Toàn cảnh hội thảo tại TP Sầm Sơn chiều 18-8- Ảnh: Hà Đồng |
Hội thảo do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Hiệp hội truyền hình trả tiền VN tổ chức, dưới sự chủ trì của thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo.
Tham dự hội thảo có đại diện 11 đài truyền hình trong nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, đại diện nhóm các chủ sở hữu bản quyền tại VN, đại diện các tổ hợp truyền thông quảng cáo.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: cùng với sự phát triển của các loại hình dịch vụ Internet, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình diễn ra trên diện rộng, ngày càng gia tăng với nhiều phương thức tinh vi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động và doanh thu của các đài truyền hình, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.
Vấn đề bản quyền nội dung truyền hình trên internet tại VN là yếu tố quan trọng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động cung cấp nội dung truyền hình trả tiền, thúc đẩy việc tăng doanh thu bình quân/thuê bao, tạo điều kiện cho ngành nội dung số phát triển. Để bảo vệ bản quyền phải đạt được hai mục tiêu là: bản quyền chủ sở hữu được tôn trọng và được sử dụng hợp pháp. Có bản quyền nội dung, nhưng việc cung cấp nội dung có bản quyền phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. |
Ông Nguyễn Thành Lương - phó tổng giám đốc Đài truyền hình VN cho biết: “VTV là đơn vị đang bị vi phạm bản quyền trắng trợn và nhiều nhất. Nhiều đơn vị đang hưởng lợi từ sản phẩm của VTV, nếu đưa ra pháp luật thì nhiều vụ kiện dân sự đã xảy ra.
VTV đang dùng mọi biện pháp để bảo vệ bản quyền của mình. Các kênh của VTV ít bị vi phạm, nhưng chương trình bị vi phạm nhiều. VTV mong muốn các bên sử dụng phải nhận thức rõ ràng là cái gì không phải của mình thì không dùng. VTV sẵn sàng hợp tác để chia sẻ nguồn tin cho các đơn vị có nhu cầu.”
Bàn về các giải pháp để hạn chế, tiến tới chấm dứt vi phạm bản quyền truyền hình trên internet tại VN, các đại biểu tham gia hội thảo, các nhà quản lý, lãnh đạo các đài truyền hình đều cho rằng:
- Cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trên Internet vi phạm bản quyền.
- Cần có mức phạt cao, có sức răn đe đối với đơn vị vi phạm bản quyền.
- Nhà cung cấp dịch vụ đường truyền cần có chế tài nghiêm khắc, từ chối cung cấp dịch vụ đối với những trang mạng vi phạm bản quyền truyền hình.
- Các doanh nghiệp quảng cáo nên chấm dứt việc quảng cáo sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội, thông tin điện tử cố tình vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet…
Theo thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) cung cấp tại hội thảo, tính đến nay nước ta có 272 kênh truyền hình phát thanh được cấp phép. Trong đó: 77 kênh phát thanh quảng bá, 9 kênh phát thanh phát trên dịch vụ truyền hình trả tiền, 103 kênh truyền hình quảng bá, 84 kênh truyền hình sản xuất phục vụ truyền hình trả tiền, kênh nước ngoài được cấp phép biên tập 50 kênh. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền tính đến tháng 7-2017 có 13.567.279 thuê bao, tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 4.060 tỷ đồng. Về thực trạng vi phạm bản quyền nội dung trên Internet ở Việt Nam, hiện nay có 3 dạng vi phạm bản quyền điển hình là: - Vi phạm trên các trang thông tin điện tử (website), các ứng dụng (app), OTT không phép (OTT lậu). - Vi phạm trên các website, các ứng dụng (app) của một số doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chủ yếu là dịch vụ OTT. - Một số đài PT-TH sử dụng hình ảnh, tư liệu trong chương trình, kênh chương trình nhưng không xin phép chủ sở hữu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận