng vào việc nói dối, che đậy và bất an vì những gì mình đã làm, từ đó mà họ an trú trong sự bình an.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận