10/09/2019 09:59 GMT+7

Vì sao Bụt khóc?

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám, mỗi khi Tấm bật khóc, bao giờ Bụt cũng hiện lên hỏi: Vì sao con khóc? Vậy nhưng vở kịch Tấm và Hoàng hậu làm một sự đảo ngược, khiến những ai từng quen với tích cũ bất ngờ.

Vì sao Bụt khóc? - Ảnh 1.

Diễn viên Lê Chi Na (phải, vai Tấm) và diễn viên Nghinh Lộc (vai Thị Nếp - mẹ Cám) trong vở Tấm và Hoàng hậu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nguyễn Phát đã gợi suy một vấn đề không có trong tích cổ, dựng lên giả thiết về phạm trù đạo đức nội tại, khi lòng ham muốn quyền lực đã tàn phá trái tim trong sáng của nàng Tấm. Đó là một ý tưởng mạo hiểm, hợp thời và sâu sắc.

Việt Linh (giám đốc nghệ thuật vở Tấm và Hoàng hậu)

Tối 8-9, tại Nhà hát TP, sân khấu Hồng Hạc đã công diễn vở Tấm và Hoàng hậu (biên kịch: Nguyễn Phát, đạo diễn: Tây Phong) phiên bản mới, sau bản dựng cách đây 3 năm của đội kịch CKT Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Hận thù, toan tính vùi lấp thiện lương

Khai thác một câu chuyện cũ theo góc nhìn mới khiến kịch bản của biên kịch trẻ Nguyễn Phát ngay khi ra mắt đã gây được chú ý. Kịch bản được khơi nguồn cảm hứng khi anh đọc được truyện cực ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Chiêu mang tên Tấm khóc, Bụt hiện ra: Lóc thịt Cám làm mắm xong, Tấm chợt nhìn thấy Bụt bèn hỏi: "Tại sao Bụt dám khóc trước mặt ta?".

Vở nhấn mạnh vào giai đoạn 10 năm lưu lạc của Tấm khi bị dì ghẻ hãm hại, chết đi sống lại, hóa hết kiếp này đến kiếp khác. Trở về cung, khôi phục địa vị, dì ghẻ bị đuổi về quê, em Cám bị hạ xuống làm thứ phi nhưng lòng Tấm vẫn chưa bình yên trở lại. 

Nỗi hận 10 năm bị bức tử hết lần này đến lần khác vẫn là nỗi đau âm ỉ, khiến Tấm quyết lòng trả thù những kẻ hãm hại cô. 10 năm bị dằn vặt khiến thể xác, tinh thần cô suy kiệt. Sự hoang mang, nghi ngờ lớn dần bởi cô e sợ không còn chỗ đứng vững chắc trong trái tim hoàng thượng. 

Hận thù, khát khao quyền lực, tình yêu khiến cô ngày càng rời xa Tấm của một thời trong sáng, thiện lương.

Một khi người ta say sưa lao vào những cuộc báo thù, tìm mọi cách củng cố quyền lực, tìm mọi cách chiếm đoạt lại tình yêu bằng những toan tính thì đến lúc nào đó họ sẽ lún sâu vào tội lỗi, rời xa chính mình. Đó không chỉ là hình ảnh của Tấm, mà bất cứ ai ở thời nào cũng có thể "biến dạng" nếu không biết dừng lại trước những ân oán cuộc đời.

Trả hết thù, trong lòng còn lại gì?

Diễn viên Lê Chi Na đã có một vai diễn nặng ký khi hóa thân thành nàng Tấm. Chi Na đã rất nỗ lực để thể hiện một cô Tấm giữa vòng xoáy hận thù - quyền lực - tình yêu. Nét tàn nhẫn, lạnh lùng Chi Na thể hiện khá tốt, tuy nhiên đôi lúc người xem muốn thấy cô ở những khoảng lặng, một chút xa xót chênh vênh giữa Tấm trong sáng và Hoàng hậu cuồng say trong cuộc chiến quyền lực.

Hình ảnh Tấm được xây dựng ở phần đầu cũng khiến khán giả có chút lăn tăn. Khi gặp thái tử, Tấm thể hiện là một cô gái thông minh, sắc sảo và khá đáo để, thậm chí còn dám "ức hiếp" cả chàng trai mới quen. Với một cô gái như thế, khó mà khờ khạo để dì ghẻ hãm hại hết lần này đến lần khác đến 10 năm trời đằng đẵng mới trở lại cung. Quốc Thái cũng cần thêm thời gian để tạo ra phong thái đĩnh đạc của vị hoàng thượng trong vở diễn.

Điều đáng tiếc cho một vở diễn có nhiều câu thoại mang tính triết lý là một số diễn viên lại thoại chưa tốt, nói nhanh, không rõ lời và chưa biết cách nhấn thoại. Khâu chuyển cảnh cũng cần được phối hợp nhịp nhàng để người xem không phải chờ đợi lâu mỗi khi chuyển từ cảnh này sang cảnh khác. 

Điểm cộng cho Tấm và Hoàng hậu là một số diễn viên ở tuyến 2 tạo được cảm tình với khán giả như mẹ Cám độc ác, hợm hĩnh, nàng Cám hiền lành, đáng thương, nàng hầu Ngọc Nhi tưng tửng, duyên dáng...

Trong tình hình khan hiếm kịch bản sân khấu hay như hiện nay, Tấm và Hoàng hậu là một nỗ lực của sân khấu Hồng Hạc để chinh phục khán giả yêu kịch nói. 

Vẫn cần thêm nhiều thời gian để vở diễn hoàn thiện và sắc nét hơn, thế nhưng điều mà vở diễn làm được là khiến những "hoàng hậu" phải tự vấn: Trả hết thù, trong lòng còn lại gì? Cuộc sống này sẽ ra sao nếu ta đánh mất tình thương, lòng nhân ái, bao dung? 

Chính ta sẽ tự hủy hoại bản thân khi trong lòng chất chứa quá nhiều hận thù, đố kỵ, tham lam... Và chỉ có ta mới có thể hóa giải cho mình bằng cách trở về với sự thiện lương có sẵn trong mình.

Tấm Cám: Nhạc kịch kiểu Broadway với chèo và tiếng tụng kinh Tấm Cám: Nhạc kịch kiểu Broadway với chèo và tiếng tụng kinh

TT - Trang phục đẹp, sân khấu rực rỡ và những làn điệu chèo lẫn... tiếng tụng kinh được khai thác cùng nhiều bài hát hiện đại tạo nên một vở nhạc kịch Tấm Cám giàu màu sắc trong mùa kịch tết năm nay.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp