03/05/2019 09:40 GMT+7

Vì sao Anh sa thải bộ trưởng quốc phòng?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Việc Thủ tướng Anh Theresa May sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson lột tả lục đục nội bộ bị mô tả là một “đòn hi sinh” cho chính trường nước này.

Vì sao Anh sa thải bộ trưởng quốc phòng? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson (trái) và Thủ tướng Theresa May - Ảnh: Reuters

Trong thông báo sa thải ông Williamson hôm 1-5, Chính phủ Anh nêu rõ Thủ tướng May đã quyết định sau khi mất lòng tin vào khả năng phục vụ của ông Williamson ở Bộ Quốc phòng cũng như dưới tư cách thành viên nội các.

Điểm nóng Huawei

Tuyên bố của Thủ tướng May được đưa ra sau một cuộc điều tra nhằm vào bài viết của Telegraph đăng ngày 24-4, liên quan tới cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia Anh (NSC). Theo đó, NSC đã nhất trí cho phép công ty công nghệ Trung Quốc Huawei xây dựng một số thành phần trong mạng lưới viễn thông 5G ở Anh.

Trong bài viết của Telegraph, bà May đã quyết định độc đoán, không lắng nghe những lo ngại của các bộ trưởng về nguy cơ do thám tiềm ẩn nơi Huawei.

Đáng chú ý, thông tin của Telegraph đưa ra chỉ vài giờ sau cuộc họp của NSC. Xét tới tính chất tối mật của cuộc họp này, việc ai đó rò rỉ nội dung cho báo chí bên ngoài những gì NSC công bố dĩ nhiên rất đáng lưu tâm. Tờ New York Times (Mỹ) khẳng định: đây là vụ vi phạm bảo mật thông tin chính phủ thuộc hàng lớn nhất trong lịch sử nước Anh giai đoạn gần đây.

Trong thông báo của Chính phủ Anh, Thủ tướng May khẳng định các cuộc điều tra cho thấy có đủ bằng chứng nói ông Williamson - một thành viên NSC - chịu trách nhiệm cho vụ rò rỉ thông tin này. Bà May đã yêu cầu ông Williamson từ chức, nhưng vị này từ chối với lý do đó sẽ là chi tiết chẳng khác nào tự nhận tội.

Báo Guardian cho biết ông Williamson thực chất có nói chuyện qua điện thoại 11 phút với biên tập viên mảng tin chính trị Steven Swinford của Telegraph trong hôm xảy ra vụ rò rỉ. Tuy nhiên, vị bộ trưởng 42 tuổi này khẳng định mình không liên quan tới việc tuồn tin tức ra ngoài, đồng thời tuyên bố đang là nạn nhân của "một phiên tòa kangaroo" - ý nói xử bất công.

Kéo nhau vào hỗn loạn

Phần lớn truyền thông Anh và phương Tây đều ngỡ ngàng với quyết định thôi chức dành cho ông Williamson. Cú sa thải này như một giọt dầu đổ vào biển lửa chính trường Anh, vốn dĩ trở nên gần như hỗn loạn trong cơn bão mang tên Brexit.

Với việc sa thải ông Williamson, Thủ tướng May đã chứng kiến 30 bộ trưởng lần lượt ra đi kể từ lúc bà nắm quyền năm 2016 tới nay. Thậm chí, chính bà May cũng sẽ từ chức theo lời hứa ngay sau khi thỏa thuận rời EU này được hoàn tất.

Báo Guardian, tờ báo ủng hộ Anh ở lại EU, bày tỏ sự chán nản. Trong bài viết ngày 2-5, tờ báo này cho rằng vẫn có nhiều trường hợp cảm thông cho ông Williamson, ví dụ như chuyện công chúng được biết các thông tin hội họp, hay việc tuồn ra cho báo chí cũng là cách Quốc hội Anh biết đường tranh luận về các vấn đề như an ninh quốc gia.

Nhưng Guardian cho rằng Williamson dường như đã hành động vì mục đích chính trị của riêng mình, mà cụ thể là cố tình làm xấu mặt các đối thủ trong nội các của mình. Còn tạp chí New Statesman nói thẳng rằng ông Williamson và bà May - từng là những cộng sự thân thiết, đã tự dìm chết danh tiếng của nhau sau vụ việc này.

Trên thực tế, Williamson là một vị bộ trưởng tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Hồi tháng 2 vừa qua, vị bộ trưởng này dọa sẽ triển khai tàu chiến ở khu vực Thái Bình Dương. Phát biểu này được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond tới Bắc Kinh (Trung Quốc), và bị cho là đã khiến ông này phải hủy lịch trình. Một vụ tranh cãi nảy lửa diễn ra sau đó giữa hai vị bộ trưởng này, cũng tương tự lời qua tiếng lại của ông Williamson và bà May lúc này vậy.

Bổ nhiệm nữ bộ trưởng quốc phòng mới

Song song quyết định sa thải ông Williamson, chính phủ của Thủ tướng May đã bổ nhiệm bà Penny Mordaunt làm bộ trưởng quốc phòng mới. Đây sẽ là lần đầu tiên nước Anh có bộ trưởng quốc phòng là phụ nữ.

Bà Mordaunt sắp tới sẽ kiêm nhiệm vị trí bộ trưởng vấn đề phụ nữ và bình đẳng. Trong khi đó, cựu bộ trưởng phụ trách nhà tù Rory Stewart sẽ thay thế bà Mordaunt ở vị trí bộ trưởng phát triển quốc tế (chuyên giám sát vấn đề viện trợ nước ngoài).

Bộ Quốc phòng Anh và Biển Đông

Có thể nhiều độc giả Việt Nam cũng phải quan tâm tới số phận của Bộ Quốc phòng Anh sau khi ông Williamson từ chức.

Việc ông này tuyên bố đưa tàu sân bay trang bị tiêm kích F-35 tuần tra ở Biển Đông tháng 2-2019 đã khiến Trung Quốc nóng mặt. Trước đó vào cuối năm 2018, cũng ông Williamson trong một tuyên bố riêng biệt, khẳng định Anh đang nghiên cứu khả năng lập căn cứ quân sự tại Singapore. Đây là một động thái nữa khiến nhiều ánh mắt nghiêng về phía Trung Quốc.

Xét tổng thể, ông Williamson là nhân vật phục vụ tốt cho ý định gây tranh cãi của Anh về chiến lược "Global reach", đưa nước Anh trở lại vị trí cường quốc kinh tế - chính trị thông qua sự hiện diện quân sự toàn cầu.

Ở góc nhìn hẹp hơn, ông Williamson thể hiện quan điểm cứng rắn trong câu chuyện "thể hiện sức mạnh cơ bắp" của Anh ở các điểm nóng như Biển Đông.

Việc một nhân vật xem Trung Quốc, cũng như Huawei, là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ an ninh, phải rời chức hẳn cũng ít nhiều tác động ngắn hạn tới kế hoạch của Anh ở Biển Đông.

Bộ trưởng quốc phòng Anh bị sa thải vì rò rỉ thông tin về Huawei

TTO - Thủ tướng Anh Theresa May đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Gavin Williamson, vì vụ rò rỉ thông tin về một quyết định quan trọng liên quan tới gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp