16/06/2016 09:17 GMT+7

Vì sao ASEAN thu hồi, "sửa chữa khẩn cấp" tuyên bố chung?

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc - ASEAN tại TP Côn Minh ngày 14-6 vừa qua xảy ra một chuyện khó hiểu khi khối ASEAN quyết định thu hồi khẩn cấp một tuyên bố chung của mình.

Quang cảnh thảo luận của Hội nghị đặc biệt bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ngày 14-6 - Ảnh: Reuters
Quang cảnh thảo luận của Hội nghị đặc biệt bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ngày 14-6 - Ảnh: Reuters

 

Trong bản tuyên bố ban đầu do Bộ Ngoại giao Malaysia cung cấp cho Hãng tin AFP, các nước ASEAN cảnh báo những hành động gần đây trong vùng biển tranh chấp (không nêu tên trực tiếp Trung Quốc) “có khả năng gây tổn hại đến hòa bình”.

Thông điệp cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể phớt lờ những gì đang xảy ra ở Biển Đông vì đây là một vấn đề quan trọng trong quan hệ và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Nhưng chỉ ba giờ sau khi công bố tối 14-6, Malaysia thông báo Ban thư ký ASEAN chỉ đạo thu hồi văn bản này dù trước đó họ đã thông qua.

“Chúng tôi phải thu hồi bản tuyên bố gửi đến báo chí của các ngoại trưởng ASEAN vì có những thay đổi khẩn cấp cần phải thực hiện” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết. Cho đến hôm qua, theo AFP, phía Indonesia mới thông báo tuyên bố chung ASEAN bị thu hồi vì... nhầm lẫn!

Bản tuyên bố không xác nhận một cách rõ ràng thẩm quyền của Tòa trọng tài thường trực (PCA) hay kêu gọi Trung Quốc chấp nhận tính ràng buộc của phán quyết cho thấy sự đồng thuận chung tối thiểu của ASEAN vẫn còn tương đối thấp

AARON CONNELLY (chuyên gia Đông Nam Á thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy)

“Sợ tát vào mặt Bắc Kinh”

Theo Channel News Asia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra “khó hiểu” trước sự cố ngoại giao này và khẳng định chưa có văn bản chính thức nào được công bố.

“Chúng tôi đã kiểm tra lại với phía ASEAN, cái gọi là bản tuyên bố chung đăng tải bởi AFP không phải là văn bản chính thức của ASEAN” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định.

Nhưng theo thông tin từ một quan chức ASEAN do trang Bloomberg dẫn lại, nội dung tuyên bố chung của ASEAN phản ánh sự thất vọng của khối đối với những hành động gần đây của Trung Quốc, bao gồm nỗ lực của Bắc Kinh gây áp lực lên một số nước ASEAN.

Các bộ trưởng ban đầu thống nhất nội dung bản tuyên bố nhưng nó bị rút lại sau khi nước chủ nhà Trung Quốc “vận động hành lang” với một số nước.

Thông tin này chưa được kiểm chứng, nhưng báo The Diplomat cũng nhận xét không loại trừ khả năng các ngoại trưởng ASEAN chịu áp lực từ phía Trung Quốc, bởi một tuyên bố cứng rắn chỉ trích quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông ngay trên “sân nhà” của họ chẳng khác nào “cái tát vào mặt”.

Báo Wall Street Journal dẫn thông tin riêng từ một nhà ngoại giao cấp cao ASEAN tiết lộ các thành viên của khối quyết định không đưa ra tuyên bố chung, thay vào đó mỗi nước sẽ ra tuyên bố riêng nếu họ muốn.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Singapore và Indonesia đã đưa ra những tuyên bố riêng rẽ nhắc lại những điểm chính của bản tuyên bố chung ban đầu.

Đáng chú ý, vì lý do nào đó cuộc họp ở tỉnh Vân Nam ngày 14-6 đã kéo dài quá giờ theo lịch dự kiến khiến ban tổ chức phải hoãn buổi họp báo của Ngoại trưởng Vương Nghị đến chiều tối 14-6, trễ năm giờ so với dự kiến.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, đồng chủ trì hội nghị cùng ông Vương, giờ chót đã không xuất hiện trong cuộc họp báo. Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích ông Balakrishnan đã đáp chuyến bay về nhà, còn phía Singapore thì chưa có lời giải thích nào.

Không phải lần đầu

Với nguyên tắc đưa ra quyết định theo thỏa hiệp, ASEAN trước đây từng chật vật để tìm tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông. Một số nước ủng hộ một phản ứng cứng rắn chống lại Bắc Kinh, trong khi những nước khác lại do dự, sợ làm mất lòng một đối tác kinh tế hùng mạnh.

Một sự kiện tiêu biểu là hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Campuchia hồi năm 2012. Hội nghị này kết thúc nhưng không có tuyên bố chung nào được đưa ra, dù năm 2012 là năm xảy ra màn đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough.

Trở lại Côn Minh, Bộ trưởng Vương Nghị mô tả hội nghị là một kênh liên lạc chiến lược “đúng lúc và quan trọng”. “Mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN có nhiều sự hợp tác hơn bất đồng, nhiều cơ hội hơn thách thức, nhiều đoàn kết hơn bất hòa” - trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương.

Mặc cho những lời lẽ tốt đẹp đó, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc trong bài xã luận sáng 15-6 lại giật tít: “ASEAN vỗ mặt Trung Quốc vì Biển Đông? Ý nghĩ điên rồ của truyền thông phương Tây”.

Báo này khẳng định không có tuyên bố chung nào được hội nghị đưa ra và một động thái như vậy cần được tất cả các bên đồng ý.

Các nhà phân tích nhận xét bản tuyên bố chung ngày 14-6 không khác mấy so với quan điểm của ASEAN trước nay, vốn cũng kêu gọi đối thoại hòa bình và tránh không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc.

“Bản tuyên bố vẫn là một sản phẩm của cách tiếp cận thiếu nhất quán và được trau chuốt để có thể diễn giải theo nhiều cách khác nhau” - chuyên gia Đông Nam Á Aaron Connelly thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy nhận định.

Văn bản gốc nói gì?

Hội nghị các ngoại trưởng Trung Quốc - ASEAN ở Côn Minh lần đầu tiên được đề xuất hồi tháng 2-2016 trong cuộc gặp các ngoại trưởng ASEAN. Malaysia đề xuất cơ chế đối thoại này để ASEAN có cơ hội nói lên những quan ngại của mình trước diễn biến gần đây trên Biển Đông. Tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông trước khi thu hồi có nội dung như sau:

“Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang xảy ra (tại Biển Đông), điều đã làm xói mòn lòng tin và sự tín nhiệm, làm gia tăng căng thẳng vốn có khả năng gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và sự kiềm chế trong tiến hành mọi hoạt động, bao gồm cải tạo đất, vốn có thể gây căng thẳng tại Biển Đông.

Chúng tôi nhấn mạnh cam kết của ASEAN trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, bên cạnh đó là giải pháp hòa bình cho các tranh chấp...

Tôn trọng tuyệt đối các quy trình pháp lý và ngoại giao, không dùng giải pháp dọa dẫm hoặc sử dụng vũ lực, tuân theo các nguyên tắc của luật quốc tế được thế giới công nhận, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp