Vừa qua, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết sau gần 2 tuần điều trị tích cực, bé gái 6 tuổi ở Tây Ninh nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu khuẩn đã qua khỏi nguy kịch. Bé gái nhập viện sau 2 ngày sốt cao, đau nhức khắp người, đau bụng, nổi tử ban rải rác toàn thân. Kết quả xét nghiệm PCR chẩn đoán bé bị nhiễm não mô cầu nhóm B, chưa tiêm vắc xin não mô cầu trước đó.
Não mô cầu khuẩn nhóm B nguy hiểm và thường gặp ra sao?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó 5 nhóm A, B, C, Y, W-135 thường gặp. Đặc biệt, nhóm B là tác nhân phổ biến nhất tại Việt Nam trong vòng 15 năm qua, gây nhiều bệnh cảnh nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi.
Trong đó, viêm màng não mô cầu được xếp vào dạng ưu tiên cấp cứu nội khoa, cần được nhập viện điều trị càng sớm càng tốt bởi có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ, tỉ lệ tử vong đến 50% hoặc sống sót nhưng để lại nhiều di chứng suốt đời như liệt, điếc, mù, thiểu năng trí tuệ...
Theo dữ liệu giám sát của Bộ Y tế công cộng Anh, khoảng 9/10 trẻ và thanh thiếu niên tử vong do viêm màng não mô cầu không qua khỏi trong 24 giờ, kể từ khi được chẩn đoán.
Hệ thống giám sát trọng điểm viêm màng não do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương điều hành thu thập dữ liệu từ Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 (TP.HCM) và Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) từ năm 2012 cho thấy hầu hết các ca viêm màng não mô cầu do nhóm B. Báo cáo 15 ca biến chứng nặng do viêm màng não mô cầu xâm lấn tại Bệnh viện Nhi trung ương từ năm 2016-2020 cũng đều do nhóm B.
Bên cạnh đó, tỉ lệ người mang mầm bệnh não mô cầu nhóm B tại hầu họng nhưng không có triệu chứng là nguồn lây khó kiểm soát, đồng thời tỉ lệ này được xác định là khá cao. Kết quả theo dõi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm 2012-2014 phát hiện khoảng 25% tân binh ở độ tuổi 18-25 mang vi khuẩn không có triệu chứng, chiếm 53,19%.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết dữ liệu báo cáo về số ca não mô cầu ở Việt Nam có thể thấp hơn thực tế do tình trạng lạm dụng kháng sinh gây ảnh hưởng kết quả xét nghiệm; thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán và thiếu hệ thống giám sát dẫn đến bỏ sót ca bệnh.
Viêm màng não mô cầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó não mô cầu nhóm B gây bệnh thường gặp ở trẻ em hơn, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nghiên cứu được đăng tải ở Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ vào tháng 3-2022 cho thấy viêm màng não mô cầu ở trẻ dưới 1 tuổi do nhóm B chiếm khoảng 60% ca bệnh.
Một nghiên cứu khác tại Ý từ năm 2007-2017 cho thấy 81% trường hợp viêm màng não ở trẻ trong năm đầu đời do nhóm huyết thanh B và hơn một nửa ở trẻ 4-8 tháng tuổi. Ở trẻ dưới 1 tuổi, tỉ lệ mắc viêm màng não mô cầu cao gấp 10 lần so với tỉ lệ dân số và nhóm huyết thanh B chiếm 65% số ca.
Tiêm vắc xin cho trẻ từ 2 tháng, chặn "bệnh tử trong 24 giờ"
Để chặn đứng nguy cơ mắc não mô cầu, các chuyên gia khuyến cáo trẻ em và người lớn đều cần tiêm đầy đủ vắc xin phòng các nhóm não mô cầu thường gặp ở Việt Nam gồm A, B, C, Y, W-135. Trong đó, vắc xin não mô cầu nhóm B thế hệ mới (Bexsero) vừa được Hệ thống tiêm chủng VNVC triển khai tiêm lần đầu tiên tại Việt Nam giúp phòng ngừa bệnh sớm từ 2 tháng tuổi đến người lớn 50 tuổi.
Hiện VNVC có đầy đủ 3 loại vắc xin não mô cầu nhóm B (Bexsero), nhóm BC (Mengoc-BC), nhóm ACYW-135 (Menactra). Trong đó, Bexsero là vắc xin thế hệ mới do hãng vắc xin và dược phẩm GSK (Bỉ) sản xuất tại Ý theo công nghệ hiện đại, chứa 4 thành phần kháng nguyên của nhóm B, phổ bảo vệ và bao phủ rộng, hiệu quả đến 95%, có hiệu lực cả với các dị chủng không có trong vắc xin. Còn Mengoc BC (Cuba) có lịch tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi, sản xuất theo công nghệ túi màng ngoài, chứa 1 thành phần kháng nguyên nhóm B nên hiệu quả bảo vệ nhóm B hẹp hơn.
Menactra là vắc xin thế hệ mới, sản xuất theo công nghệ polysaccharide cộng hợp, hiệu quả cao phòng 4 nhóm ACYW-135, tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến người 55 tuổi.
Bác sĩ Chính khuyến cáo: "Nếu không may mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và không được điều trị kịp thời ngay từ những giờ đầu thì nguy cơ bệnh diễn biến nặng và để lại di chứng rất cao. Chính vì thế, phụ huynh nên chủ động cho trẻ và người lớn tiêm vắc xin, hướng tới hai mục đích quan trọng là bảo vệ người được tiêm, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh trong gia đình và cộng đồng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận