Nguyên nhân
Áp lực cuộc sống ngày càng tăng: học sinh sinh viên áp lực chuyện học hành, thi cử; nhất là lực lượng trí thức, cán bộ công chức nhà nước làm việc bằng trí óc nhiều; những người làm ở các ngành nghề liên quan đến con số, tiền bạc như tài chính, ngân hàng, kiểm toán, thủ quỹ... rồi chuyện sinh hoạt ăn uống, sử dụng rượu bia, chất kích thích... Đó là những lý do mà tình trạng bệnh điếc đột ngột có xu hướng tăng những năm gần đây.
Điếc đột ngột là một trường hợp cấp cứu của tai, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng điếc nặng, điếc vĩnh viễn. Tuy nhiên, nhiều người không biết nên khi đến bệnh viện đã quá trễ, dẫn đến việc điều trị khó khăn, hiệu quả thấp.
Điếc đột ngột cũng là một triệu chứng của rất nhiều bệnh như:
- Do nhiễm siêu vi (quai bị, zona, cúm, sởi …) làm tổn thương tế bào thần kinh ốc tai.
- Do những bệnh về mạch máu (do co thắt mạch máu cục bộ, nghẽn tắc mạch máu, máu tới nuôi dưỡng tai thiếu... nên bị tổn thương những tế bào thần kinh thính giác, thường xảy ra ở người cao huyết áp, xơ vữa động mạch).
- Do thần kinh bị kích thích (làm việc quá căng thẳng, stress).
- Do chấn thương (vỡ màng tai trong và các cửa sổ).
- Do bệnh tự miễn.
- Do bệnh nội khoa (đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa tĩnh mạch).
- U thần kinh VIII.
Triệu chứng
Điều nguy hiểm là bệnh điếc đột ngột không có triệu chứng báo trước. Có khi ngủ một đêm, sáng dậy cảm thấy chóng mặt, ù tai như ve kêu (80-90% bệnh nhập viện đều có biểu hiện này), như có tiếng sóng vỗ hoặc như cối xay lúa trong tai; hoặc đang nghe truyền hình tự dưng không nghe thấy nữa hoặc bỗng nhiên âm thanh giảm đi, cảm thấy ù tai. Tình trạng ù tai này khác với ù tai khi đi máy bay, sau khi hỉ mũi mạnh.
Tiếng kêu nhiều hay ít tùy mức độ bệnh. Sau đó bệnh nhân sẽ giảm thính lực rồi điếc. Điếc nhiều hay ít tùy mức độ nặng hay nhẹ.
Cảnh báo
Điếc đột ngột có thể xảy ra trong vài giờ, vài ngày. Nhưng nếu không phát hiện bệnh sẽ kéo dài cả tháng, thậm chí có khi 4-6 tháng. Thường bệnh nhân đến trễ, chủ yếu từ 7 ngày trở lên. Chỉ có 20-30% bệnh nhân vào bệnh viện trong mấy ngày đầu khi có triệu chứng của bệnh. Có người 2-3 tháng đi chữa lòng vòng mới đến bệnh viện. Nhiều người cứ làm việc, họ quen với tiếng ồn, không để ý vì thấy không ảnh hưởng tới tính mạng. Do đó có bệnh nhân đến khi tai đã tổn thương nặng.
Nếu phát hiện sớm một vài ngày đầu (mới bị cho đến dưới 1 tuần), kết quả điều trị khả quan hơn, phục hồi được 70-80% thính lực. Nếu phát hiện trễ (trên một tuần trở đi), kết quả điều trị sẽ giảm dần, chỉ hồi phục được khoảng 30-40% thính lực. Nếu trễ hơn nữa kết quả điều trị không đạt, có thể điếc đặc.
Tuy nhiên, dù phát hiện và điều trị sớm vẫn không bao giờ lấy lại được hoàn toàn 100% thính lực mà vẫn để lại di chứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận