Các đại biểu góp ý kiến cho dự thảo luật ngày 11-9 - Ảnh: T.L.
Đó là ý kiến góp ý thẳng thắn của các đại biểu tại hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính được Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 11-9.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) nhận định hiện nay thực trạng vi phạm hành chính diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên, việc xử lý dường như chưa thực sự hiệu quả. Có những vụ việc thấy rõ là vi phạm, xử phạt hành chính được nhưng khi kiểm tra, đến nơi để xử phạt thì người vi phạm đã chuyển tên người khác.
“Nhiều vụ vi phạm nhưng không cưỡng chế được. Ví dụ ngân hàng không hợp tác vì cho rằng họ phải bảo mật thông tin cá nhân cho khách hàng. Vì vậy dù có xử phạt số tiền lớn nhưng không thực hiện được. Chúng ta phải quy định sao để không tràn lan các hành vi vi phạm. Nói thì có vẻ chúng ta đang bất lực nhưng với các quy định hiện nay thì việc xử phạt hành chính là rất khó”, bà Văn Thị Bạch Tuyết góp ý.
Có rất nhiều ý kiến góp ý về quy định bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (khoản 2 điều 86 của luật) về việc “ngừng cung cấp các dịch vụ điện nước, nước tại địa điểm vi phạm". Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định rõ hơn để khi áp dụng biện pháp này, tránh bị lợi dụng.
Theo đại diện Đại học Luật TP.HCM, hiện nay có nhiều vi phạm về xây dựng và môi trường bị xử phạt nhưng không nên bổ sung biện pháp cắt điện nước.
“Chúng ta ngừng cung cấp điện nước nhưng có chắc người vi phạm sẽ ngừng vi phạm hay không? Họ có cách sử dụng điện nước của hộ dân, doanh nghiệp khác gần đó. Vì vậy cần đưa vào luật các quy định có hiệu quả hơn.
Ví dụ như cá nhân, tổ chức phải để một khoản tiền ở ngân hàng, nếu vi phạm là bị khấu trừ. Chứ không như thực trạng hiện nay, bị xử phạt hành chính nhưng không đóng phạt, cưỡng chế cũng không được”, vị đại biểu góp ý.
Nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng: Tại sao có căn nhà hàng chục tầng xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên được xây dựng? Trong khi có người mới đổ đống cát trước nhà đã có cán bộ vào nhắc nhở?
Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng luật có quy định biện pháp hành chính là được quyền khôi phục tình trạng ban đầu nếu có vi phạm thì không làm mà cứ luẩn quẩn những biện pháp nhỏ như cắt điện, nước... Do đó, muốn luật đi vào thực tế thì phải đảm bảo yếu tố con người và nhận thức mới có thể xử lý được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận