Phóng to |
Dù đã lựa chọn Thử thách cùng bước nhảy làm cuộc chơi truyền hình thực tế lớn cho thời điểm cuối năm 2012, nhưng ban tổ chức (Đài truyền hình TP.HCM và Đông Tây Promotion) vẫn chưa chắc về sự thành công của chương trình được mua bản quyền từ Mỹ cho đến khi vòng tuyển chọn kết thúc. Khoảng 2.900 thí sinh tham dự vòng sơ tuyển tại bốn thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ là con số vượt quá mong đợi của ban tổ chức.
Ban giám khảo đã chọn ra 109 thí sinh vào bán kết (ghi hình tại Nhà hát Quân đội TP.HCM trong ba ngày 26, 27 và 28-8). Ở vòng bán kết, mỗi thí sinh phải trải qua bảy thử thách khó nhằn (thí sinh không được biết trước các thể loại nhảy múa của họ cho đến khi được thông báo ngay tại nơi diễn ra vòng bán kết).
Trước tiên là thể hiện một bài nhảy đơn tự chọn. Sau đó lại phải tự bắt cặp, tập và thi tại chỗ các tiết mục theo phong cách hip hop, broadway, Latin, đương đại. Các thí sinh cũng phải tự chia nhóm (năm người/nhóm) để trình diễn một tiết mục tự biên tự diễn. Và cuối cùng là phải trải qua phần thuyết trình vì sao tôi lại chọn phong cách này, tiết mục kia, bạn nhảy nọ...
20/109 thí sinh tiếp tục trải qua những thử thách “khó xơi” để có mặt trong vòng chung kết với 18 live show truyền hình trực tiếp trên HTV7 từ ngày 13-10.
Nhiều định kiến “nhảy nhót” là nhố nhăng, chẳng tích sự gì. Đặc biệt với bộ môn nhảy hip hop, break-dance, popping... vẫn luôn bị coi là “vũ điệu đường phố” dành cho “phường lục lâm”. Vậy nên những bạn trẻ trót mê các loại hình nhảy múa này, hầu hết đều gặp sự phản đối, thậm chí ngăn cấm từ gia đình, người thân. Việc có một sàn diễn dài hơi, mang tính toàn quốc, được đầu tư và được công nhận như Thử thách cùng bước nhảy với nhiều thí sinh cứ như... chuyện cổ tích.
Thí sinh Trần Anh Huy (TP.HCM) - từng là thành viên của vũ đoàn Hoàng Thông - bộc bạch vì muốn ba mẹ vui lòng, anh đã từ bỏ niềm đam mê nhảy múa để theo học một nghề khác. Nhưng hai năm làm công việc mới không mang đến cho anh bất cứ hứng thú nào. Và “khi bước lên sàn nhảy và thể hiện phần thi của mình, tôi biết mình đã làm đúng. Nhảy là điều tôi yêu thích, nhảy là cuộc sống của tôi” - Anh Huy nói.
Với hai anh em Trần Quốc Hùng và Trần Thị Thương Hoài (Nghệ An), hip hop là “lối thoát” cho cả hai trong cuộc sống. Hai anh em đều chịu nhiều khủng hoảng của tuổi mới lớn, nhưng em gái Thương Hoài thì không vượt qua được và rơi vào trầm cảm khi người cha đi nước ngoài định cư. Cô gái 18 tuổi đã trải qua nhiều trị liệu tâm lý nhưng không thành công cho đến khi cùng anh trai tập nhảy hip hop. “Không cần biết mình sẽ có cơ hội vào vòng trong hay không, chỉ cần đến đây, gặp được rất nhiều bạn có cùng đam mê tưởng chừng như khác người của mình là em đã cảm thấy được an ủi, chia sẻ rất nhiều” - Hoài tâm sự.
Hãy cho em nhảy! Sống với đam mê nhảy múa của chính mình, Hoa Đức Công (Hà Nội) - giải nhì popping Đông Nam Á 2011, giải nhì popping Juste debout Singapore 2012 - là một câu chuyện cảm động. Anh đang mang bệnh hiểm nghèo. “Nằm một chỗ thì em cũng chết. Hãy cho em nhảy!” - Đức Công thuyết phục ban tổ chức cho anh tham gia cuộc chơi và đã đi đến vòng bán kết. Nhưng vì không muốn ảnh hưởng đến chương trình, anh đã đồng ý chia tay Thử thách cùng bước nhảy bằng một tiết mục biểu diễn cá nhân dài một phút. Chỉ một phút nhưng những bước nhảy cá tính, đầy khát khao chinh phục và cống hiến của vũ công 21 tuổi Hoa Đức Công sẽ tiếp thêm sức mạnh cho không chỉ những ai yêu nhảy múa... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận