Phóng to |
Trong bảng liệt kê các khoa cần tuyển giảng viên, người đọc thấy các khoa xã hội học, bảo hộ lao động và bộ môn tin học đều có ghi chú “ưu tiên nam”, thậm chí có nơi khẳng định chỉ tuyển nam. Như vậy, 6/20 chỉ tiêu cần tuyển của Đại học Công đoàn đã khép lại các ứng viên là nữ, cho dù những người này có đủ tiêu chuẩn đáp ứng vị trí giảng viên.
Chưa hết, ở mục tiêu chuẩn, khi nói về tuổi đời, thông báo viết: “Ứng viên có trình độ đại học là nam giới không quá 35 tuổi; là nữ giới không quá 30 tuổi. Ứng viên có trình độ thạc sĩ là nam giới không quá 40 tuổi, là nữ giới không quá 35 tuổi. Ứng viên có trình độ tiến sĩ là nam giới không quá 45 tuổi, là nữ giới không quá 40 tuổi”.
Trong Luật bình đẳng giới, tại khoản 1, điều 13 (bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động) có ghi “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác”.
Việc thông báo tuyển dụng như trên của Đại học Công đoàn, theo tinh thần nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10-6-2009 về xử phạt hành chính vi phạm Luật bình đẳng giới, tại điểm 2 điều 8 của nghị định sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.
Luật bình đẳng giới đã được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29-11-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007. Đây là một đạo luật thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nam và nữ; đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước ta trong việc cụ thể hóa và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người và bình đẳng giới mà nước ta là thành viên.
Sau khi Luật bình đẳng giới được ban hành, Chính phủ đã có chỉ thị số 10/2007/CT -TTg ngày 3-5-2007 về việc thi hành Luật bình đẳng giới. Và hai năm sau khi Luật bình đẳng giới chính thức có hiệu lực, Chính phủ ban hành nghị định số 55/2009/NĐ-CP về hướng dẫn xử phạt hành chính. Như vậy, chúng ta đã có đủ luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đến nay, luật đã có hiệu lực hơn ba năm, thế nhưng ngay thủ đô Hà Nội vẫn có những việc làm vi phạm Luật bình đẳng giới. Đáng buồn là những nơi vi phạm luật lại là những đơn vị đào tạo bậc cao, như một học viện trước đây (xem “” - Tuổi Trẻ 3-11-2009) và nay là một trường đại học.
Thế mới biết còn nhiều người vẫn chưa thoát khỏi những định kiến về giới. Điều này cho thấy chặng đường bình đẳng giới ở VN còn nhiều gian nan, và việc thúc đẩy Luật bình đẳng giới đi vào cuộc sống quả là “đường xa, gánh nặng”.
Điều 8. Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động 2. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hoặc đối với các nghề nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật; b) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận