25/11/2016 11:30 GMT+7

Vị ngọt của đêm và Mùa hè nghiêm ở Sài Gòn

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Đó cũng là những lát cắt cuộc sống được tìm thấy trong Liên hoan phim tài liệu và thể nghiệm tại TP.HCM từ ngày 21 đến 23-11, do DocLab, Viện Goethe và Trường ĐH Hoa Sen tổ chức.

Vị đêm - Ảnh: ĐPCC
False Brillante của đạo diễn Đỗ Văn Hoàng - Ảnh: ĐPCC

Một anh tài xế taxi thong thả làm ly cà phê đêm sau một ngày dài làm việc. Châm điếu thuốc, anh cất giọng khàn khàn: “Lái taxi đêm này chỉ có chở mấy cha nhậu xỉn về. Giống như bữa chở cha kia về, cái nó bảo: Anh chở em đi lòng vòng ngắm Sài Gòn đêm đi anh. Lúc im ắng này Sài Gòn mới là của mình này”.

Rồi anh nhấp ngụm cà phê đắng, nhìn ra ngoài con đường vắng lặng chỉ còn lác đác vài bóng người nhặt ve chai...

Chỉ bằng chiếc máy quay thô sơ, đạo diễn trẻ Cao Trung Thảo của phim Vị đêm đã dẫn người xem vào một “chiều không gian” khác của Sài Gòn.

Ở đó không có bóng dáng của những nhộn nhạo ồn ào, không có kẹt xe, chỉ có cà phê thơm và những câu chuyện dung dị về phận người.

Dù sống lâu ở Sài Gòn nhưng chắc ít người biết Sài Gòn có những hẻm cà phê đêm mở xuyên đến sáng. Không biết vị đạo diễn trẻ đã túc trực ở đây bao đêm để gom nhặt chuyện đời của những thân phận những tưởng là hạt cát giữa nơi đô hội này.

Mùa hè... nghiêm - Ảnh: ĐPCC
Mùa hè... nghiêm - Ảnh: ĐPCC

Cũng về Sài Gòn, Mùa hè... nghiêm! như một giọt nước mưa mát lạnh khi thành phố đang trong nắng hè. Vừa dí dỏm vừa chân thành, câu chuyện của An - một đảng viên trẻ tuổi trưởng thành từ xóm lao động nghèo - đã từng bước và mọi cách giúp cho những đứa trẻ nghèo trong khu phố của anh có một mùa hè vui nhộn, ý nghĩa!

Đó cũng là những lát cắt cuộc sống được tìm thấy trong Liên hoan phim tài liệu và thể nghiệm tại TP.HCM (từ ngày 21 đến 23-11, do DocLab, Viện Goethe và Trường ĐH Hoa Sen tổ chức), nơi người xem có dịp chiêm nghiệm 19 bộ phim tài liệu - là 19 sắc thái riêng - với chủ đề Hiện thực chuyển hình.

Không chỉ đưa những góc nhìn mới mẻ từ hiện thực xung quanh, những nhà làm phim trẻ của Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Macau, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha còn mạnh dạn đề cập đến những vấn đề gai góc, tôn vinh nỗ lực sống của những con người trong một xã hội đang đối diện với những vấn đề bệnh tật, sự kỳ thị, khan hiếm lòng tin, bạo lực gia đình... bằng lối tiếp cận mềm dẻo và trẻ trung.

HIV không phải là câu chuyện mới. Nhưng HIV trong câu chuyện của hai người phụ nữ nhiễm HIV vì chồng bị nghiện trong Trên rừng dưới thung (đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus) lại khác biệt.

Cái cười trong trẻo đầy nghị lực của người mẹ Lò Thị Tương khi tắm cho ba đứa con giữa suối, khi vượt rừng chặt măng, đốn củi, đổi cả cân măng rừng lấy hai cái bánh rán cho con khiến khóe mắt người xem cay xè, nhưng lại nhen lên một niềm lạc quan, ham sống mãnh liệt.

Hay lời tâm sự dở khóc dở cười của Lò Thị Lả: “Khi biết em bị HIV, mẹ em nuôi cho em một con lợn. Mẹ bảo nuôi dần để đến khi em chết cũng có được một cái đám giỗ đàng hoàng”.

Người làm phim cũng không thể đứng ngoài dòng chảy của thời cuộc, như đạo diễn Dapho Moradokphana (Myanmar) đã gói ghém trong Năm cuối ở trại tị nạn những bất ổn về chính trị. Cuộc chia ly của hai anh em ruột trong một trại tị nạn trở nên đầy ám ảnh trong tâm trí người xem.

Chỉ tiếc, có lẽ bị gán mác phim tài liệu và thể nghiệm, nhiều khán giả có thể đã bỏ qua những thước phim tài liệu sống động thể hiện những khoảnh khắc của sự thật, sự đeo bám của nhà làm phim, của lòng trắc ẩn và cả sự chân thành.

Những buổi chiếu phim lúc nào cũng có vài chục người xem, những suất đặc biệt như Chùm phim Varan, buổi chiếu khai mạc tối 21-11... đông người hơn, nhưng chưa bao giờ chật kín phòng chiếu! Đó là điều tiếc nuối nhất của liên hoan lần này.

Những ngày chiếu phim vào đầu tuần đã khiến cho những thứ hai, thứ ba, thứ tư không còn nhàm chán mà ngào ngạt “hương vị”: vị ngọt của màn đêm, vị trong trẻo của cuộc sống, vị lạ lẫm của những thể nghiệm lần đầu...

Và họ - những người trẻ chọn tài liệu làm “bầu trời” sáng tạo của riêng mình - vẫn sẽ theo đuổi con đường cực nhọc nhưng sắc bén và đầy ắp trải nghiệm sống.

Đạo diễn Đức kể chuyện gia đình Việt

Phim số 2 của Tạ Minh Đức - Ảnh: ĐPCC

Khán phòng buổi chiếu phim Ngôi nhà ở Ninh Hòa (Philip Widmann và Nguyễn Phương Đan) - buổi chiếu cuối của liên hoan - gần lấp đầy khán giả và mọi người đã nán lại hơn một giờ để trò chuyện cùng đạo diễn Philip Widmann.

Trong thời đại công nghệ với nhịp sống cực nhanh, Ngôi nhà ở Ninh Hòa đem đến nhịp điệu chậm rãi như chính cuộc sống diễn ra trong ngôi nhà gắn liền với ba thế hệ suốt 40 năm. Ở đó, những khung hình bình dị thuần Việt có thể làm nao lòng bất cứ ai yêu những giá trị truyền thống, những khung cảnh xưa của một nếp nhà.

Ở đó, mỗi người có thể có một đời sống riêng nhưng người bên kia đại dương trở về hay người ở nhà cùng gắn kết một mối quan tâm: tìm hài cốt của người con/ người chú/ người anh mất tích năm 1975.

Những khung hình tĩnh tại, những cú máy rất dài, cùng sự quan sát ánh sáng tinh tế của đạo diễn như thử thách người xem trong suốt nửa đầu phim, để rồi khiến họ chợt nhận ra thứ không khí rất đỗi bình yên đó là thứ đang mất dần đi trong cuộc sống hiện đại.

Ở đó, những kết nối của gia đình như một bức tranh lớn nhất, vượt qua sự xa cách về không gian hiện hữu và tâm linh.

Trịnh Đình Lê Minh

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp