30/08/2016 11:10 GMT+7

Vì sao các tỉnh ngưng VNEN?

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TTO - Mô hình trường học mới VNEN đã được triển khai rộng ở nhiều nơi sau khi thí điểm thành công. Tuy nhiên, hiện một số địa phương đã đề nghị dừng thực hiện VNEN do có ý kiến phản đối của 
phụ huynh.

Một lớp học áp dụng mô hình VNEN tại Trường THCS Hùng Vương (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - Ảnh: THÁI THỊNH
Một lớp học áp dụng mô hình VNEN tại Trường THCS Hùng Vương (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - Ảnh: THÁI THỊNH

Trên thực tế, một số trường cần có thời gian thay đổi nhận thức, chuẩn bị điều kiện, đặc biệt là phải có đủ cơ sở thuyết phục, để có sự ủng hộ từ cộng đồng"

Ông Đặng Tự Ân (chuyên gia trưởng dự án VNEN)

Chiều 29-8, Trường tiểu học Nguyễn Trãi, TP Vinh (Nghệ An) vẫn đang tổng hợp ý kiến của phụ huynh liên quan đến mô hình trường học mới VNEN cho cấp trên, để đưa ra phương án lựa chọn mô hình học trong năm học mới.

Phụ huynh yêu cầu đổi mô hình

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thế Sơn - trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Nghệ An - cho biết đến cuối giờ chiều 29-8, phía sở vẫn chưa nhận được báo cáo của Trường tiểu học Nguyễn Trãi về số lượng cụ thể phụ huynh yêu cầu dừng mô hình trường học mới VNEN.

Theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo sở tại cuộc đối thoại với phụ huynh ngày 28-8, đây là ngày cuối cùng các phụ huynh đưa ra phương án để chuẩn bị năm học mới cho con em mình.

Trước đó, sau khi nhận được phản ảnh của phụ huynh về mô hình trường học mới VNEN có nhiều điểm còn bất cập, cùng đề nghị dừng chương trình này trong năm học 2016-2017, Trường tiểu học Nguyễn Trãi đã phát phiếu thăm dò đến phụ huynh của 825 học sinh.

“Dù chưa có báo cáo chính thức, nhưng thông tin tôi nắm được là phần lớn phụ huynh - hơn 50% - yêu cầu thay đổi mô hình VNEN, quay về mô hình giáo dục truyền thống. Dù là phương án nào chúng tôi cũng tôn trọng phụ huynh, để đảm bảo quyền lợi cho học sinh và chất lượng giáo dục” - ông Sơn nói.

Bộc lộ bất cập

Tại Hà Tĩnh, từ chỗ dự án VNEN chỉ hỗ trợ một trường tiểu học trong tỉnh triển khai mô hình, nhưng chỉ một năm sau tỉnh đã nhân rộng ra khoảng 20% số trường, và năm học 2015-2016 tiếp tục nhân rộng tới trên 50% số trường trong toàn tỉnh.

Trước năm học mới, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu 100% các trường tiểu học và THCS xây dựng kế hoạch, triển khai mô hình trường học mới. Chỉ đạo này đã vấp phải phản ứng của phụ huynh ở một số nơi. Trước tình hình này, tháng 7-2016 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT chưa nhân rộng tiếp VNEN, mà giữ nguyên ở tỉ lệ trên để đánh giá, tổng kết mô hình trước khi nhân rộng thêm.

Tại Hà Giang, năm học 2015-2016, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố đã có 11/11 trường tiểu học thực hiện chương trình VNEN với 4.657 học sinh; 7/9 trường THCS với 827 học sinh (Trường THCS Lê Quý Đôn và Trường tiểu học & THCS Hữu Nghị không tham gia). Toàn tỉnh có 73 trường thực hiện mô hình VNEN với sự hỗ trợ 40 tỉ đồng của dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ các bất cập. Một số giáo viên ngại đổi mới nên thực hiện các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học rập khuôn, máy móc, chưa chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với học sinh.

Đặc biệt là cơ sở vật chất chưa đáp ứng được với hình thức tổ chức dạy học theo mô hình VNEN. Ngoài ra, do phụ huynh không có điều kiện tìm hiểu VNEN nên không có sự phối hợp với giáo viên hỗ trợ học sinh, không muốn cho con học mô hình này.

Trước tình hình này, tháng 7-2016 UBND tỉnh Hà Giang có quyết định ngừng thực hiện mô hình VNEN để quay về mô hình truyền thống.

Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Phương, Nha Trang, Khánh Hòa trong tiết học theo mô hình trường học mới - Ảnh: V.HÀ
Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Phương, Nha Trang, Khánh Hòa trong tiết học theo mô hình trường học mới - Ảnh: V.HÀ

TP Vũng Tàu đã dừng toàn bộ mô hình

Mô hình VNEN được triển khai thí điểm tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm học 2012-2013 và chính thức được phép triển khai từ năm học 2015-2016. Thế nhưng đến nay mô hình này đã có những phản ứng trái chiều, còn có những băn khoăn về hiệu quả.

Ngày 29-8, ông Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định: “Việc triển khai mô hình VNEN tại tỉnh này đều dựa trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh, học sinh và nhà trường”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngay từ khi bắt đầu triển khai mô hình VNEN tại tỉnh này đã có nhiều ý kiến trái chiều, băn khoăn. Trong đó, từ năm học 2015-2016 đã có một số phụ huynh ở TP Bà Rịa phản đối, và một số đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chất vấn, đặt câu hỏi mạnh mẽ về mô hình này.

Mới đây, trước năm học mới 2016-2017, hơn 70 phụ huynh (học sinh lớp 6 lên lớp 7) của Trường THCS Đất Đỏ xin được rút con em mình ra khỏi mô hình VNEN sau năm đầu tiên theo học.

Năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục triển khai VNEN theo phương thức “tự nguyện”. Theo đó, trên toàn tỉnh ở cấp tiểu học có 102 trường tham gia với hơn 32.000 học sinh, ở cấp THCS có 45 trường tham gia với hơn 7.000 học sinh.

Nhưng tại hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ TP Vũng Tàu, 100% đại biểu dự hội nghị đã thống nhất kiến nghị HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa mở rộng tiếp mô hình VNEN trên địa bàn thành phố này; chỉ triển khai ở những trường, những lớp đã dạy mô hình VNEN, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và phải được phụ huynh đồng ý.

Chiều 29-8, ông Phạm Văn Ngọc, trưởng Phòng GD-ĐT TP Vũng Tàu, cho biết: “Về cơ bản, TP Vũng Tàu đã dừng toàn bộ mô hình VNEN, kể cả những trường, những lớp đã triển khai”.

Đắk Lắk: đa số phụ huynh không đồng tình

Ngày 29-8, ông Trần Ngọc Cẩm - trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) - cho biết kết quả lấy ý kiến phụ huynh, học sinh mới đây tại thị xã Buôn Hồ cho thấy: đa số phụ huynh, học sinh đều không đồng tình với mô hình trường học kiểu mới VNEN.

Các ý kiến đều cho rằng mô hình này còn quá mới, học sinh chưa thể tiếp thu được các nội dung và phương thức giảng dạy mới, nên đề nghị được tiếp tục học theo chương trình truyền thống.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, trên toàn tỉnh có hơn 40 trường áp dụng mô hình trường học mới cho học sinh. Trước khi đưa VNEN vào áp dụng, các giáo viên đều đã được tổ chức tập huấn, học sinh khối lớp 7 cũng được cấp phát tài liệu.

Tuy nhiên, từ đầu năm học 2015-2016, nhiều phụ huynh ở thị xã Buôn Hồ đã đến các trường nơi áp dụng mô hình VNEN để phản ứng, vì cho rằng con em họ không tiếp thu được chương trình. Phụ huynh đề nghị tạm dừng mô hình trường học mới, tiếp tục sử dụng phương thức dạy học truyền thống để học sinh dễ tiếp thu hơn.

“Theo tinh thần chỉ đạo của Sở GD-ĐT tỉnh, ở những nơi nào muốn tổ chức VNEN thì phải có sự đồng ý của phụ huynh, học sinh, nên từ đầu mùa tuyển sinh chúng tôi cũng đã gửi văn bản về các trường có dạy VNEN để lấy ý kiến. Đa số ý kiến đều không muốn tham gia VNEN nữa.

Thực tế chương trình này đòi hỏi mỗi học sinh phải tự tập trung tìm tòi, tự học để có một nền kiến thức ổn định, chứ không phụ thuộc quá nhiều vào kiến thức truyền giảng của thầy cô như lâu nay chúng ta vẫn đang áp dụng. Nhưng khổ nỗi là các phụ huynh, học sinh lại không muốn thay đổi cách học cũ.

Chúng tôi phải tôn trọng ý kiến của phụ huynh, nên tinh thần hiện nay là nơi nào đang áp dụng tốt thì chúng tôi vẫn cho tiếp tục. Còn nơi nào phụ huynh phản đối nhiều quá thì chúng tôi tạm ngưng” - ông Cẩm thông tin.

Nói về chương trình VNEN trên toàn tỉnh Đắk Lắk, ông Trương Thức - chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk - cho biết hiện tỉnh vẫn áp dụng mô hình trường học mới ở nhiều điểm, không có nhiều xáo trộn.

Quá trình triển khai mô hình VNEN

• Năm học 2011-2012: dự án triển khai thí điểm tại 12 huyện của 6 tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa, với 24 trường và 48 lớp 2.

• Năm học 2012-2013: triển khai ở 1.447 trường tại 63 tỉnh thành, chia làm ba nhóm: nhóm 1 gồm 20 tỉnh khó khăn với 1.143 trường; nhóm 2 gồm 21 tỉnh ở mức trung bình với 282 trường; nhóm 3 gồm 22 tỉnh thành vùng thuận lợi, với 22 trường.

• Năm học 2015-2016: có 4.177 trường tiểu học ở 63 tỉnh thành thực hiện mô hình, trong đó có 2.730 trường tiểu học tự nguyện áp dụng mô hình này; bậc THCS có 1.778 trường ở 61 tỉnh thành áp dụng mô hình.

• Thời gian triển khai dự án VNEN là 41 tháng, có hiệu lực giải ngân từ tháng 1-2013 đến hết tháng 5-2016.

• Kinh phí của dự án chủ yếu tập trung cho nội dung tập huấn và cung cấp tài liệu.

Cụ thể có 63 hội thảo và cuộc tập huấn với 168.052 người tham gia ở nhiều cấp khác nhau. Dự án cung cấp 106 đầu sách, gồm tài liệu hướng dẫn học, tài liệu tập huấn, tài liệu phương pháp dạy học, sổ tay hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lý, đĩa video dạy học.

Ngoài ra kinh phí dự án còn hỗ trợ 1.447 trường thực hiện đại trà năm đầu tiên mua sắm thiết bị dạy học, hỗ trợ các điểm trường vùng khó khăn sửa chữa phòng học, bổ sung quỹ ăn trưa cho học sinh và tập huấn tiếng Việt trong hè cho học sinh; hỗ trợ việc đánh giá, tuyên truyền.

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp