22/07/2013 03:58 GMT+7

Vì lòng người là vô tận

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Chẳng có gì lớn bằng lòng người và cũng chẳng có gì lan tỏa nhanh bằng lòng người. Quán cơm tương trợ Nụ Cười của Quỹ từ thiện tình thương TP.HCM là một minh chứng điển hình.

mdHVy2lw.jpgPhóng to
Thực khách dùng bữa tại quán Nụ Cười 2 - Ảnh: Tự Trung

Ngày 12-10-2012, quán Nụ Cười ra đời, cung cấp 500 suất ăn trưa đến tay người nghèo với giá 2.000 đồng. Ngày 6-3-2013, quán Nụ Cười 2 khai trương. Ngày 11-5, quán Nụ Cười 3 cũng đông kín khách. Chỉ hai tuần sau, ban điều hành quỹ reo lên thông báo tin tốt lành: “Vui quá! Quán Nụ Cười 4 chuẩn bị ra mắt...”.

Gia tốc lòng người

Cam kết cốt tử

Quỹ từ thiện tình thương và các quán cơm Nụ Cười đưa ra những cam kết cốt tử: “Tiền các nhà hảo tâm quyên góp cho quỹ là tiền thiêng liêng, phải được trân trọng chuyển hết cho người thụ hưởng. Minh bạch tài chính là yêu cầu hàng đầu, cập nhật chính xác và nhanh chóng trong 24 giờ. Dự án suất ăn giá rẻ thêm một cam kết: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Quá nhanh so với dự tính ban đầu dù khi lập dự án “Suất ăn giá rẻ”, chủ tịch HĐQT quỹ Lê Văn Chính đã ôm ấp giấc mơ có chuỗi 100 quán Nụ Cười trên cả nước, còn chủ nhiệm dự án Nam Đồng bảo: “Có năm quán Nụ Cười là tôi mãn nguyện rồi”. Nụ cười cứ an nhiên nhân ra trên môi thực khách, tình nguyện viên, những mạnh thường quân, những người quản lý giữa lúc tình hình kinh tế trong mọi hướng, mọi chiều đều khó khăn, khủng hoảng. Làm sao đạt được điều đó? Vẫn chỉ có một câu trả lời: “Nhờ ở lòng người. Lòng người là vô hạn”.

Vừa ra đời, sau vài thông tin trên báo chí, những mạnh thường quân đã đến quán Nụ Cười nườm nượp, chỉ kém đông hơn khách đến ăn cơm mà thôi. Có doanh nghiệp tài trợ hằng tháng, có mạnh thường quân đóng hàng chục, hàng trăm triệu đồng, có khách đến ăn rồi góp cả tháng lương, có người chở tới bao gạo, có tiểu thương ở chợ cứ buổi trưa mang tới vài ký thịt, cá, rau. Lại có người mang đến một chiếc xe máy kèm theo giấy đăng ký để “tặng cho quán chạy chợ”, lại có ngân hàng đề nghị cho mượn thêm mặt bằng...

Một câu chuyện được các thành viên ban quản trị Quỹ từ thiện tình thương truyền cho nhau trong các buổi họp bàn và ai cũng tấm tắc, hể hả: Một bữa, một chị bán vé số là khách quen của quán rụt rè đến bên cô kế toán: “Tới ăn hoài, một phần cơm trả có 2.000 đồng, ngại quá. Tôi không có gì, xin cho tôi đóng góp...”. Nói rồi chị đặt lên bàn một chai dầu ăn vừa mua vội ngoài tiệm tạp hóa.

Ở quán Nụ Cười 2 cũng có một khách quen nhưng chỉ quen mặt với các tình nguyện viên. Anh chạy xe ôm, từ ngày quán mở cửa, cứ đến giấc trưa là anh đến, vừa dựng xong chiếc xe là sà ngay xuống sàn nước, cặm cụi ngồi rửa khay. Rửa cho đến khi hết khách giao khay anh mới đứng lên, rồi còn cơm thì ăn, hết cơm lại lên xe về. Trả lời những ái ngại của mọi người, anh chỉ nói nhỏ: “Không có tiền, muốn góp chút công vậy mà”...

Cứ vậy mà quán lớn nhanh như thổi. Từ 500 phần cơm cho ba ngày thứ hai, tư, sáu, chỉ sau hai tuần quán đã đủ sức mở cửa năm ngày/tuần. Đến tuần thứ ba thì có thêm sáng kiến cho ngày thứ năm: bún mọc 1.000 đồng. Thực khách ăn ngon lành, hể hả: “Nào có bao giờ dám vào quán, trừ khi vào mời người mua vé số. Bao giờ mới được ăn một tô bún ngon như vậy”. Nhìn nụ cười ấy, các mạnh thường quân còn vui hơn nữa và thế là “Ngày thứ năm hạnh phúc” ra đời, để những nụ cười “đỡ lắm” tươi hơn với các món bún mọc, bún bò, bánh canh, hủ tiếu, phở, mì... giá 1.000 đồng được nấu với chuẩn 20.000 đồng/tô trên thị trường.

Gia tốc nỗi lo

Trưa Sài Gòn nắng như đổ lửa, trước quán Nụ Cười 1 vẫn xôn xao một hàng dài bệnh nhân, cô bác tay cầm xấp vé số, những em học sinh. Còn ở quán Nụ Cười 2, cả một góc sân ngổn ngang xe đạp đeo theo bọc bị ve chai, phế liệu. Quán Nụ Cười 3 lao xao những gánh hàng rong, công nhân... Mọi người chuyền cho nhau những ly nước nhựa để giải nhiệt, chuyền cho nhau những nụ cười “đỡ lắm” mang đầy chia sẻ của người đồng cảnh, những nụ cười tràn đầy nhiệt tâm của tình nguyện viên, nụ cười mãn nguyện của người quản lý khi nghe thực khách nhận xét “ngon - no” với suất cơm 2.000 đồng.

Nhưng không chỉ có những nụ cười. Dưới bóng cây trên khoảnh sân rộng của quán Nụ Cười 2, mấy chị ve chai rủ nhau “ngồi cho dã nắng rồi ăn cơm” đã có một thoáng lo lắng: “Đông quá trời, mỗi ngày bù lỗ cũng bộn. Vái cho có ngân hàng nào tài trợ quán này để họ bán cho lâu, mình cũng được nhờ...”. Lướt qua diễn đàn trên website tuthientinhthuong.org, không ít khách, thành viên đã để lại những băn khoăn cho tình hình tài chính của quán. Làm sao để duy trì những bữa ăn tình nghĩa cho 500 người mỗi bữa này được bền vững, lâu dài và ngày càng mở rộng quả không phải câu hỏi dễ trả lời.

Những ngày này đến gặp những người điều hành quỹ, điều hành quán cơm đã thấy những lo lắng nhuốm vào nụ cười.

Giữa khuôn viên khang trang của quán Nụ Cười 2, ngoài những giờ tíu tít với gạo mắm thịt rau, bà Nguyễn Thị Châu - quản lý quán - lại dò trong các cuốn sổ tay cũ, các mối quan hệ để tìm mạnh thường quân cho các bữa cơm ngày thứ ba, năm, bảy. “Quán này được thừa hưởng những khoản tài trợ, những mối mua hàng vừa rẻ vừa ngon từ Nụ Cười 1, cả những tình nguyện viên chỉ nhận công bằng một suất cơm, nhưng cũng phải tính chuyện đứng một mình, phát triển một mình chớ” - bà Châu nói. Rồi bà lại lục trong trí nhớ những lần được bạn bè giới thiệu một người có tấm lòng vàng nào đó...

Đã có nhiều ngày thứ năm, thực khách háo hức đến xếp hàng ở quán Nụ Cười 1 trong nắng nóng Sài Gòn nhưng lại phải gặp vẻ mặt... khó nói của chủ nhiệm dự án Nam Đồng. Ông nhăn nhó, gãi đầu: “Hôm nay thứ năm nhưng mình ăn cơm như bình thường nghen bà con, vì tình hình tài chính nên món ăn hạnh phúc phải tạm ngưng. Nhà bếp đang nấu mắm ruốc chưng thịt cũng ngon lắm, bắt cơm lắm a”...

Mỗi ngày, hàng người xếp hàng mỗi trưa trước các quán Nụ Cười một dài thêm. Mỗi ngày, bản báo cáo thu chi của các quán đăng trên website của quỹ xuất hiện thêm những tấm lòng vàng mới. Tuy nỗi lo đang dài thêm nhưng quán Nụ Cười 4 vẫn điềm tĩnh trong các khâu chuẩn bị. Trước những băn khoăn không phải không có cơ sở của nhiều người, vẫn một nụ cười an nhiên: “Trước chúng tôi đã có quán 2.000 đồng của Người Tôi Cưu Mang, của chị Khánh ở Lữ Gia đã hoạt động điềm nhiên từ nhiều năm nay. Vì vậy chúng tôi tin lòng người là vô tận...”.

Chủ nhiệm dự án Nam Đồng:

Tại sao là 1.000 đồng?

“Người lao động thường ăn lấy no thay vì lấy ngon. Những món ăn mà một người trung lưu thường dùng trong bữa sáng có khi lại là một mơ ước với người nghèo. Bữa trưa “thứ năm hạnh phúc” này các mạnh thường quân đã cố gắng để bà con có một bữa ăn ngon dù phải chi phí gấp 2-3 lần nấu cơm ngày thường, các tình nguyện viên cũng cực hơn, nhưng vẫn lo khách không được no vì là món nước, mau tiêu. Bán 1.000 đồng là để chỉ với 2.000 đồng/phần cơm như mọi ngày, ai chưa thấy no có thể ăn thêm tô thứ hai”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp