Dữ liệu giám sát hành trình từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy hàng loạt nhà xe có số lần vi phạm tốc độ khá lớn, lên tới hàng ngàn lần mỗi tháng, trong đó có nhà xe vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần/tháng.
Những 'quan tài bay' từ xe khách
Tuy nhiên, do những bất cập trong quy định, nguồn dữ liệu này chưa thể làm căn cứ để phạt nguội mà chỉ được dùng cho thu hồi phù hiệu. Song nhà xe có thể đăng ký phù hiệu lại ngay rồi tiếp tục đưa xe vào hoạt động!
Ám ảnh với các "quan tài bay"
12 năm chạy trên trục quốc lộ 20, anh Nguyễn Nhật Minh, tài xế chạy xe du lịch tour TP.HCM - Đà Lạt, cho hay đã quá quen thuộc với cách chạy ẩu của một số tài xế xe tải chở rau và xe khách.
Cứ vào khung giờ từ 22h đến gần sáng, những xe này lao vun vút trên quốc lộ 20 hướng từ TP.HCM - Lâm Đồng. Đây thực sự là nỗi ám ảnh của những người đi ô tô 4-7 chỗ và xe tour gia đình khi cùng đi trên quốc lộ 20. Ai cũng ngán và dặn nhau "né và nhường" những xe này.
"Dù xe tải, xe khách chạy bạt mạng trên quốc lộ 20 là vậy nhưng có vẻ việc xử phạt tốc độ, lấn làn... vẫn chưa đủ nghiêm khắc nên việc vi phạm vẫn tái diễn từ năm này qua năm khác.
Không ít vụ tai nạn do xe tải, xe khách chạy sai đã xảy ra trên tuyến quốc lộ 20, đặc biệt là đoạn từ Dầu Giây đến đèo Bảo Lộc", anh Minh nói.
Theo anh Minh, để xử lý tình trạng này không quá khó, chỉ cần lực lượng cảnh sát giao thông phạt nghiêm vi phạm tốc độ, lấn làn, vượt ẩu... Lắp đặt thêm camera trên đường ghi lại hình ảnh "phạt nguội" thật đúng, đủ lỗi vi phạm... chắc chắn nhà xe sẽ không dám ẩu, ngông nghênh vi phạm.
Tuy nhiên, phải đảm bảo không có tiêu cực xảy ra, nhà xe vi phạm phải hoạt động đúng pháp luật. Mặt khác, cần có biện pháp chế tài phía nhà xe, tránh chuyện ép tài xế chạy quá giờ, quay đầu xe liên tục để đạt chỉ tiêu...
Giám đốc một công ty vận tải ở quận 7 (TP.HCM) cho biết các doanh nghiệp rất mong tuyển chọn được lái xe có tâm, chấp hành các quy định. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu phương án tích hợp lịch sử lái xe, các trường hợp vi phạm của tài xế để doanh nghiệp có thể tuyển dụng tài xế tốt hơn.
"Ngoài ra, khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng cần cập nhật ngay để doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh tài xế, tránh tái diễn vi phạm", vị này đề nghị.
Để dẹp nạn "hung thần xa lộ" này, theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, phải xử lý mạnh tay với các vi phạm có tính lặp đi lặp lại để răn đe.
Ngoài trường hợp vi phạm có thể bị xử lý tại chỗ, các đơn vị hoàn toàn có thể dựa vào dữ liệu giám sát hành trình ghi lại để xác định xe đăng ký hoạt động tại đâu, tốc độ di chuyển như thế nào... là xác lập được vi phạm. Nếu có cơ chế sử dụng dữ liệu này làm căn cứ, chứng cứ xử lý rõ ràng thì "phạt nguội".
Đặc biệt, phải có hình thức chế tài nặng đối với nhà xe không chấp hành thì sẽ không còn nhà xe "thản nhiên vi phạm" nữa.
"Đơn cử như câu chuyện "xe dù, bến cóc" ở TP.HCM và các địa phương khác tồn tại lâu nay nhưng khó xử lý dứt điểm. Nếu có thể khai thác tốt dữ liệu giám sát hành trình thì quá trình xử lý thuận tiện hơn, đúng người đúng tội.
Các phương thức xử phạt, mức phạt hiện hành chưa đủ tính răn đe nên nhà xe sẵn sàng vi phạm", ông Tuấn nói.
Dữ liệu camera chưa thể dùng xử phạt?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ trong ngành giao thông cho biết nguồn dữ liệu giám sát hành trình phương tiện trên cả nước đều được truyền về Cục Đường bộ Việt Nam.
Tuy nhiên, nguồn dữ liệu này chưa được kết nối, chia sẻ về sở GTVT các địa phương để truy xuất và khai thác dữ liệu một cách nhanh chóng. Mỗi tháng, nguồn dữ liệu này sẽ được trích xuất để gửi cho các địa phương nhằm xử lý thu hồi phù hiệu, chứ chưa thể áp dụng xử phạt.
Theo quy định, các xe có từ năm lần vi phạm tốc độ/1.000km sẽ bị tước phù hiệu không thời hạn. Việc cấp lại phù hiệu cũng không có thời hạn cụ thể. Vì vậy, sau khi bị thu hồi phù hiệu, nhà xe lại xin cấp lại.
Trên thực tế, chiếc xe giường nằm của nhà xe Thành Bưởi trong vụ tai nạn làm chết năm người cùng bốn người bị thương trên quốc lộ 20 ở Đồng Nai vào ngày 30-9 đã ba lần bị thu hồi phù hiệu trong năm 2023.
"Do việc thu hồi và cấp lại phù hiệu còn bất cập, cùng với đó là dữ liệu vi phạm từ giám sát hành trình chưa thể phạt tiền dẫn đến nhà xe lờn luật.
Đây thực sự là một bất cập rất lớn cần được điều chỉnh ngay. Bởi khi nguồn dữ liệu giám sát hành trình từ cả triệu phương tiện có thể áp dụng phạt nguội, tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ rất hiệu quả", vị này nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng cho biết dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình chưa đủ cơ sở pháp lý để chuyển cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính.
Bởi theo quy định, loại thiết bị ghi nhận dữ liệu làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính phải được công nhận phù hợp quy chuẩn và phải được kiểm định định kỳ. Trong khi đó, thiết bị giám sát hành trình được công nhận hợp quy chuẩn nhưng chưa được kiểm định theo định kỳ.
Cũng theo ông Quyền, quy định xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nếu dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe trong một tháng ghi nhận có năm lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy nhưng chưa quy định phù hiệu bị thu hồi trong thời hạn bao lâu là bất cập.
Do vậy, cần sửa đổi quy định thu hồi phù hiệu có thời hạn mới được cấp lại nhằm tăng tính răn đe.
Ngoài ra, phần mềm quản lý dữ liệu cần được nâng cấp đủ thông minh để thống kê dữ liệu tự động, tạo sự tiện lợi cho người khai thác, quản lý thay vì khi xe nào xảy ra tai nạn mới tập trung rà soát, thống kê.
Đặc biệt, phần mềm cần có tính năng cảnh báo trực tiếp trên thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe. Khi tài xế chạy quá tốc độ sẽ cảnh báo ngay để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn thay vì người theo dõi dữ liệu kiểm tra hay hậu kiểm mới phát hiện.
"Nhà nước cần có chính sách phù hợp như doanh nghiệp nào có xe vi phạm ít sẽ được giảm mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe, kéo dài chu kỳ phù hiệu được cấp.
Doanh nghiệp nào có xe vi phạm nhiều sẽ bị tăng mức phí bảo hiểm, rút ngắn chu kỳ của phù hiệu để hạn chế vi phạm của tài xế, doanh nghiệp", ông Quyền đề xuất.
Sẽ nâng chế tài với xe vi phạm tốc độ qua dữ liệu giám sát hành trình
Thông tin từ Bộ GTVT cho biết đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô.
Theo đó, xe bị thu hồi phù hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi xe trong một ngày có từ ba lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5km/h).
Dự thảo cũng quy định sở GTVT không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu đến sở GTVT để đảm bảo tính răn đe.
Với xe hợp đồng và du lịch bị thu hồi phù hiệu do vi phạm đăng tải một trong các thông tin: hành trình/lộ trình; điểm đầu/nơi đi, điểm cuối/nơi đến; chuyến xe có xác định giờ khởi hành/xuất phát; giá vé hoặc số tiền/hành khách; địa điểm đón, trả khách sẽ không được cấp lại phù hiệu trong 60 ngày.
Quá thời hạn 15 ngày kể từ khi có quyết định thu hồi phù hiệu, đơn vị kinh doanh vận tải không nộp phù hiệu, sở GTVT sẽ đăng tải quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, biển hiệu trên trang thông tin điện tử của sở.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng tải, nếu đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, sở GTVT cập nhật vào Chương trình quản lý kiểm định và có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, không cấp lại phù hiệu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Vi phạm tốc độ 6.000 lần/tháng vẫn không bị xử lý?
Theo dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách ở Quảng Ngãi vi phạm tốc độ.
Cá biệt, Công ty THHH MTV MT-DV vận tải chất lượng cao Việt Thắng (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) liên tục vi phạm tốc độ. Có tháng, 12 xe khách của đơn vị này vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần.
Phóng nhanh vượt ẩu được ghi nhận, nhưng cơ quan chức năng không thể xử phạt tài xế và chủ xe. Ông Võ Phiến, phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, cho biết có thời điểm cơ quan này tước phù hiệu đồng loạt hơn 100 xe khách vì vi phạm tốc độ.
Tuy nhiên, rất nhanh sau đó các doanh nghiệp này xin cấp lại phù hiệu, tiếp tục hoạt động và lại vi phạm tốc độ.
Ghi nhận qua thiết bị giám sát hành trình nhiều xe khách tại Quảng Ngãi tháng này qua tháng nọ vi phạm tốc độ.
"Vi phạm tốc độ của nhiều doanh nghiệp vận tải tái diễn liên tục. Thiết bị giám sát hành trình ghi nhận rõ ràng, nhưng theo quy định, dữ liệu này chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước. Hình thức xử lý chỉ là tước phù hiệu, tuyên truyền nhắc nhở chủ phương tiện, không có chế tài tăng thêm", ông Phiến nói.
Cũng theo ông Phiến, điều bất cập là việc tước phù hiệu không có thời hạn nên doanh nghiệp có thể đăng ký lại phù hiệu ngay rồi tiếp tục hoạt động và lại vi phạm tốc độ. Do đó, ông Phiến đề nghị sửa đổi, bổ sung nghị định 10/2020 theo hướng tước phù hiệu có thời hạn.
"Nếu vi phạm tốc độ, tước phù hiệu 1-3 tháng thì xe đứng bánh, phạt hành chính chủ xe, tước bằng lái tài xế vi phạm... Có như vậy nhà xe mới không nhờn thuốc", ông Phiến kiến nghị.
Trong thời gian qua, mỗi lần nhận dữ liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Quảng Ngãi liền gửi cho Cảnh sát giao thông tỉnh nắm thông tin các xe này theo dõi, bắn tốc độ để có cơ sở xử phạt hành chính, tước giấy phép lái xe của tài xế...
Những doanh nghiệp vi phạm tốc độ bị thu phù hiệu vẫn tái diễn liên tục như Hợp tác xã dịch vụ vận tải Miền Trung, Hãng xe khách Chín Nghĩa, nhà xe Việt Thắng...
Phải mạnh tay với tài xế phóng nhanh vượt ẩu
Thượng tá Hồ Văn Thư, trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi, kiến nghị sớm bổ sung quy định cho phép sử dụng dữ liệu giám sát hành trình để phạt nguội, chặn đứng nạn phóng nhanh vượt ẩu dẫn đến những tai nạn thương tâm.
"Có dữ liệu chứng minh vi phạm rồi, chỉ cần có quy định để áp dụng xử lý nghiêm. Vấn đề ở đây là xe chỉ cần nhích tốc độ quá 1km so với quy định, thiết bị giám sát hành trình lập tức ghi nhận vi phạm tốc độ.
Vì thế, dữ liệu cần rõ ràng hơn để có cơ sở xử lý. Phải sàng lọc, mạnh tay với tài xế và chủ xe phóng nhanh vượt ẩu, gây nguy hiểm trên đường", thượng tá Thư nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận