Một con kênh nội đồng cạn nước ở huyện Long Phú, Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Bà xót và thương vườn cây, ao cá. Lâu lâu bà lại cất tiếng thở dài: "Chưa năm nào tao thấy mùa khô lại đến sớm như năm nay, mấy cây bưởi, cây xoài chắc chết hết quá bây ơi…".
Tâm tư của bà chắc cũng là nỗi trăn trở chung của bà con. Mùa mưa năm ngoái kết thúc quá sớm. Mới cuối tháng hai mà nước trong mương đã cạn lâu rồi, con kênh trước nhà cũng bắt đầu trơ đáy.
Tôi muốn ghi lại một cách chung sức chống hạn ở quê tôi tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang. Như bao làng quê ĐBSCL, chuyện về nước ngọt chưa bao giờ "nóng" như lúc này… Lo nước sinh hoạt, lo nước cứu cá dưới ao, lo nước tưới để cứu những vườn cây ăn trái và nỗi lo kéo dài cho những tháng ngày sắp tới…
Đi đâu cũng nghe bàn chuyện làm sao để có nước trong mùa hạn mặn năm nay. Giải pháp cũng có nhưng vất vả cũng lắm.
Khi nước dự trữ trong ao đã hết, cách duy nhất là phải tổ chức bơm chuyền từ xa, có khi xa đến hàng cây số và phải qua nhiều chặng. Máy bơm được huy động tối đa, có lẽ chưa bao giờ máy bơm quê tôi được phát huy công suất tối đa như lúc này.
Người dân thì túc trực gần như 24/24 giờ, hễ bất cứ lúc nào có thể bơm được là bơm, bất kể ngày hay đêm. Vườn cây, ao cá là sinh kế, là gia tài, ai cũng trân quý nó như chính cuộc sống của mình nên bằng mọi cách để có nước là quyết tâm lớn nhất lúc này.
Làng trên xóm dưới đều rộn ràng tiếng máy reo, tiếng vét bùn khơi thông dòng chảy. Rộn ràng, khẩn trương và lại thấy sự chan hòa, cái nghĩa cái tình, tương thân tương ái của người miền Tây cùng giúp nhau một tay để rồi sẽ được "trả công" khi đến lượt nhà mình.
Để sau mỗi "tua" nhà nào cũng có nước, niềm vui không chỉ đến với riêng ai mà với cả một cộng đồng. Trước khó khăn mới thấy hết sự sẻ chia đùm bọc, quyết tâm không đầu hàng hạn mặn.
Những dòng nước ngọt lành tuy đã hiếm hoi hơn rất nhiều nhưng vẫn chảy đều giữa lòng xóm, mang lại hi vọng cho cả vùng quê. Dòng nước có vị ngọt tình làng nghĩa xóm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận